leftcenterrightdel
Làng quê Việt Nam xưa. Tranh: ST 

Bài thơ "Phận người bên một dòng sông của Nguyễn Hồng Vinh là một chính thể đan xen tự sự và trữ tình; một mạch chuyện kết nối ba chiều thời gian: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong câu chuyện mà bài thơ tự sự, có ba nhân vật hiện hữu (người thương binh, người yêu cũ và cô con gái nhỏ); hương linh người mẹ là nhân vật không hiện hữu nhưng lại trong không gian thiêng liêng ấy như là "người" kết nối của mạch thời gian và không gian...

Bằng cấu trúc chặt chẽ, bài thơ đưa người đọc từ thời hoa niên trong trẻo, hồn nhiên của đôi trai gái quen biết nhau từ ngày cùng làm nghề “thả lưới, buông câu, kéo vó, đặt lờ". Nhưng thiên nhiên nghiệt ngã vào mùa lũ cuốn, sóng đã làm tan bè tre, nứa – “những ngôi nhà” thân thương che nắng mưa hằng ngày trên dòng sông, làm xô đẩy họ phải đến vùng đất mới, cùng “Khám phá bãi bờ um tùm có lúc/ Cặm cụi gieo mùa hạt đầu tiên". Một bầu trời mới bình yên mở ra, đem lại cho họ những xúc cảm lứa đôi, được bà mẹ chăm chút, lo toan “Cầu mong hai đứa sớm se duyên”. Nhưng rồi chiến tranh ập đến, nghe theo tiếng gọi non sông, chàng trai tự nguyện nhập đoàn quân vượt Trường Sơn ra trận với “Kỷ niệm mang theo duy nhất/ Hơi ấm bàn tay trước lúc lên đường". Đọc đến đây, tôi thiết nghĩ, nếu bài thơ chỉ là những cảm xúc, hoài niệm thời hoa niên của đôi bạn trẻ thì đó cũng là mốc son đáng nhớ, đáng trân trọng.

Song, bài thơ đã rẽ sang một hướng khác: Từ hoài niệm đến bi kịch của chiến tranh: Chàng trai mất hai chân trong trận chiến với kẻ thù, không viết thư về nhà để báo nỗi đau, một mình âm thầm chịu đựng. Còn người yêu lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong, khắc khoải đợi chờ cho đến khi nhận được giấy báo tử, bà con khuyên nhủ cần gạt nỗi đau để tìm tổ ấm. Thực tiễn này đã diễn ra không ít ở nhiều địa phương trong thời chiến. Nhưng “nút thắt” (và cũng là cách “giải mã” thành công của tác giả) của bài thơ chính là ở chỗ, trong nỗi đau tột cùng của chàng trai khi trở về làng với “Đôi nạng thương binh gập ghềnh qua nhiều tỉnh, huyện" để tìm người con gái ngày xưa đã thầm yêu, trộm nhớ với “le lói niềm hy vọng mong manh”. Khổ 6, 7 bài thơ thể hiện sự thủy chung, sự nhẫn nại của chàng trai trong cuộc kiếm tìm, nhưng vô vọng! Đến đây, “nút thắt” đã được mở ra, tròn đúng 10 năm ngày mẹ mất, anh ra mộ thắp nhang thì tình cờ gặp lại người bạn gái xưa dẫn đứa con nhỏ chít khăn tang cùng đến mộ viếng mẹ - mà nếu không xảy ra chiến tranh thì ắt là “mẹ chồng". Một nghịch cảnh, một bi kịch xót đau diễn ra bên ngôi mộ bên một dòng sông. “Anh bàng hoàng nhìn em dòng lệ tuôn trào", lòng quặn đau nhưng không lời thở than, trách móc, mà tự ghìm lòng vỗ vai em "Đừng bận tâm nhiều về anh/ Phần trời đã định/ Mong mẹ con hãy sống an lành". Thật cao cả, thật nhân văn biết nhường nào! Ngòi bút tác giả thật khéo léo dừng lại, không để nỗi đau kéo dài nên đã khép lại bằng ba câu thơ hình tượng, ẩn chứa một niềm lạc quan, một sự yêu thương mới đang mở ra chân trời mới với cuộc đời sang trang:

“Phút chia ly bịn rịn

Mặt trời ra khỏi đám mây

Nắng lóa giữa màu xanh ngút ngát...

Toàn bộ nội dung bài thơ chạm trái tim người đọc nhờ ngôn ngữ giản dị. Thể thơ tự do như góp phần trải lòng người bên không gian dòng sông, cánh đồng, đàn bò thong dong gặm cỏ... dẫn dắt cảm xúc con người hòa vào tâm trạng của người con gái chờ mong và nghị lực phi thường cùng niềm chung thủy sắt son của chàng trai. Cảnh sắc ấy cũng khắc họa sâu sắc nỗi đau của một tình yêu đẹp nhưng không có kết quả đẹp. Song, cái đẹp bao trùm của bài thơ này là đề cao tình người và tính nhân văn - một nhân tố làm nên niềm lạc quan và sự hy vọng vào cuộc đời mà tưởng chừng không có lối thoát.

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh với bài thơ thật giàu ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 48 năm Ngày kết thúc chiến tranh, đất nước thống nhất.

THẾ DUY