Xuân đang về gõ cửa từng vùng, từng nhà, từng cộng đồng. Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh như đang “thi chạy” cùng xuân, mới đây vừa về Đồng bằng Bắc Bộ, rồi vào đất Chín Rồng; từ Tây Bắc, ông lại ra đất cảng Hải Phòng... Và bây giờ, ông lại đến với vùng cao nguyên đỏ đất bazan, ngập tràn cà phê, cao su và rau xanh các loại.
“Em” trong bài thơ đang tung tăng lên rẫy, “mùa gió” cao nguyên làm bay bay mái tóc mượt đen, tình cờ gặp người yêu đi thăm vùng sản xuất chuyên canh. Những ký ức đẹp ùa về.
Những giấc mơ ấp ủ nay được dịp “bật mầm” giúp “anh” mạnh dạn đưa ra câu thăm dò: “Xuân này có thể?...”. “Em” im lặng, “anh” lại dấn thêm một bước:“Không hái, sẽ rụng thôi!”.
 |
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh (thứ hai, từ bên trái sang) tại buổi ra mắt tập thơ "Hoa đời mùa sau".
|
Câu chuyện tình yêu trong trẻo, nên thơ, được tác giả “gói lại” bằng hình ảnh lãng mạn: “Hoàng hôn chìm sau núi/Tay trong tay xuống đèo”. Một bình minh ngày mới sẽ mở ra với đôi lứa đã qua những ngày vun lửa tình yêu trong lao động, tuy vất vả, nhưng rất lạc quan vì tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.
Trân trọng giới thiệu bài thơ về tình yêu đôi lứa này, làm nên xuân sắc cao nguyên:
HƯƠNG SẮC CAO NGUYÊN
Tặng Lê Vi Thủy
“Pleiku mùa gió”[1]
Tóc em bay trùm đồi
Con suối chảy chậm lại
Có sợi tóc em rơi?!
Lưng gùi nặng ngô, khoai
Em vừa đi, vừa hát
Gặp anh giữa lưng đèo
Mệt nhọc mau tan biến!
Hồ Lắk mùa này cạn
Như còn in đôi ta
Tâm tình mùa trăng tỏ
Đêm ướt đầm sương sa…
Trĩu quả rừng cà phê
Ruộng bậc thang vàng lúa
Gặp nhau hôm lên rẫy
Anh ướm hỏi: “xuân này”?!...
Mùa cà phê chính vụ
Thắm rực cả khu đồi
Anh cười vui như Tết:
“Không hái, sẽ rụng thôi”!
Hoa dã quỳ vàng rực
Trải đồi dốc ngoằn ngoèo
Hoàng hôn chìm sau núi
Tay trong tay xuống đèo…
NGUYỄN HỒNG VINH, Xuân Giáp Thìn, 2024
------------------------------------------
[1] Tên bài thơ của nhà thơ cao nguyên Lê Vi Thủy trên báo Quân đội cuối tuần, số 28-1-2024.
Một nhà văn từng nói: Muốn “ướp” được người, mình phải “mặn” trước. Đúng vậy, để có thơ “ướp” được bạn đọc, nhà thơ phải “mặn” vốn sống, vốn trải nghiệm với cuộc đời, kết hợp với tài năng, với sức lao động nghệ thuật mới có thể có tác phẩm được khẳng định. Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh là một trường hợp như vậy.
Trong nền văn học cách mạng nước ta có nhiều đồng chí lãnh đạo tiền bối cũng là nhà thơ, với họ, thơ là vũ khí đấu tranh chống lại cường quyền áp bức hoặc để kêu gọi đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù chung; đồng thời thơ cũng là tiếng lòng tâm sự với chính mình, với “bạn đời”. Sau này nhiều chính khách, nhà khoa học, nghệ sĩ… cũng làm thơ và có thơ hay, được bạn đọc khẳng định. Điều ấy cho thấy, thơ gắn bó, gần gũi với nhiều người ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, đóng vai trò như một phương tiện tinh thần góp phần làm cân bằng đời sống và phong phú thêm ý nghĩa của đời sống.