Không chỉ thu được những kiến thức thực tiễn quý báu về vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị trong xây dựng môi trường văn hóa ở đơn vị cơ sở, đã có một câu chuyện khiến mỗi người trong đoàn đều xúc động về tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, cao cả, vượt qua cả không gian và khoảng cách.

Trước đó, trong dịp về quê thăm bác tôi (thương binh hạng 2/4 Vũ Hùng Vượng, sinh năm 1952, quê ở xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), tôi có nhắc đến chuyến công tác tại Quân khu 4 sắp tới và trong lịch trình có dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Bác tôi nắm chặt tay cháu gái gửi gắm: Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi an nghỉ rất nhiều đồng đội của bác.

leftcenterrightdel
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn-nơi lắng đọng những cảm xúc đặc biệt cho những ai đã từng đến. Ảnh: VŨ QUANG THÁI 

Nhất định cháu phải giúp bác tìm được phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Hành, sinh năm 1950, hy sinh năm 1971, giúp bác thắp nén hương thơm. Anh ấy là người cùng quê, cùng đơn vị với bác, hy sinh khi đang tham gia san lấp hố bom thì quả mìn còn sót lại phát nổ, khi đó, anh mới vừa qua tuổi đôi mươi, chưa có người yêu. Sau này, khi biết phần mộ của anh được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, bác đã muốn vào thăm, nhưng sức khỏe yếu nên bác chưa thực hiện được. Nói đến đây, giọng bác nghẹn ngào, nước mắt tuôn trào tự lúc nào. Tôi chỉ biết nắm chặt tay bác và nói: “Vâng ạ, nhất định cháu sẽ thực hiện”.

Suốt hành trình cùng đoàn công tác, tôi luôn canh cánh về tâm nguyện của bác. Và rồi không kìm được, tôi đã kể với đồng chí trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn câu chuyện của bác. Mọi người rất ủng hộ và hứa cùng chung tay giúp bác thực hiện ước nguyện đó. Khi đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, một cảm giác thiêng liêng khó tả trào dâng trong tôi. Thời gian như ngưng lại, chúng tôi dù không ai nói ra nhưng tất cả đều lắng đọng tấm lòng thành kính da diết, đôi mắt ai cũng rưng rưng nghẹn ngào, kính cẩn nghiêng mình mong các anh yên nghỉ.

Dưới sự giúp đỡ của Ban Quản lý nghĩa trang, chúng tôi tìm đến khu mộ của liệt sĩ quê ở Thái Bình. Rất may mắn, tôi đã tìm được phần mộ liệt sĩ Nguyễn Hữu Hành. Sau khi thắp hương xong, tôi lấy điện thoại gọi Zalo cho bác: “Bác ơi, cháu đã tìm được phần mộ liệt sĩ Nguyễn Hữu Hành theo nguyện vọng của bác đây”. Đầu dây bên kia, bác tôi òa khóc nức nở: “Anh Hành ơi. Em đây, em là Vượng đây. Em không thể vào thăm anh được, đành nhờ cháu gái thắp cho anh nén hương. Anh ơi, em nhớ anh lắm, nhớ lúc anh em mình cùng chiến đấu, vào sinh ra tử, cùng hẹn nhau ngày chiến thắng trở về, em sẽ giới thiệu em gái cho anh cơ mà. Anh ơi, anh yên nghỉ nhé. Đồng đội ơi!...”. Cứ như vậy, bên kia chúng tôi chỉ còn nghe thấy tiếng khóc nấc của bác. Trong làn khói hương nghi ngút, tất cả chúng tôi và những người xung quanh đều không cầm được nước mắt. Ai cũng cảm động và trân trọng tình đồng chí, đồng đội.

Các anh-những người lính của thế hệ đi trước-đã chiến đấu và nằm lại chiến trường, hóa thành bất tử cho đất nước trường tồn. Chúng tôi-những người lính hôm nay-nguyện phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, góp sức mình giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc, dựng xây đất nước.

Thiếu tá TRIỆU THU THỦY
(Trường Sĩ quan Chính trị)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.