Múa rom vong có nghĩa là múa vòng tròn, từng đôi trai gái vừa múa vừa quay lại nhìn nhau thể hiện sự quấn quýt. Trong các dịp lễ hội, khi tiếng nhạc vang lên, người nam thường chủ động mời người nữ lên múa.

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Sung, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh), múa rom vong động tác khá đơn giản nên thu hút nhiều người tham gia. Trong múa rom vong, sự kết hợp hài hòa giữa chân và tay tạo nên những động tác nhịp nhàng, uyển chuyển cuốn hút người xem. Tất cả mọi người tham gia múa cùng nhau vui vẻ, động tác múa sẽ ngày càng nhanh hơn theo nhịp trống, khi trống ngừng, mọi người cùng dừng lại chắp tay chào nhau rồi trở về vị trí cũ.

leftcenterrightdel
Các thiếu nữ Khmer duyên dáng trong điệu múa rom vong. 

Các động tác múa rom vong rất mềm mại, lúc uốn sang trái, lúc lượn sang phải theo điệu nhạc dập dìu nhưng không chạm vào cơ thể nhau. Một số động tác trong múa rom vong có tên cụ thể như: Động tác tay chíp (cheap), động tác tay khuôn, phong cách tay rồn (còn gọi là che), phong cách tay chòn-ol (còn gọi là động tác chỉ), phong cách tay thồ thuôl (còn gọi là nhận hay đón lấy), phong cách tay bông hoa... Các động tác của nữ thường dịu dàng, nhẹ nhàng và kín đáo, trong khi đó, các chàng trai với động tác múa khỏe khoắn, hai tay luôn dang rộng để vừa múa vừa bảo vệ người bạn múa của mình. Ở điệu múa rom vong, nếu lòng bàn tay trái ngửa thì lòng bàn tay phải úp và ngược lại, theo quy luật âm dương, trong âm có dương, trong dương lại có âm.

Với giá trị tiêu biểu, múa rom vong của đồng bào Khmer được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ngày 20-12-2019. Mặc dù vậy, hiện nay, do tác động của nhiều loại hình văn hóa và việc lưu truyền giữa các thế hệ chưa được chú trọng nên nhiều thanh niên đồng bào Khmer không biết múa rom vong hoặc múa không đúng bài bản. Nhận rõ điều đó, thời gian qua, các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long đã chú trọng công tác lưu giữ, truyền dạy điệu múa rom vong truyền thống.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Sơn Thanh Liêm, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các địa phương mở những lớp dạy múa rom vong cho đồng bào. Tại lớp học này, học viên được các huấn luyện viên thuộc Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn những kỹ năng cơ bản của điệu múa rom vong cũng như các điệu múa truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Khmer. Mong rằng, qua những lớp học này, trong các phum, sóc của cộng đồng người Khmer sẽ luôn vang vọng tiếng nhạc ngũ âm, nồng nàn điệu múa rom vong truyền thống”.

Cùng với nghệ thuật sân khấu dù kê, nghệ thuật múa rô băm thì múa rom vong của người Khmer đã trở thành những tài sản, di sản quý báu cần được bảo tồn, gìn giữ để lưu truyền cho thế hệ mai sau cũng như phục vụ khách du lịch mỗi khi đến với vùng đồng bào Khmer.

Bài và ảnh: KHÁNH UYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.