Sông Gianh là ranh giới giữa Đàng Ngoài (thuộc vua Lê, chúa Trịnh) và Đàng Trong (thuộc chúa Nguyễn) từ năm 1627 đến 1777. Thời gian ấy khoảng một thế kỷ rưỡi non sông Việt bị chia đôi.

Mẹ sinh tôi bên bờ Nam sông Gianh vào một đêm mùa hạ ào ạt gió phơn và ầm ì sóng biển. Đó là vào năm Bính Thân 1956 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc được hai năm. Theo Hiệp định Geneva năm 1954 thì năm 1956, miền Nam, miền Bắc của Việt Nam sẽ tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Nhưng số phận dân tộc mình thật nghiệt ngã khi cuộc tổng tuyển cử đã không thành hiện thực. Một cuộc chiến tranh mới kéo dài đằng đẵng hai mươi mốt năm, từ mùa thu 1954 đến mùa xuân 1975. Kẻ thù của những người yêu nước Việt Nam lúc ấy là đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai của họ.

leftcenterrightdel
Minh họa: Mai Minh 

Những tháng ngày hòa bình êm ả đối với tôi coi như chấm dứt khi những trái bom Mỹ rơi xuống sông Gianh vào trưa 5-8-1964. Tôi, thằng bé 8 tuổi chưa kịp băng qua đồng về nhà thì bị giật mình bởi tiếng rú rít xé ngang bầu trời chớm thu xanh thắm và những tiếng nổ dội về từ sông Gianh. Xa xa, tiếng người lớn thảng thốt thét lên: “Máy bay Mỹ ném bom đó. Nằm xuống, nằm xuống đi!”. Hốt hoảng, tôi nằm bẹp xuống ruộng. Hình như tôi không có cảm giác đau điếng vì những thân rạ còn tươi sau mùa gặt chọc vào người. Chiều ấy, khi không gian trở lại yên bình thì miệng tôi vẫn đắng ngắt vì sợ hãi. Tiếng máy bay phản lực, tiếng bom nổ trên sông, trên bến cảng hằn vào tâm trí tôi nỗi kinh hoàng chưa thể quên được. Mẹ dọn cơm, có cá nục kho lấp xấp nước, có mực tươi nấu dưa chua, tôi vẫn không đụng đũa. Ba tôi nói với mẹ: “Trưa nay, máy bay Mỹ ném bom định tiêu diệt tàu hải quân của ta. Có một chú bộ đội hy sinh em ạ!”.

Với tôi, chiến tranh bắt đầu như thế. Tiếng bom rền ép đau vòm ngực tuổi thơ. Nỗi sợ hãi lần đầu tiên nghe tiếng máy bay phản lực xẹt trên đầu. Và sau đó, khi được bố dắt đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Thanh Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) thắp hương cho chú bộ đội hải quân hy sinh trong trận đánh trả máy bay Mỹ trưa 5-8-1964. Có thể nói rằng đó là người lính đầu tiên ngã xuống trên quê hương tôi trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ám ảnh tôi một nấm mộ cát mới đắp phơi trong nắng, một tấm bia gỗ ghi tên liệt sĩ bằng sơn đỏ, những chân nhang cắm chi chít và mùi hương trầm thoảng bay.

Thực ra, cuộc chiến này đã âm thầm có mặt ở quê tôi trước đó 3 năm nhưng không mấy người được biết. Xã Thanh Trạch có Quốc lộ 1A đi qua, có cả bến phà lẫn bến cảng. Cả hai đều gắn với tên sông. Bến phà Gianh. Cảng Gianh. Lúc bấy giờ dân quê tôi chưa ai biết được “Tập đoàn đánh cá sông Gianh” là cách gọi ngụy trang những “con tàu không số” chở vũ khí vào miền Nam bằng đường biển. Những chiếc thuyền hai đáy chòng chành sóng nước ấy mang trên nó những chiến binh quả cảm của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Qua vĩ tuyến 17 là đã giáp mặt với kẻ thù; máy bay, tàu chiến hùng hậu của đối phương quản lý chặt chẽ từng hải lý, đụng độ có thể nổ ra bất cứ lúc nào và bão dông dữ dằn đâu biết phân biệt được ai chính nghĩa, ai phi nghĩa. Biết bao hy sinh thầm lặng của cha anh tôi chưa được thấu tỏ. Đứng trước tấm bia di tích lịch sử “Đoàn tàu không số” ở Cảng Gianh có kích thước khiêm nhường, lòng tôi nao nao. Đã bao nhiêu người biết được di tích này như biết Bến Nghiêng rất nổi tiếng ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Con đường Hồ Chí Minh trên biển có nhiều điểm mốc bi tráng, dấu vết huyền thoại lắng mặn mồ hôi và máu của bao chiến sĩ, đồng bào ta.

Chiến tranh là trạng thái bất thường tác động lên số phận mỗi con người, và cộng lại thành số phận dân tộc chăng? Một và nhiều thế hệ đi qua chiến tranh, không phải ai cũng sống sót; có cái chết ở chiến trường và cũng có cái chết ở hậu phương. Những năm chiến tranh chống Mỹ, miền Bắc mặc nhiên là hậu phương của miền Nam tiền tuyến. Quảng Bình quê tôi trở thành tuyến lửa nằm trong tuyến lửa Khu 4 rất nổi tiếng về sự ác liệt và anh hùng thời đó, mà câu ca dao đã nằm lòng trong hầu hết người dân Quảng Bình: “Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau”.

Chiến tranh vẫn là chiến tranh. Muôn thuở vẫn không thể là trò đùa của con người được. Cái chết, sự hy sinh vẫn xảy ra mỗi ngày đêm và cả trước ngày chiến thắng, trước thềm hòa bình. Bi kịch vẫn xảy ra khi hy vọng đang tràn trề. Điều đó nhiều người nói và viết rồi nhưng tôi muốn viết điều ấy từ trường hợp quê hương tôi, từ cái ngày 13-1-1973 đẫm máu. Nhưng trước tiên, xin nhắc lại một cái mốc lịch sử mà tôi nghĩ những ai trải qua bấy nhiêu năm tháng dữ dội thời ấy cũng nóng lòng mong đợi. Đó là ngày 27-1-1973, khi Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được long trọng ký kết tại Paris, thủ đô nước Pháp. Trước thời điểm đó hai tuần, một cuộc thảm sát đã xảy ra trên quê hương tôi.

Ngày 13-1-1973, từ xã Mỹ Trạch-nơi tôi đang học cấp 3 nhìn về quê mình thấy nhiều tốp máy bay Mỹ đang quần thảo và những cột khói bom đen đặc liên tiếp được dựng lên. Chúng tôi ai cũng như có lửa đốt trong lòng. Khi lũ giặc trời cút đi, chúng tôi vội vã chạy bộ về quê. Quyết Thắng, một làng thuần nông của xã Thanh Trạch tan hoang, xơ xác, sặc sụa mùi khói bom. Nhà cửa tan nát, cây cối bị bom phạt gãy đổ la liệt, ruột người, thịt người mắc trên những cành tre trơ trụi xám ngoét. Bố mẹ Hoa, bạn học cùng lớp 10 với tôi bị chết trong trận bom. Mẹ của Nguyễn Hữu Đức, sau này là giáo sư, tiến sĩ công tác ở Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng bị bom Mỹ giết hại trong trận thảm sát này.

Đây là một trong những trận bom tàn sát cuối cùng của không quân Mỹ ở miền Bắc vì chỉ sau đó hai ngày, Chính phủ Mỹ tuyên bố chấm dứt toàn bộ việc ném bom bắn phá miền Bắc và 14 ngày sau đó, Hiệp định Paris được ký kết. Đau đớn lắm, trong trận bom này, máy bay Mỹ đã giết hại 156 người, phần lớn là thanh niên xung phong, bộ đội, công nhân đang làm nhiệm vụ tại Cảng Gianh. Máy bay Mỹ chọn thôn Quyết Thắng, nơi tập kết của các đơn vị thanh niên xung phong như đội Cù Chính Lan của Nghệ An, Hà Tĩnh; Đại đội 283 của tỉnh Hải Hưng (cũ); đội công nhân Cảng Gianh 309; bộ đội xăng dầu Binh trạm 16 và thời gian bắt đầu oanh tạc là 10 giờ trưa khi các anh chị tranh thủ ăn cơm để còn tiếp tục chuyển hàng hóa vào kho cất giữ.

Ký ức trận thảm sát này hầu như chưa mờ phai trong trí nhớ của những người lớn tuổi ở thôn Quyết Thắng. Tôi đã gặp cựu chiến binh Lê Văn Rạn. Ông lôi ra một chiếc xoong quân dụng móp méo, rưng rưng nói: “Em biết không, chiếc xoong này là của đơn vị thanh niên xung phong. Thường ngày, anh chị em dùng nó để nấu nướng. Nhưng trong trận oanh tạc của máy bay Mỹ vào Quyết Thắng, dân làng mình đã dùng nó để đi nhặt thi thể liệt sĩ đó”. 

Nói bao nhiêu cũng không hết nỗi xót thương những người ngã xuống. Họ còn rất trẻ, phần đông ở tuổi mười tám đôi mươi, cái tuổi nồng nàn nhựa sống. Biết hy sinh vì Tổ quốc là vinh quang và cao cả nhưng trong sâu thẳm tâm hồn tôi vẫn không hết tiếc nuối, xót thương khi đứng trước bia ghi tên những người đã khuất trong Khu di tích lịch sử ghi dấu vụ thảm sát tại thôn Quyết Thắng ngày 13-1-1973. Khu di tích mới khánh thành to lớn uy nghiêm đối diện với Nghĩa trang Liệt sĩ Nam Gianh thuộc xã Thanh Trạch. Đứng bên cạnh là cậu ruột tôi, cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Viết Cường từng tham gia đánh Mỹ ở Khu 5. Cậu tôi bộc bạch: “Cháu viết văn làm báo nên có nhiều bài về liệt sĩ, thương binh để không chỉ tôn vinh sự hy sinh của họ mà còn nhắc nhở mọi người đừng lãng quên quá khứ”. Tôi cúi đầu trước 156 dòng tên khắc trên bia đá và khẽ khàng nói với cậu: “Dạ vâng, nhưng làm sao viết hết được sự hy sinh của cha anh mình hở cậu!”.

Bên cửa sông Gianh có ngôi nhà của gia đình bạn gái tôi, Nguyễn Thị Liên. Liên học cấp 1, cấp 2 với tôi, sau đó đi dân công hỏa tuyến Trường Sơn và hy sinh năm 1972, lúc mới 19 tuổi. Mộ bạn hiện nay ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Tôi từng nhiều lần đến đó để “trò chuyện” với Liên. Chiều nay, bên cửa sông Gianh, tôi lại thầm thì đọc cho Liên nghe bài thơ “Thương bạn” tôi mới viết, trong đó có đoạn: “Giá như bạn được trở về/ Với ngôi làng nhỏ nằm kề Biển Đông/ Chúng mình ngồi cạnh cửa sông/ Lặng im cũng được mênh mông nói rồi/ Mây thay những cánh buồm trôi/ Ta đem xếp lại xa xôi con thuyền/ Mạn này nhớ, mạn này quên/ Chở đầy khúc khích cái duyên học trò/ Giá như áo chẳng hóa tro/ Để tôi gặp lại chít co một thời...”.

Nồm đang lên lồng lộng. Sóng trắng. Cát trắng. Nhấp nhô. Và khi ngước mắt lên trời cao tôi thấy có những làn mây trắng bay về. Những áng mây như cánh buồm đi tới từ quá vãng, từ thăm thẳm linh thiêng nào đó. Từ biển. Từ rừng. Mây bay qua cửa sông quê tôi. Mây hay là những linh hồn thanh xuân bất tử vậy, sông ơi!    

Bút ký của NGUYỄN HỮU QUÝ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.