Cuốn sách được biên soạn bởi các nhà khoa học là những trí thức tên tuổi chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn như: PGS, TS Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa; PGS, TS Phạm Quang Long; PGS, TS Đỗ Thị Hảo; PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn; PGS, TS Nguyễn Thanh Tú…

Nội dung cuốn sách gồm 5 chương lớn 41 chương nhỏ chủ yếu viết về thân thế cuộc đời và sự nghiệp của ông tổ nghề thêu Lê Công Hành.

leftcenterrightdel

Quang cảnh lễ ra mắt - trao tặng sách “Danh nhân - Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành”.

Lê Công Hành (còn có những tên gọi khác như Trần Quốc Khải, Bùi Quốc Khái) sinh năm 1606, là người làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, Trấn Sơn Nam (nay là thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Ông đỗ Tiến sĩ đời Vua Lê Thần Tông (năm 1637), được triều đình bổ dụng, sau được phong tới Thượng thư Bộ Công.

Lê Công Hành từng được cử đi sứ nhà Minh vào năm 1636. Do lập được nhiều công trạng, được triều đình ban cho Kim tử Vinh lộc Đại phu, chức Tả Thị lang Bộ Công, tước Thanh Lương hầu, được vua ban quốc tính.

Danh xưng “ông Tổ nghề thêu” của Lê Công Hành xuất phát từ câu chuyện đi sứ ở Trung Hoa, được dựng lên nhằm ghi lại sự tích của Tổ nghề thêu. Sau khi đi sứ trở về, ông đã truyền dạy cho người làng Quất Động những kỹ thuật thêu và làm lọng tân tiến hơn mà ông đã học hỏi được trong chuyến đi sứ. 

leftcenterrightdel
Cuốn sách “Danh nhân - Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành” là tài liệu quý, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của nghề thêu truyền thống Việt Nam.

Cuốn sách “Danh nhân - Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành” không chỉ là một tác phẩm văn hóa mà còn là một tài liệu quý giá, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của nghề thêu truyền thống Việt Nam. Trong bối cảnh môi trường văn hóa ngày càng phát triển, việc tổ chức lễ ra mắt sách cũng là một bước tiến quan trọng, góp phần tôn vinh và truyền bá di sản văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Tin, ảnh: KIÊN THÁI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.