Anh đã tạo được dấu ấn với những tác phẩm mang phong cách riêng, xuất phát từ tình yêu lịch sử, niềm say mê kể chuyện về văn hóa, đất và người.

 Tác phẩm “Biển” của nhà điêu khắc Châu Trâm Anh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nghệ sĩ Châu Trâm Anh sinh năm 1985, tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Xuất phát từ một gia đình thuần nông, nhưng từ nhỏ, Châu Trâm Anh đã có niềm đam mê với mỹ thuật. Sau 4 năm miệt mài rèn luyện, tìm hiểu sâu về ngành điêu khắc cùng các thầy cô tại Trường Trung cấp Mỹ thuật-Văn hóa Bình Dương, năm 2005, anh tiếp tục theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh với mong muốn nâng cao tư duy sáng tạo. 

Năm 2006, giải thưởng đầu tay đến với Châu Trâm Anh tại triển lãm các tác phẩm dành cho sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Đó là tác phẩm mang tên “Nắng mới”, được sáng tác sau khi kết thúc chương trình học năm đầu tiên. Chủ đề điêu khắc này là hình tượng một cô công nhân phơi gốm trong nắng ban mai, ẩn dụ về nghề làm gốm truyền thống của quê hương Bình Dương.

Nhà điêu khắc Châu Trâm Anh bên tác phẩm “Tình ca phương Nam” đoạt giải Nhì Cuộc thi và triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc năm 2023. Ảnh: LÊ NA 

Nhiều năm sau này, hình ảnh đất và người Bình Dương cũng là đề tài trở đi trở lại trong các tác phẩm của Châu Trâm Anh như một sự tri ân đối với mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên.

Thời gian công tác tại Trường Trung cấp Mỹ thuật-Văn hóa Bình Dương khá bận rộn nhưng Châu Trâm Anh chia sẻ, anh vẫn luôn dành thời gian cho sáng tác. Xưởng thực hành nhỏ ở nhà là nơi anh thả hồn cho những tác phẩm của mình.

Mảng đề tài mà Châu Trâm Anh yêu thích và thể hiện nhiều nhất là về lịch sử dân tộc, chân dung các anh hùng cách mạng, phong cảnh văn hóa truyền thống... Anh quan niệm lịch sử dân tộc rất oai hùng nhưng cũng rất nên thơ mà bản thân nó đã là những tác phẩm nghệ thuật. Những người lính hy sinh cho Tổ quốc, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những mốc son lịch sử của đất nước hay vùng quê, những trầm tích văn hóa ngàn đời... đều là nguồn cảm hứng để anh sáng tác.

Bằng tình yêu nghệ thuật và lao động, cống hiến một cách nghiêm túc với nghề, các tác phẩm như “Rừng vàng biển bạc”, “Tiếp nối”, “Khai hội”... đã mang vinh dự về cho anh. Năm 2010, tác phẩm “Biển” của Châu Trâm Anh đã giành Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam.

Hình tượng 3 nhân vật bố, mẹ và con của một gia đình miền Trung được cách điệu khỏe khoắn, hòa quyện vào nhau với những ngư cụ thân thuộc (lưới, đèn bão, cây dầm...) đang hạnh phúc cùng nhau ra khơi. Tác phẩm điêu khắc kể về hành trình bám biển, giữ nghề, cũng là giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, duy trì cuộc sống sinh tồn bên dải đất nắng gió. 

Với tác phẩm “Trăng thanh bình”, anh dùng chất liệu gò nhôm để vẽ lên khung cảnh các chiến sĩ vui Trung thu cùng các em nhỏ trên đảo. Nghệ sĩ cho biết, anh mất hơn 3 tháng để thực hiện tác phẩm này. Đó là một khoảng đầy chất thơ giữa biển, đảo quê hương, có chiến sĩ hải quân đang ôm đàn, bên cạnh là đồng đội của anh vui múa hát với các em thiếu nhi.

Hình tượng cây súng, đèn ông sao, đèn con cá, cánh chim tung bay... tượng trưng cho Tổ quốc, cho biển, trời, đất. Tất cả được soi rọi dưới ánh trăng tròn vành vạnh đã nói lên ý nghĩa của hòa bình và cả niềm tự hào, tình yêu thiết tha đối với quê hương, đất nước. Với tác phẩm này, Châu Trâm Anh đã giành giải Nhì tại Triển lãm mỹ thuật tỉnh Bình Dương năm 2013.

Mới đây, Châu Trâm Anh được xướng tên trong Cuộc thi và triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc năm 2023. Tác phẩm “Tình ca phương Nam” đoạt giải nhì (không có giải nhất), được sáng tác dựa trên những giai điệu của quê hương với hình tượng những chàng trai phương Nam biểu diễn đờn ca tài tử, các cô gái đang chơi những cây đàn truyền thống của dân tộc, mang đậm nét văn hóa của vùng Nam Bộ.

Châu Trâm Anh bày tỏ, điêu khắc đã cho anh rất nhiều, không chỉ nhìn vào các giải thưởng mà trước tiên, đó là được thỏa mãn đam mê về hình khối, thỏa mãn cảm xúc được sáng tạo.

“Với tôi, cái đẹp bắt nguồn từ hai khía cạnh. Một là đẹp về hình thức do bàn tay nghệ sĩ trau chuốt trong kỹ thuật, tạo hình. Thứ hai là yếu tố thuộc về nội dung. Tôi kết hợp cả hai để truyền tải thông điệp qua từng tác phẩm, để qua điêu khắc gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam”, nhà điêu khắc Châu Trâm Anh chia sẻ.

NGUYÊN CA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.