Phim phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân và QĐND Việt Nam trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, dự kiến công chiếu ngày 22-8-2025. Trao đổi với phóng viên Báo QĐND, Thượng tá, Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Thái Huyền, Phó giám đốc Điện ảnh QĐND, đạo diễn của bộ phim, xúc động nói: “Làm phim “Mưa đỏ” là tình yêu, khát vọng của tôi và ê kíp. Đó như một giấc mơ tuyệt đẹp đã trở thành hiện thực trong cuộc đời làm nghề của tôi khi phim đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để ra rạp đón khán giả”.

Tái hiện một phần lịch sử của dân tộc

Phóng viên (PV): Đồng chí có phải chịu nhiều áp lực khi làm bộ phim từ tiểu thuyết đã khá nổi tiếng của nhà văn Chu Lai?

Thượng tá, đạo diễn Đặng Thái Huyền: Chắc chắn có áp lực và là áp lực rất lớn. “Mưa đỏ” khi gửi về Điện ảnh QĐND đã là một kịch bản phim truyện vô cùng cảm xúc, bi tráng. Tác giả Chu Lai cũng là tên tuổi lớn trên văn đàn. Nhưng áp lực hơn cả, 81 ngày đêm là sự kiện, là miền ký ức mà nhiều thế hệ không bao giờ nguôi quên. Vì vậy, tôi biết, phim điện ảnh “Mưa đỏ” sẽ có nhiều người nhìn vào, so sánh, soi xét.

Thượng tá, đạo diễn Đặng Thái Huyền. 

Tuy nhiên, chính từ áp lực đó, tôi và ê kíp càng nỗ lực hơn để tìm ra ngôn ngữ chuyển tải riêng, vừa tôn trọng nguyên tác, vừa tôn trọng sự kiện lịch sử nhưng quan trọng hơn hết là phải giàu cảm xúc và mang hơi thở đương đại, để khán giả hôm nay, đặc biệt là khán giả trẻ có thể hiểu, cảm nhận, trân trọng tinh thần bất khuất của thế hệ cha anh; truyền cho khán giả cảm hứng muốn tìm hiểu sâu kỹ hơn sự kiện đó và mỗi người sẽ tạo dựng nên một miền ký ức, một suy ngẫm của riêng mình. Và áp lực, thay vì làm chùn bước thì lại trở thành động lực để cả ê kíp làm việc với sự tỉnh táo, nghiêm túc và nỗ lực hết mình.

PV: Với “Mưa đỏ”, gần như 90% cảnh quay được thực hiện tại thực địa, chính tại nơi diễn ra cuộc chiến như trong lịch sử đã đề cập-Thành cổ Quảng Trị. Vậy việc được tác nghiệp trên chính mảnh đất đã có quá nhiều hy sinh, mất mát khiến đồng chí và ê kíp có nhiều thách thức?

Thượng tá, đạo diễn Đặng Thái Huyền: Tác nghiệp tại Thành cổ Quảng Trị là một trải nghiệm vừa thiêng liêng, vừa thử thách. Được tác nghiệp trên mảnh đất thấm đẫm máu xương của hàng nghìn chiến sĩ khiến chúng tôi tự nhủ không thể làm phim một cách hời hợt, qua loa. Mỗi cảnh quay như một lời tri ân thế hệ cha anh.

Nhưng thời tiết khắc nghiệt, mưa lớn triền miên, địa hình sông nước nguy hiểm, phức tạp, cộng thêm sự xuất hiện của rất nhiều loại vũ khí, khí tài để dàn những đại cảnh lớn... cùng rất nhiều thử thách khác khiến quá trình quay phim trở nên thật gian nan. Dẫu vậy, chính sự linh thiêng của mảnh đất nơi đây đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho toàn bộ đoàn làm phim. Mỗi lần bước vào phim trường, tôi luôn nhắc nhở bản thân và ê kíp: “Chúng ta đang làm việc ở một nghĩa trang không bia mộ, hãy tôn trọng từng mét đất”.

Truyền cảm hứng tình yêu nước, trân trọng giá trị hòa bình

PV: Là thế hệ sinh ra sau chiến tranh, đồng chí có cảm nhận về những cuộc chiến, sự hy sinh của thế hệ cha anh như thế nào, để qua đó truyền cảm hứng tới khán giả, nhất là thế hệ trẻ thông qua tác phẩm nghệ thuật của mình?

Thượng tá, đạo diễn Đặng Thái Huyền: Làm nghệ thuật, tôi luôn tâm niệm: Muốn kể đúng tuyệt đối, kể thật chính xác những sự kiện trong lịch sử thì đã có sứ mệnh của phim tài liệu. Còn nhiệm vụ của phim truyện là tái hiện, mô tả câu chuyện, sự kiện đó dưới lăng kính cảm xúc. Từ cảm xúc sẽ lan tỏa, truyền cảm hứng yêu nước, sự biết ơn và khát vọng sống đẹp tới người xem.

Hình ảnh trong phim “Mưa đỏ”. Ảnh do Điện ảnh Quân đội nhân dân cung cấp 

“Mưa đỏ” của chúng tôi đang nỗ lực để làm được điều đó, một bộ phim không khô khan, giáo điều mà là tiếng nói cảm xúc từ trái tim. Tôi không muốn chỉ làm phim cho người từng trải qua chiến tranh xem mà muốn lớp trẻ-những người tưởng như xa rời lịch sử-có thể chạm được, xúc động thật sự. Đó chính là thách thức lớn nhất.

PV: Xem những bức hình ghi nhận hoạt động tác nghiệp của đoàn phim vừa được Điện ảnh QĐND công bố qua Triển lãm "Tri ân từ khuôn hình", rồi hình ảnh trailer quảng bá, dễ nhận thấy phim có nhiều đại cảnh tái hiện những trận đấu khốc liệt liên quan đến vũ khí, khí tài, quá nhiều tình huống phát sinh... Vậy chị làm cách nào để vừa phải vượt qua áp lực, vừa xử lý nhanh các sự cố, bảo đảm an toàn cho cả đoàn làm phim?

Thượng tá, đạo diễn Đặng Thái Huyền: Trên trường quay, mọi áp lực đổ dồn về đạo diễn-không phân biệt nam hay nữ. Kỷ luật, tỉnh táo và bình tĩnh là điều tôi rèn luyện suốt nhiều năm làm nghề, để có thể điều hành ê kíp một cách hiệu quả nhất. Tôi rèn luyện bản lĩnh đó từ chính thực tế làm nghề, bằng việc luôn học hỏi từ đồng nghiệp, không ngại va chạm và dám nhận trách nhiệm.

Có lúc tôi phải lớn tiếng giữa phim trường, có lúc phải im lặng để tìm phương án, nhưng điều quan trọng là không để ai trong ê kíp thấy mình chao đảo. Đó không phải là “mạnh mẽ” kiểu khẩu hiệu mà là sự tỉnh táo sống còn của người đạo diễn. Tôi may mắn khi có một tập thể đoàn kết, giàu kinh nghiệm, tâm huyết, hết lòng vì dự án. Trong quá trình làm phim, dù vất vả đến đâu, lãnh đạo cấp trên luôn sát sao quan tâm, hỏi thăm, động viên. Đặc biệt là người dân địa phương vô cùng tốt bụng, yêu quý đoàn phim. Đó là những nguồn sức mạnh tinh thần to lớn của chúng tôi.

PV: Sau hiệu ứng rất tốt của “Đào, phở và piano”, gần nhất là “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, những bộ phim đã tạo luồng sinh khí mới cho phim đề tài chiến tranh cách mạng, người lính, “Mưa đỏ” cũng đang được giới chuyên môn chờ đợi. Đồng chí đặt hy vọng gì vào tác phẩm lần này của mình và ê kíp?

Thượng tá, đạo diễn Đặng Thái Huyền: Cả ê kíp luôn kỳ vọng “Mưa đỏ” sẽ được khán giả đón nhận, giúp họ hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình hôm nay. Còn với riêng tôi, chỉ cần một người trẻ sau khi xem phim cảm thấy xúc động, muốn tìm hiểu thêm về Thành cổ Quảng Trị hay xúc động vì một cảnh phim, hoặc khi tới rạp, họ tự nhủ: “Tại sao, điều gì khiến cha anh mình sống, chiến đấu quả cảm, anh dũng như thế”, rồi rời rạp, họ tìm thấy một phần câu trả lời, thì tôi tin phim đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Còn với giới chuyên môn, tôi mong “Mưa đỏ” sẽ góp phần tiếp nối tinh thần đổi mới và nâng cao chất lượng phim chiến tranh cách mạng như các bậc tiền bối trong nghề đã và đang nỗ lực xây dựng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

“Đúng là sau 10 năm, với đôi mắt xanh của Điện ảnh QĐND, họ đã chuyển từ tiểu thuyết sang phim. Tôi cũng bất ngờ và hy vọng rằng phim vẫn phản ánh đúng được tầm vóc bi hùng và đau thương, hào sảng của Quảng Trị năm 1972. Năm tháng sẽ qua đi, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, nhưng những ngày tháng hào hùng, khổ đau và vinh quang của dân tộc ta sẽ còn mãi với trời xanh. Mưa đỏ để cho trời mãi xanh”, nhà văn Chu Lai bày tỏ.

VƯƠNG HÀ (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.