Tiếp bước các nhà văn đi trước như Sơn Tùng với “Búp sen xanh”, Hồ Phương với “Cha và con”, Hoàng Quảng Uyên với bộ tiểu thuyết 3 tập: “Trông vời cố quốc”, “Mặt trời Pác Bó”, “Giải phóng”, đến lúc này, Nguyễn Thế Kỷ là nhà văn Việt Nam hiện đại viết tiểu thuyết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với dung lượng lớn nhất: Hơn 1.000 trang in, bao quát toàn bộ cuộc đời của vị lãnh tụ vĩ đại, từ lúc là cậu bé Nguyễn Sinh Cung được sinh ra ở Nam Đàn (Nghệ An) cho tới khi qua đời tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội.

Các đại biểu tại buổi ra mắt tập 2 “Lênh đênh bốn biển” của bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”. Ảnh: HỮU TRƯỞNG

Tập 1 “Nợ nước non” bao quát khoảng thời gian từ lúc thơ ấu cho tới khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành bước lên con tàu Amiral Latouche-Tréville ở bến Nhà Rồng, tạm biệt quê hương đi tìm đường cứu nước. Tập 2 “Lênh đênh bốn biển” ghi lại hành trình của người thanh niên Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc với 30 năm đi khắp các phương trời Âu, Á, Mỹ, Phi để tìm một con đường giải phóng cho dân tộc. Tập 3 “Từ Việt Bắc về Hà Nội” tập trung vào khoảng thời gian 5 năm (1941-1945), từ khi Nguyễn Ái Quốc vượt qua cột mốc biên giới Việt-Trung chạm đất Cao Bằng cho tới khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thể quốc dân đồng bào tại quảng trường Ba Đình. Tập 4 “Đường lên Điện Biên” tương ứng với 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp cho tới khi Hiệp định Geneva được ký kết. Tập 5 “Việt Nam-Hồ Chí Minh” tương ứng với khoảng thời gian từ năm 1955 cho tới khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969.

Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử không phải là chép lại, kể lại các tư liệu, bê nguyên xi những dữ kiện lịch sử vào trang sách mà phải cho độc giả thấy được sự sáng tạo nghệ thuật của mình. Nguyễn Thế Kỷ qua bộ tiểu thuyết dụng công này đã cho người đọc thấy được sự tâm huyết của ông qua từng trang văn. Ông đi sâu miêu tả các diễn biến tâm lý nhân vật, từ nhân vật chính cho tới các nhân vật trong gia đình Nguyễn Sinh Cung, các nhân sĩ, trí thức, các nhân vật là bạn bè, đồng chí từ khi Nguyễn Tất Thành còn ở trong nước đến khi lênh đênh bốn biển rồi lại trở về Tổ quốc.

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ còn làm rõ một quá trình phát triển và chuyển biến nhận thức của nhân vật chính, từ lúc mang tên Nguyễn Sinh Cung tới khi mang tên Nguyễn Tất Thành, từ lúc xuống tàu đi tìm đường cứu nước tới khi giác ngộ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy con đường để giải phóng cho dân tộc và nhân dân mình. Tác giả xây dựng thêm nhiều nhân vật mới-những nhân vật không có trong chính sử-nhằm làm nổi bật hình ảnh nhân vật chính cũng như giúp cho mạch truyện thêm phong phú, sống động. Có thể kể đến những nhân vật như: Phúc ở tập “Nợ nước non”, hai vợ chồng Phillipe-Marie và Annette (em gái của Phillipe) ở tập “Lênh đênh bốn biển”, thày tào Thình ở tập “Từ Việt Bắc về Hà Nội”...

Với bộ tiểu thuyết đồ sộ này, tác giả không chỉ miêu tả Hồ Chí Minh là một nhân vật cách mạng kiệt xuất, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam mà còn miêu tả Người rất đời thường, giản dị và gần gũi với đồng bào, đồng chí, với gia đình, quê hương... Hơn thế, những trang văn của Nguyễn Thế Kỷ còn mang lại sự xúc động sâu sắc cho người đọc bởi ông đã viết bằng tất cả tấm lòng của mình, tấm lòng của một người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ An, tấm lòng của một người Việt Nam luôn kính yêu và tri ân vị lãnh tụ vĩ đại, tấm lòng của một nhà văn yêu nước, luôn thao thiết với những trang sử đầy tự hào của dân tộc mình.

Tiến sĩ ĐỖ ANH VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.