Trong số nhiều tác giả thơ viết khỏe, viết đều, để lại ấn tượng trong dư luận hôm nay với giọng thơ sâu đằm chất đời mà vẫn tươi mới là Nguyễn Hồng Vinh. Là một chính khách (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương), là nhà quản lý (nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương), là nhà nghiên cứu, giảng dạy (Phó giáo sư, Tiến sĩ), là nhà báo với nhiều tiểu luận sắc sảo trên một số tờ báo lớn, Hồng Vinh còn là nhà thơ với 12 tập thơ đã in. “Hoa đời mùa sau” là tập thơ thứ 12 tuyển chọn 71 bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Hồng Vinh nghiêng về những điều giản dị, tươi mới, có trong đời sống, giàu có ý nghĩa nhân sinh.
Sáng 11-11, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã trang trọng tổ chức cuộc tọa đàm ra mắt tập thơ này.
 |
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh (thứ hai, từ bên trái sang) tại buổi ra mắt tập thơ "Hoa đời mùa sau". |
 |
Tập thơ “Hoa đời mùa sau” của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh.
|
Tham dự buổi ra mắt có đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, Vũ Thanh Mai; PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban ngành, cơ quan, người thân, bạn bè, độc giả. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lẵng hoa chúc mừng, như: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ…
 |
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh cùng các đại biểu dự buổi ra mắt tập thơ "Hoa đời mùa sau". |
Một không khí thơ ca nồng nhiệt và tươi mới, tinh tế và sang trọng hiếm thấy trong khán phòng tràn ngập hoa tươi. Nhà thơ Hữu Việt làm nhiệm vụ dẫn chương trình thật lịch sự, tinh tế, dí dỏm giới thiệu các vị khách yêu thơ. 12 ý kiến tham luận từ nhiều góc nhìn khác nhau đi tìm vẻ đẹp, đặc trưng thơ Hồng Vinh và của tập thơ Hoa đời mùa sau, đều tập trung đánh giá khẳng định đây là tập thơ hay, ý nghĩa.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mở đầu cuộc tọa đàm bằng nhận xét thơ Hồng Vinh là sự phản ánh chân thực về đời sống, rất bình dị nhưng lóe sáng phẩm chất thi sĩ “lặng lẽ bên đời mà viết”. Dù ít mĩ từ nhưng thơ ông vẫn đi vào bạn đọc những âm vang về sự khám phá đời sống thường ngày.
Thơ Hồng Vinh giản dị, trong sáng, khúc chiết mang chứa những thông điệp, những hy vọng nhân sinh đáng quý. Nếu thơ nói chung là “một bản căn cước công dân tâm hồn của tác giả” thì “Hoa đời mùa sau” là một cột mốc trong chặng đường sáng tác có nhiều cột mốc. Nhà thơ Bằng Việt nhận định thơ Hồng Vinh có xu hướng trở về với sự an nhiên tự tại, không khoa trương, ồn ào, không “ra vẻ làm thơ” trong cấu tạo hình tượng hay hình ảnh, ngôn từ.
Thơ ông tự nhiên, dung dị như ở giữa đời thường nhưng sâu sắc, triết lý: “Đời là chuỗi cộng trừ/ Với bao điều được mất/ Nhẫn nại và thủy chung/ Sẽ cùng đi tới đích” (Có bao giờ trọn vẹn). Là nhà báo, Hồng Vinh lấy ngay thông tin báo chí đưa vào hợp lý và đúng chỗ, làm sống động thêm các chi tiết, đồng thời dùng cái nhìn triết học để bật ra những khái quát mới mẻ.
PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đánh giá thơ Hồng Vinh giản dị nhưng “thấm”. Thi liệu trong thơ ông giản dị, đời thường. Hình ảnh vùng chiêm trũng Bắc Bộ quê ông được thể hiện một cách tự nhiên, như vốn có. Thơ tình Hồng Vinh đầy say mê, khát khao, nhung nhớ. PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết lý do vì sao mình phổ nhạc thơ Hồng Vinh (phổ nhạc 14 bài thơ) vì đó là thứ thơ giàu tính nhạc, chất nhạc… Nhạc sĩ chứng minh qua clip âm nhạc có tên “Sau mưa thật hay”, thuyết phục, quyến rũ bởi được dàn dựng công phu: Một ca sĩ trẻ có giọng trong vắt, thánh thót với giai điệu du dương, đầy đam mê…
Nói về những “đứa con tinh thần” của mình, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ, ở mỗi thi phẩm ông đều tự tìm tòi, cố gắng làm mới bằng những cách tiếp cận mới, câu chữ giản dị nhưng chính xác, chắt lọc nói lên được nỗi lòng mình, trước hết là thuyết phục được mình.
Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu, với tư cách từng là người lính trực tiếp chiến đấu ở thời kỳ chống Mỹ đã tìm thấy sự đồng điệu trong những câu thơ Hồng Vinh viết về những năm tháng ác liệt. Hơn chục năm trước, ông đã từng cảm phục, mến mộ trước sức sáng tạo của “nhà thơ trẻ” Nguyễn Hồng Vinh ở chỗ luôn đồng hành với sự phát triển của đất nước, có tính thời sự cao nhưng vẫn lấp lánh hàm lượng nghệ thuật.
Ông rất thích câu thơ hay: “Nắng cứ đung đưa rải nỗi sầu” (Giây phút chông chênh) và nhấn mạnh thơ Hồng Vinh có nhiều câu như vậy. Trung tướng, nhà văn Hữu Ước bày tỏ tình cảm trân trọng những vần thơ và tấm lòng của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh với cuộc đời.
Thơ Hồng Vinh đa dạng, nhiều màu sắc, luôn đổi mới, tập sau luôn hay, cuốn hút hơn tập trước. Nhà văn Nguyễn Hồng Thái lại đánh giá cao sức sáng tạo bền bỉ của nhà thơ Hồng Vinh với 12 tập thơ chỉ trong hơn 10 năm trời. Ngoài đời, nhà thơ luôn cởi mở, gần gũi, quảng giao, trong thơ cũng đầy sự lạc quan, hồn nhiên, tươi trẻ… Các nhà thơ Đặng Huy Giang, Nguyễn Sĩ Đại… đi sâu phân tích đặc trưng thơ Hồng Vinh để khẳng định hướng sáng tác bám vào đời sống mà kết tinh thi phẩm giàu có chất sống, chất đời thực.
PGS, TS Nguyễn Thanh Tú, với tư cách một bạn đọc lại có cách nhìn nhận gần gũi, từ không khí cuộc tọa đàm này cho thấy thơ đang có dấu hiệu khởi sắc. Những cuộc ra mắt thơ như hôm nay góp phần làm sang trọng cho thơ. Đồng thời tác giả Hồng Vinh cũng phải cảm ơn cuộc sống, cảm ơn số phận được đi nhiều, được sống sâu trong nhiều cảnh sống, cảnh đời để có những bài thơ đậm đà chất muối mặn mòi của cuộc đời.
Một buổi ra mắt thơ ấn tượng, gợi nhiều suy ngẫm về mối quan hệ cuộc sống - tác giả - tác phẩm. Một nhà văn từng nói: Muốn “ướp” được người, mình phải “mặn” trước. Đúng vậy, để có thơ “ướp” được bạn đọc, nhà thơ phải “mặn” vốn sống, vốn trải nghiệm với cuộc đời, kết hợp với tài năng, với sức lao động nghệ thuật mới có thể có tác phẩm được khẳng định. Hồng Vinh là một trường hợp như vậy. Qua cuộc tọa đàm cũng thấy thêm về giá trị, ý nghĩa thơ ca, về kinh nghiệm sáng tạo thơ, sự hòa nhập vào cuộc đời để sáng tạo… Hầu hết các ý kiến đều ca ngợi sức làm việc “vượt qua tuổi tác” của thi sĩ Hồng Vinh.
Nhà thơ Bằng Việt nhận xét đó là “một người có sức sáng tạo và lao động lớn lao”.
Nhà văn Nguyễn Hồng Thái khâm phục “không thể so sánh được với một sức làm việc như thế”… Nhiều ý kiến thống nhất Hồng Vinh tuy đã có tuổi nhưng hồn thơ vẫn rất trẻ. Xúc động trước tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp nhà thơ Hồng Vinh ghi nhận những đánh giá chân thành, chí tình, coi đó là động lực để tiếp tục sáng tác, phải “nỗ lực để vượt lên chính mình”, “cố gắng làm sao để tập thơ sau phải khá hơn tập thơ trước”. Đó là những lời tâm huyết, trách nhiệm với thơ ca!
Kết thúc buổi ra mắt thơ là không khí vui vẻ, hồ hởi, thắm tình đồng nghiệp, lưu luyến tình cảm độc giả - tác giả, tất cả cùng hòa trong tình yêu thơ ca. Thơ ca vẫn đang hiện diện, đang tỏa sáng, đang có ích trong cuộc sống hôm nay!
NGUYỄN THANH TÚ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.