Đối với đồng bào Khmer ở xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, những ngày đầu năm mới Giáp Thìn có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi Ngọc Biên đã về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Chưa khi nào người dân nơi đây vui, tự hào như thế bởi những cố gắng trong xây dựng nông thôn mới của cấp ủy, chính quyền và người dân đã đến ngày “thu hoạch”. Từng là những ấp nghèo của xã Ngọc Biên, nhưng giờ đây, các ấp: Ba Cụm, Giồng Cao, Rạch Bót, Tắc Hố, Tha La... đã khoác lên mình diện mạo mới.

Từ trung tâm xã về các ấp, nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, trường học và những ngôi chùa của đồng bào Khmer mọc lên càng làm cho "bức tranh" làng quê thêm nhiều màu sắc. Tại ấp Tha La, không khí đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của đồng bào Khmer rất rộn ràng. Các con đường trong ấp đều được bà con trang trí với nhiều loại cây hoa khoe sắc. Ông Thạch Phol, người dân ấp Tha La cho biết: “Đồng bào Khmer xem Tết Nguyên đán quan trọng không kém lễ Sen Dolta hay Chôl Chnăm Thmây. Trong những ngày Tết, chúng tôi cũng thắp nhang thờ cúng tổ tiên, ông bà, đón Giao thừa và đến nhà anh em, hàng xóm chúc Tết”.

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào Khmer ở tỉnh Trà Vinh có nhiều đổi thay. Kinh tế phát triển, nhà cửa khang trang, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, con em được đến trường đầy đủ... càng làm cho không khí đón năm mới của bà con thêm vui tươi, phấn khởi. Theo ông Kiên Thươnl ở ấp Sóc Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, đời sống ngày càng phát triển nên đồng bào Khmer đón Tết Nguyên đán vui hơn, đủ đầy hơn...

Cùng với đó, không khí đón năm mới tại các chùa của đồng bào Khmer cũng hết sức rộn ràng. Hòa thượng Thạch Son, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Ngang, Sư cả chùa Chêk Chrum, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang cho biết: “Những ngày Tết Nguyên đán, bà con Khmer có thói quen đi chùa, lễ Phật, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ và sum họp đầm ấm bên gia đình... Những năm gần đây, ý thức lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới của đồng bào Khmer ngày càng được nâng lên. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bà con đã tích cực bắt tay vào sản xuất, làm ăn”.

Để giúp đồng bào Khmer vươn lên trong cuộc sống, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình 1719), tỉnh Trà Vinh đã tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tại những địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS. Năm 2023, thực hiện Chương trình 1719, Trà Vinh được phân bổ hơn 451 tỷ đồng, tỉnh đã tập trung hỗ trợ đất ở cho hơn 40 hộ DTTS, hỗ trợ nhà ở cho 525 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 275 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 38 hộ, đầu tư xây dựng 2 công trình nước tập trung. Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng mới 58 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; duy tu, bảo dưỡng 36 công trình; đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 6 chợ vùng đồng bào DTTS... 

Đồng chí Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: “Nhiều năm qua, nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc cùng với kết quả xây dựng nông thôn mới, diện mạo các phum, sóc vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng đi lên. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của đồng bào đã góp phần phát huy hiệu quả Chương trình 1719. Nhờ đó, năm 2023, toàn tỉnh giảm gần 2.000 hộ nghèo và 4.125 hộ cận nghèo”.

Một mùa xuân mới lại về với đồng bào Khmer ở Trà Vinh, niềm vui, sự phấn khởi từ những kết quả đã đạt được sẽ tạo thêm động lực để bà con hăng say lao động sản xuất, đưa cuộc sống ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Bài và ảnh: LAN ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.