Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, tham dự Giải thưởng Cánh diều 2024 do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã chọn lọc và gửi dự thi những tác phẩm nào?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Năm 2024, Điện ảnh QĐND đã gửi dự thi 9 tác phẩm, trong đó có 7 tác phẩm phim tài liệu, 1 tác phẩm phim truyện điện ảnh và 1 tác phẩm phim khoa học. Mỗi bộ phim được lựa chọn là một câu chuyện, một màu sắc sinh động, hấp dẫn đã tái hiện hình tượng người lính ở nhiều góc độ khác trong cuộc sống.

Nếu các bộ phim tài liệu “Hùng ca Điện Biên Phủ”, “Thép trong lòng biển sâu”, “Thanh âm đại ngàn”, “Bên cạnh bố” cho khán giả cái nhìn toàn diện về lực lượng Quân đội trên các mặt trận và ý chí quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, cho dù có hy sinh, gian khổ; thì phim tài liệu “Thanh âm đại ngàn” lại khẳng định tinh thần gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ. Bộ phim “Tỉnh thức và hóa giải” mang đến thông điệp hóa giải, hòa hợp dân tộc. Tác phẩm “Suối nguồn” lại khắc họa hình ảnh người cựu chiến binh luôn bền bỉ cống hiến cho đất nước trong cả chiến tranh và trong thời bình. Những hình ảnh xúc động trong bộ phim “Linh ảnh” cho khán giả thấy truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta thông qua các bạn trẻ - tương lai của đất nước. Các bạn chính là những người chung tay hàn gắn và chia sẻ nỗi mất mát trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.

Trong mảng phim khoa học, phim khoa học “Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy” của Điện ảnh QĐND, phản án nỗ lực của các cán bộ, nhà khoa học Quân đội trong áp dụng công nghệ, nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống các phương tiện chữa cháy hiện đại, góp phần bảo vệ tài sản của Quân đội và nhân dân.

Đối với thể loại phim truyện, Điện ảnh QĐND gửi dự thi phim “Sao xanh nơi biển sóng”, bộ phim nói về lực lượng bộ đội biên phòng ở một cửa biển đã vượt qua bao khó khăn trong việc phòng chống buôn lậu, bảo vệ an ninh đường biên giới biển quốc gia.

leftcenterrightdel

Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân.

PV: Được biết trong Lễ trao giải Cánh diều 2024, tác phẩm “Linh ảnh” đã xuất sắc đoạt giải Cánh diều Vàng hạng mục phim tài liệu, và tác phẩm “Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy” đoạt giải Cánh diều Bạc hạng mục phim khoa học. Điểm nổi bật của 2 tác phẩm trên là gì, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Điện ảnh QĐND đã sản xuất bộ phim “Linh ảnh”, biên kịch và đạo diễn Nguyễn Quang Quyết. Bộ phim là câu chuyện về hành trình phục dựng ảnh của một nhóm bạn trẻ đã tự nguyện phục chế lại những bức ảnh chân dung liệt sĩ. Thông qua những bức ảnh được phục dựng là câu chuyện đầy xúc động về sự hy sinh của từng Anh hùng liệt sĩ, nỗi đau thương, mất mát của các gia đình khi ngóng đợi các liệt sĩ trở về. Phim gửi gắm thông điệp tới thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta: Cùng chung tay hàn gắn và chia sẻ nỗi mất mát trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Bộ phim ra mắt đúng vào dịp 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ mà bộ phim có sức lan tỏa lớn trên các Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương và địa phương.

Phim khoa học “Nghiên cứu về ứng dụng trong chữa cháy” do Biên kịch Nguyễn Đức Thực, Đạo diễn Hà Xuân Trường thực hiện. Thực tế trong những năm gần đây, các vụ cháy xảy ra ngày càng tăng về số lượng và quy mô đám cháy. Nhà máy Z113/Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng là đơn vị Quân đội đã chủ động áp dụng công nghệ, nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống các phương tiện chữa cháy hiện đại, góp phần bảo vệ tài sản của Quân đội và nhân dân. Điểm nhấn của bộ phim là những cảnh quay nghiệm thu sản phẩm chữa cháy, về ứng dụng của phương tiện bay không người lái và dàn phóng chữa cháy được thực hiện trong diễn tập khu vực phòng thủ chữa cháy rừng.

Đây là hai trong số nhiều bộ phim khác của Điện ảnh QĐND được đầu tư công phu, giàu ngôn ngữ điện ảnh. Chúng tôi mong muốn gửi đi thông điệp đến khán giả, nhất là các khán giả trẻ: Hòa bình, tự do chúng ta đang có là nhờ sự cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi người cần học tập, cống hiến và rèn luyện để trưởng thành hơn, đóng góp sức mình vào xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

leftcenterrightdel

Hình ảnh trích trong phim tài liệu “Linh ảnh”, Điện ảnh QĐND sản xuất.

PV: Để có được thành tích ấn tượng trong mùa giải Cánh diều 2024, Điện ảnh QĐND đã có sự chuẩn bị như thế nào cả về nội dung lẫn cách thức thể hiện các tác phẩm, để mỗi sản phẩm điện ảnh được gửi dự thi đạt chất lượng cao nhất?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Ngay từ năm 2023, chúng tôi đã phải chuẩn bị lên ý tưởng, đề cương, kịch bản. Các biên kịch, đạo diễn cũng dành nhiều thời gian để đi thực tế, bám sát đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Các đạo diễn cũng nhanh chóng lên phương án sản xuất phim để các bộ phim ra mắt đúng vào các dịp kỷ niệm, tuyên truyền. Đồng thời nghiên cứu các thủ pháp mới, ứng dụng tiến bộ công nghệ để đổi mới hình thức thể hiện tác phẩm, nhằm tăng tính mới, tính hấp dẫn của tác phẩm. Mỗi bộ phim ra đời là công sức của cả tập thể các nghệ sĩ, chiến sĩ, trong từng khâu sáng tác. Đồng thời, chúng tôi luôn lắng nghe các góp ý của khán giả, để các tác phẩm phản ánh chân thực và sâu sắc đời sống huấn luyện, chiến đấu, tâm tư tình cảm của người lính, các giá trị nhân văn cao đẹp của người lính, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

PV: Bên cạnh những thuận lợi, Điện ảnh QĐND có gặp những khó khăn gì trong quá trình sản xuất các bộ phim, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Trước hết, Điện ảnh QĐND luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Các bộ phim do đơn vị sản xuất luôn được các cơ quan cấp trên quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện và nhận được đánh giá tích cực từ các ban, bộ, ngành. Điều đó trở thành nguồn động viên, cổ vũ tinh thần làm phim của các nghệ sĩ, chiến sĩ.

Tuy vậy, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn trong quá trình sản xuất phim. Chẳng hạn, công nghệ điện ảnh phát triển với tốc độ nhanh, một số trang thiết bị của đơn vị không còn phù hợp. Bên cạnh đó, khán giả ngày nay tương đối am hiểu về điện ảnh và có tiêu chí thẩm mỹ đa dạng. Làm phim về lịch sử chiến tranh cách mạng sao cho hấp dẫn cũng là một thử thách. Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, phương thức tiếp cận thông tin của khán giả đã thay đổi nhiều, mở rộng trên nhiều nền tảng. Điều đó cũng đặt ra nhiều vấn đề cho chúng tôi trong tuyên truyền các tác phẩm.

Điện ảnh QĐND xác định mảng đề tài về người lính, chiến tranh cách mạng là mảng đề tài máu thịt của mình, nhưng đây cũng là thử thách lớn đối với người nghệ sĩ. Để tìm được những chất liệu mới, câu chuyện mới về người lính, đòi hỏi đội ngũ biên kịch, đạo diễn phải có kiến thức, trải nghiệm trong môi trường quân ngũ, từ đó tìm và chắt lọc những nét mới, phản ánh chân thực cuộc sống huấn luyện, chiến đấu, tâm tư nguyện vọng của chiến sĩ.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh trong phim khoa học “Nghiên cứu về ứng dụng trong chữa cháy”.

PV: Qua mỗi kỳ Liên hoan phim, các cuộc thi, giải thưởng Hội nghề nghiệp, có thể nhận thấy thế hệ nghệ sĩ trẻ của Điện ảnh QĐND dần khẳng định được dấu ấn. Điện ảnh QĐND đã khuyến khích thế hệ trẻ của đơn vị trưởng thành như thế nào?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Thế hệ trẻ của Điện ảnh QĐND hôm nay đang ngày một trưởng thành và sẵn sàng tiếp nối truyền thống của thế hệ trước để lại. Đảng ủy, Ban giám đốc luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho các đạo diễn, biên kịch được thử sức ở nhiều mảng đề tài khác nhau, cách thể hiện mới, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào làm phim. Vì vậy, các đạo diễn trẻ như đạo diễn Vũ Anh Nhất, Nguyễn Quang Quyết, Nguyễn Diệu Hoa, Hà Xuân Trường, Bùi Thanh Hải, Nguyễn Tú Đức… các biên kịch như Bạch Hoàng Đạt, Trần Thị Thu Hương, Hà Thị Thương Huyền… luôn chủ động trong việc tìm kiếm đề tài, nâng cao trình độ trình môn, học hỏi các xu hướng làm phim mới trong nước và trên thế giới, để mang tới cho khán giả những góc nhìn khách quan, đa chiều, chân thực về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, Bộ đội Cụ Hồ hôm nay.

Đội ngũ kỹ thuật viên trong đơn vị cũng chủ động từng bước tiếp cận và làm chủ công nghệ làm phim hiện đại. Các bộ phim đã và đang được sản xuất hậu kỳ chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ âm thanh 5.1, tiến tới 7.1; các khâu in tráng phim nhựa được thực hiện tại Điện ảnh QĐND theo quy trình khép kín.

leftcenterrightdel
 Phim tài liệu "Linh ảnh" của Điện ảnh QĐND đoạt giải thưởng Cánh diều Vàng 2024.

PV: Xin đồng chí cho biết trong tương lai gần, Điện ảnh QĐND có kế hoạch sản xuất những dự án phim nổi bật nào tiếp theo?

Thượng tá Nguyễn Thu Dung: Là một đơn vị làm phim điện ảnh, thực hiện sản xuất cả ba thể loại: Phim tài liệu, phim khoa học, phim truyện, các tác phẩm do Điện ảnh QĐND sản xuất đã phản ánh đầy đủ phẩm chất, bản lĩnh, ý chí của người lính trong chiến tranh lẫn trong thời bình.

Trong thời gian tới, Điện ảnh QĐND tiếp tục sản xuất những các tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng thuộc cả ba thể loại, nhằm phục vụ khán giả trong và ngoài Quân đội. Bên cạnh đó, chúng tôi cầu thị, lắng nghe các góp ý của khán giả, nâng cao chất lượng tác phẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu các bộ phim do đơn vị sản xuất thông qua việc phát sóng trên các đài truyền hình và tổ chức các tuần phim để phục vụ khán giả. Biết ơn tình cảm quý mến của quý vị khán giả, chúng tôi luôn nỗ lực để đem đến cho khán giả những bộ phim hay, đặc sắc, lắng đọng, có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

HUYỀN MAI (thực hiện)