PV: Điện ảnh Quân đội nhân dân đã có liên hệ thế nào với nhà văn Chu Lai cũng như nhận được sự ủng hộ về tinh thần ra sao từ thế hệ những người lính, văn nghệ sĩ thế hệ trước để từ đó xây dựng hệ thống tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng?
Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Cách đây gần 10 năm, nhà văn Chu Lai gửi kịch bản phim truyện “Mưa đỏ” đến Điện ảnh Quân đội nhân dân. Đây là một kịch bản hay và xúc động. Tuy nhiên, để sản xuất phim đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ càng từ kịch bản đến quy mô thực hiện. Chúng tôi đã ấp ủ và trăn trở rất nhiều, qua nhiều vòng chỉnh sửa kịch bản, nhiều cấp duyệt và xây dựng dự án phim, tháng 3-2024, dự án sản xuất phim truyện “Mưa đỏ” đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Đây là niềm hạnh phúc rất lớn với những người làm phim chúng tôi.
 |
Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân. |
Trong nhận thức của chúng tôi, mỗi thế hệ đều gánh vác một sứ mệnh với thời đại của mình. Các thế hệ trước đã hoàn thành trách nhiệm của họ, là đấu tranh giành độc lập, thống nhất. Thế hệ hôm nay có sứ mệnh là bảo vệ nền hòa bình, xây dựng dân tộc đoàn kết, làm cho đất nước giàu mạnh. Nhiệm vụ lịch sử khác nhau nhưng các thế hệ có chung những giá trị tốt đẹp được thừa hưởng từ tổ tiên ngàn đời, đó là tinh thần, ý chí, lòng yêu nước, khát vọng vươn lên… Tôi nghĩ nhiệm vụ của người làm phim tại Điện ảnh Quân đội nhân dân là: Phản ánh những giá trị truyền thống của dân tộc, những phẩm chất của người lính trong tác phẩm, tiếp thêm động lực để thế hệ hôm nay hăng hái phụng sự đất nước và dân tộc. Tâm nguyện của chúng tôi khi thực hiện bộ phim “Mưa đỏ” cũng vậy.
Để xác định rõ và thực hiện tốt sứ mệnh của mình, tập thể cán bộ, chiến sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân luôn nỗ lực hết mình. Luôn xây dựng nhận thức cho cán bộ, nhân viên làm công tác nghệ thuật về ý nghĩa của lịch sử chiến tranh cách mạng, về nhiệm vụ của người làm phim. Bồi dưỡng cán bộ, nhân viên có kiến thức và nhận thức đúng đắn, sâu sắc về lịch sử; có năng lực chuyên môn tốt; phát huy những giá trị truyền thống, những phẩm chất cao đẹp của người lính trong tác phẩm; đồng thời luôn nghiên cứu hình thức thể hiện mới, sáng tạo, theo kịp sự phát triển của thẩm mỹ người xem.
PV: "Mưa đỏ" là một trong những dự án lớn của Điện ảnh Quân đội nhân dân chào mừng các ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội năm 2025, đồng chí có thể chia sẻ những tâm huyết của các nghệ sĩ, chiến sĩ khi bắt tay thực hiện dự án này?
Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Phải khẳng định kịch bản “Mưa đỏ” đã nhận được sự quan tâm của Điện ảnh Quân đội nhân dân ngay từ đầu. Đây là một trong những động lực để chúng tôi báo cáo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng đề án làm phim, hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công, 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
“Mưa đỏ” phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; cuộc đấu trí cam go của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris; tố cáo tội ác chiến tranh; ca ngợi khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất và tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Bộ phim có thời lượng từ 110 đến 120 phút, thời gian triển khai thực hiện từ tháng 4-2024, dự kiến hoàn thành vào tháng 7-2025. Bối cảnh phim phần lớn được thực hiện tại tỉnh Quảng Trị; một số điểm ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên và thành phố Hà Nội. Đây là bộ phim chiến tranh có quy mô lớn nhất của Điện ảnh Quân đội nhân dân trong 10 năm trở lại đây. Đồng thời, đây cũng là dự án phim truyện điện ảnh đầu tiên được đơn vị đầu tư xây dựng, tái hiện kỹ lưỡng bối cảnh trên phim trường; huy động sự tham gia, phối hợp của các quân binh chủng trong Quân đội, cùng nhiều vũ khí, trang bị, đạo cụ, phương tiện phục vụ cho cảnh quay.
 |
Bối cảnh phim trường "Mưa đỏ" tại Quảng Trị. |
PV: Là đơn vị đi đầu trong việc sản xuất các bộ bộ phim về đề tài chiến tranh và hậu chiến, xin đồng chí cho biết "Mưa đỏ" liệu sẽ có gì khác với những phim cùng đề tài này?
Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Các bộ phim truyện do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện đều nhận được sự quan tâm, yêu mến của khán giả. Có thể kể đến các bộ phim truyện như “Hoa ban đỏ”, “Tiếng cồng định mệnh”, “Người trở về”, “Khúc mưa”… Các bộ phim đều đảm bảo đúng tôn chỉ hoạt động của Điện ảnh Quân đội nhân dân, ca ngợi và khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, có giá trị nghệ thuật cao; góp phần củng cố lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân trong lòng khán giả, đó cũng là những giá trị mà phim “Mưa đỏ” hướng tới.
Tuy nhiên, khác với các bộ phim truyện trước, “Mưa đỏ” là bộ phim chiến tranh có quy mô lớn. Đồng thời, đây là dự án phim truyện điện ảnh đầu tiên được đơn vị đầu tư xây dựng, tái hiện bối cảnh trên phim trường. Bối cảnh chính Thành Cổ và các bối cảnh lẻ như sở chỉ huy tiền phương ngụy, trạm quân y... sẽ được đặt tại Quảng Trị. Đây là nơi có giá trị lịch sử và ý nghĩa lớn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Khi “Mưa đỏ” lấy bối cảnh tại Quảng Trị, bộ phim không chỉ tái hiện lại những sự kiện lịch sử quan trọng mà còn mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về những mất mát, hy sinh của con người cùng với đó là tình yêu đất nước. Ngoài ra, chúng tôi còn lựa chọn những bối cảnh khác như Huế, Thái Nguyên, Hà Nội để phục vụ cho những cảnh quay trong bộ phim.
Đồng thời, trong phim có những đại cảnh huy động cả bộ đội, người dân lên đến hàng trăm người, nhiều trang thiết bị cơ giới, phương tiện hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép… Bối cảnh Thành cổ Quảng Trị được phục dựng và dàn dựng trạng thái hoang tàn, đổ nát theo diễn biến của cuộc chiến đấu.
PV: Là một biên kịch, từng tham gia nhiều dự án phim, nhưng với “Mưa đỏ” chị có những chia sẻ, nhận định gì về khó khăn, thuận lợi ở khâu kịch bản và các khâu tiếp theo?
Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Phải khẳng định, đây là một kịch bản hay và xúc động. Tuy nhiên, để sản xuất phim đòi hỏi phải có kinh phí lớn. Chúng tôi đã ấp ủ và trăn trở gần 10 năm, chuyển thể từ kịch bản “Mưa đỏ” mang đậm chất văn học sang kịch bản điện ảnh, phù hợp với đặc thù sản xuất.
Tuy nhiên, vì đây là một dự án lớn trong vòng 10 năm qua của Điện ảnh Quân đội nhân dân, nên chúng tôi cũng gặp không ít những khó khăn.
Thứ nhất, tái hiện lại bối cảnh lịch sử và không khí hào hùng của thời đại trong khuôn khổ một bộ phim hơn 100 phút đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao. Hình tượng nhân vật, kết cấu kịch bản, phục trang, đạo cụ, cho đến từng chi tiết trong phim… đều phải được thiết kế thật tỉ mỉ, sắc nét và chặt chẽ, đúng với lịch sử. Mọi thành phần làm phim phải có nghiên cứu sâu rộng, am hiểu lịch sử.
Thứ hai, làm phim về lịch sử đã khó, phim lịch sử chiến tranh càng khó hơn. Thông tin trên phim phải chính xác về mặt lịch sử và lịch sử chiến tranh, về tác chiến, chiến thuật quân sự...
Thứ ba, công tác lựa chọn nhân sự vào các vị trí phải được thảo luận kỹ lưỡng. Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức khảo sát, xây dựng bối cảnh tại tỉnh Quảng Trị, phối hợp với các cơ quan chức năng nắm tình hình về điều kiện thủy văn, khí hậu địa bàn; hiệp đồng với các quân binh chủng bàn bạc, trao đổi, thống nhất một số nội dung liên quan đến việc di chuyển vật chất, đạo cụ, phương tiện hỗ trợ trong quá trình sản xuất phim, cũng như vấn đề an toàn tại khu vực, địa điểm quay. Điều đó đòi hỏi ở chúng tôi rất nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, tổ chức, điều hành.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
KHÁNH HUYỀN (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.