1. Từ văn học dân gian, văn học trung đại qua các thời kỳ, triều đại, chúng ta dễ dàng bắt gặp vô số tác phẩm văn học miêu tả hình ảnh người lính, những trận chiến đấu ác liệt với quân giặc, thể hiện khát vọng giành độc lập, hòa bình cho đất nước hay những suy tưởng về chiến tranh. Một số tác phẩm đã vươn đến tầm kiệt tác, là viên ngọc quý giá trong kho tàng văn học nước nhà. Có thể nói văn học về người lính và chiến tranh cách mạng là một “phiên bản” mới của dòng văn học yêu nước đã đồng hành với dân tộc trong suốt lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Trong giai đoạn kháng chiến cứu nước 1945-1975, dòng văn học này đóng vai trò là “xương sống” của nền văn học cách mạng. Thấm nhuần lời dạy “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các sáng tác về người lính và chiến tranh cách mạng của các nhà văn giai đoạn này đều phục vụ thiết thực cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo. Tính điển phạm, động viên, cổ vũ được thể hiện rõ nét trong nội dung và phương thức thể hiện của nhiều tác phẩm. Các tác phẩm thường khắc họa hình ảnh người lính Cụ Hồ với vẻ đẹp toàn diện trong chiến đấu, lao động sản xuất, trong cách đối nhân xử thế. Ranh giới địch-ta, thiện-ác, cách mạng-phản động, thắng-thua... tương đối rõ nét. Tất cả nhằm phục vụ tối thượng là góp một phần công sức của văn học-nghệ thuật cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Nhờ vậy, văn học viết về người lính và chiến tranh cách mạng giai đoạn này đã hoàn thành một cách xuất sắc chức năng phục vụ xã hội, động viên, cổ vũ lớp lớp người Việt “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cho đến ngày toàn thắng.

Các nhà văn tham dự Trại sáng tác văn học về đề tài "Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức, tháng 8-2024. Ảnh: NGUYỄN MINH 

Sau năm 1975, nhiều đề tài mới, nhiều loại hình nhân vật mới đã xuất hiện trên văn đàn. Các nhà văn đã mạnh dạn thử nghiệm những lối viết mới được du nhập từ các nền văn học tiên tiến trên thế giới sau một thời gian dài không giao lưu, tiếp xúc. Điều đáng mừng là trong bối cảnh hiện nay, mặc dù không còn giữ vị trí “độc tôn” như trước, nhưng dòng văn học viết về người lính và chiến tranh cách mạng vẫn đang phát ra những tín hiệu khả quan, báo hiệu về một sự phát triển bền vững mạnh mẽ.

Đứng về phía lực lượng sáng tác, dẫu các nhà văn thời chống Pháp đã lần lượt khuất núi nhưng đội ngũ các nhà văn thời chống Mỹ, biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam vẫn còn đông đảo. Với những nhà văn từng trực tiếp cầm súng bảo vệ đất nước, viết về Bộ đội Cụ Hồ và chiến tranh vẫn là đề tài tâm huyết, là một trong những cách họ trả nghĩa đồng đội. Với những tác giả trẻ sinh ra và lớn lên trong thời bình, việc tìm đến đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng một mặt là hành trình “về nguồn”, tìm về những giá trị cốt lõi của dân tộc; một mặt là sự thử thách bút lực khi dấn thân vào một con đường đã có quá nhiều “dấu chân” của người đi trước. Việc viết được một tác phẩm vươn lên tầm dân tộc và thời đại, vượt qua được “cái bóng lớn” của các thế hệ đi trước vẫn luôn là khát khao cháy bỏng và chính đáng của những người cầm bút trẻ hôm nay. Mặt khác, đề tài người lính và chiến tranh cách mạng vẫn luôn nhận được sự ưu ái, động viên của xã hội, của các cơ quan chức năng (đặc biệt là Bộ Quốc phòng) về cơ chế, chính sách, tài chính, xuất bản, phát hành... Tất cả những điều này đã tạo nên sức hút của đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng đối với người cầm bút. Hằng năm vẫn có hàng chục tác phẩm viết về đề tài này xuất bản.

2. Tín hiệu quan trọng nhất khẳng định dòng văn học viết về người lính và chiến tranh cách mạng trong quãng thời gian tới vẫn sẽ là một trong những “trọng tâm” của nền văn học Việt Nam đương đại nằm ở những thay đổi về nội dung và nghệ thuật. Về cơ bản, dòng văn học viết về người lính Cụ Hồ và chiến tranh cách mạng được phân thành hai nhánh chính.

Nhánh thứ nhất tiếp tục viết về những người lính đã từng tham chiến trong các cuộc kháng chiến lớn của dân tộc. Ở nhánh này, nhờ có độ lùi về thời gian sau chiến tranh để suy tư, nhận thức rộng hơn, sâu hơn, chính xác hơn về các cuộc kháng chiến của dân tộc, tiếp cận các tài liệu, học tập mở mang thêm tri thức, vốn sống... các nhà văn đã có nhiều cách tiếp cận hơn với đề tài người lính và chiến tranh cách mạng. Cái nhìn theo nguyên lý nhị phân địch-ta mặc dù vẫn là “hòn đá tảng” trong các tác phẩm song đã có nhiều thay đổi đáng kể, trở nên sâu sắc hơn, nhân văn hơn. Mặt khác, các nhà văn sau đổi mới tập trung khai thác thân phận con người nói chung và người lính nói riêng sau chiến tranh ("Ăn mày dĩ vãng" của Chu Lai, "Đối chiến" của Khuất Quang Thụy...). Thay vì phải đối diện với sự sống và cái chết, đối mặt với khói lửa chiến tranh và quân địch, những người lính trong các tác phẩm viết về thời hậu chiến gặp nhiều khó khăn trong việc tái hòa nhập với nhịp sống bình thường. Họ phải đối diện với nhiều vấn đề đời sống không dễ giải quyết. Đó là những nỗi đau khủng khiếp về thể xác và tinh thần khởi phát từ những di chứng họ phải chịu từ cuộc chiến ("Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Chim én bay" của Nguyễn Trí Huân, "Hoang tâm" của Nguyễn Đình Tú...); đó là cảm giác lạc lõng, bơ vơ trước nhịp sống thường nhật hối hả ("Bến không chồng" của Dương Hướng, "Bất chợt mai vàng" của Nguyễn Trí Huân...); đó là những gánh nặng mưu sinh trong xã hội mà đồng tiền lên ngôi ("Thời xa vắng" của Lê Lựu, "Phố" của Chu Lai...). Trong những hoàn cảnh éo le ấy, người lính Cụ Hồ - vốn cũng là một người bình thường - đã có những giây phút yếu lòng, bế tắc. Chính những chấn thương, bế tắc của người lính trở về ấy phản ánh chân thật nhất hậu quả thảm khốc mà chiến tranh mang lại cho đất nước ta, từ đó cất lên tiếng nói phản chiến và khát vọng hòa bình mạnh mẽ của dân tộc ta. Chính giá trị nhân văn đó, cùng với những đổi mới về phương thức biểu hiện (sử dụng các yếu tố huyền ảo, tâm linh, các kết cấu phân mảnh, dòng ý thức...) đã tạo nên những tác phẩm văn học tiệm cận với những đỉnh cao trên thế giới.

Ở nhánh thứ hai, các nhà văn, đa số là các nhà văn trẻ Quân đội (Nguyễn Đình Tú, Phùng Văn Khai, Nguyễn Xuân Thủy, Đỗ Tiến Thụy, Phạm Vân Anh, Nguyễn Phú...) hướng ngòi bút của mình vào việc khắc họa những người lính sinh ra trong thời bình, chưa trải qua chiến tranh. Dẫu có may mắn không phải cầm súng ra chiến trường như các thế hệ đi trước, nhưng người lính trẻ thời bình cũng phải đối mặt với vô số khó khăn, thử thách. Các tác phẩm viết về họ đều nhấn mạnh đến việc chưa đủ đầy về cơ sở vật chất, khí hậu khắc nghiệt nơi đóng quân; về sự thiếu thốn tình cảm gia đình, người thân khi quanh năm xa nhà biền biệt; những đổ vỡ trong hạnh phúc cá nhân; những căng thẳng trong cuộc đấu tranh chống lại cám dỗ chết người đến từ những “viên đạn bọc đường” của kẻ xấu dùng mua chuộc trong những phi vụ làm ăn lớn (buôn bán ma túy, phá rừng, buôn lậu...); những tình huống nguy hiểm và cả hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ được giao... Một số tác phẩm còn mạnh dạn đề cập đến các thói xấu, chưa được tốt cần phải khắc phục của những người lính trẻ như tự mãn, tự cao tự đại, không chịu khó rèn luyện, có tính so bì, tị nạnh với đồng chí, đồng đội... Song tất cả những điều đó chỉ làm nền cho vẻ đẹp của người lính thêm lung linh tỏa sáng. Đó là vẻ đẹp của lòng dũng cảm, sự thông minh, khéo léo, kiên trì “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, là tình cảm quân dân thắm thiết, tình đồng chí, đồng đội chí tình, chí nghĩa. Những tác phẩm viết về người lính trẻ thời bình đem lại cho bạn đọc sự tin tưởng, tin yêu vào một thế hệ Bộ đội Cụ Hồ mới ("Biển xanh màu lá" của Nguyễn Xuân Thủy...).

Nhìn một cách tổng thể, dòng văn học viết về người lính Cụ Hồ và chiến tranh cách mạng đã có những thành tựu lớn, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội. Nhưng để dòng văn học này phát triển hơn nữa, thiết nghĩ bên cạnh nội lực và sự rèn luyện không ngừng nghỉ của các nhà văn, cần phải thúc đẩy một cách mạnh mẽ hơn nữa những yếu tố thuận lợi đã nhắc ở trên. Đã đến lúc Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Quân đội cần có một đề án lớn, trọng điểm ở tầm quốc gia, được thực hiện trong thời gian dài để đưa dòng văn học viết về người lính và chiến tranh cách mạng vượt qua khuôn khổ của văn học nước nhà, được quảng bá rộng khắp trên thế giới. Việc đưa tác phẩm về đề tài này ra thế giới (thông qua dịch thuật) sẽ tạo nên nguồn hứng khởi vô tận cho người cầm bút, để từ đó nảy mầm những hy vọng.

TS ĐOÀN MINH TÂM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.