Do vậy, khi đến với văn chương, tôi viết về công nhân cũng nhiều, bởi đó là ký ức đầu tiên mình bước vào cuộc mưu sinh. Năm 2018, tôi từng tham gia một Cuộc thi truyện ngắn viết về đề tài công nhân của Báo Người lao động và đã đoạt giải khuyến khích. Cho đến khi cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn (2021-2023), vài người bạn viết gửi thông tin cho tôi, nhưng quả thực tôi vừa làm công việc văn phòng, vừa viết lách cho thỏa chí, nên cứ lần lữa mãi mà chẳng viết ra tác phẩm.

Mãi đến gần hết thời hạn nhận tác phẩm thì một người anh là nhiếp ảnh gia nhắn: “Bảo cố gắng viết đi, đó là đề tài hay, bởi công nhân luôn là một lực lượng nòng cốt của xã hội”. Nhiều câu chuyện đời, chuyện nghề của năm tháng tuổi trẻ bắt đầu trỗi dậy trong tôi. Nhất là khoảng thời điểm đại dịch Covid-19, các công nhân lao động bị kẹt lại TP Hồ Chí Minh. Rất nhiều câu chuyện khiến tôi trăn trở. Tôi nén lại trong tâm trí mình...

leftcenterrightdel
Cuốn sách "Con đường của Hạ" - tuyển tập truyện ngắn đoạt giải cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn (2021-2023) 

Một đêm vô tình bắt gặp xấp lụa lãnh Mỹ A của má tôi. Tôi nảy lên cốt truyện và lồng câu chuyện vào một ngành nghề mà đang dần bị mai một. Cái khó chính là mình làm sao chuyển tải được nội dung và văn hóa nghề, cũng như truyền đi thông điệp vươn lên của người lao động trong giai đoạn xã hội đang gượng dậy sau cơn đại dịch. Tôi phải tìm hiểu tư liệu, rồi dựa trên những trải nghiệm của chính mình, sau đó phác thảo lên sườn của câu chuyện.

Truyện ngắn không dễ viết như nhiều người nghĩ. Bởi ngoại trừ cốt truyện còn đòi hỏi tác giả triển khai như thế nào để cuốn hút người đọc, thông điệp đưa ra cũng nhịp nhàng thấm sâu vào câu chữ chứ không chỉ nổi trên bề mặt xác chữ. Và hơn hết, lụa lãnh Mỹ A đã từng nức tiếng khắp thế giới, nhưng khi dựng lại một loại lụa trứ danh này, là dựng lại cả một văn hóa lịch sử của nghề làm lụa xứ tầm tang thị xã Tân Châu (An Giang). Phải thật cẩn thận, khéo léo và đúng với các kỹ thuật dệt, cách nhuộm và da đập. Rất nhiều thứ tôi phải tìm người biết nghề còn sống ở Tân Châu để nghe họ nói. Có lẽ may mắn nhất khi chọn đề tài này, là gia đình họ nội tôi cũng gốc Tân Châu.

Nếu tin là duyên số thì tôi nghĩ truyện ngắn “Nước mắt mặc nưa” chọn tôi ngay từ đầu. Cứ thế khi đủ chất liệu và lòng đầy cảm xúc, tôi ngồi xuống và viết một mạch hơn 5.000 chữ trong một đêm. Tôi gửi tác phẩm dự thi khi chỉ còn đúng một ngày là hết thời hạn nhận tác phẩm. Tôi mừng vì tác phẩm đoạt giải nhì ở thể loại truyện ngắn nhưng điều tôi quý hơn được tham gia vào cuộc thi, để cùng với các đồng nghiệp khơi lại dòng văn học dành cho công nhân, công đoàn. Với quãng đời hai năm sống với các anh chị, bạn bè công nhân, tôi hiểu họ còn nhiều nhọc nhằn...

Tôi mong sẽ có thêm các cuộc thi viết về đề tài này, tốt nhất nên theo định kỳ. Hơn hết là lực lượng sáng tác được tạo thêm điều kiện để thực tế đến với công nhân, có thể cùng làm, cùng sống đời sống công nhân một thời gian nhất định. Cũng cần nên tạo các cuộc giao lưu để nhà văn mang văn chương, sách đến gần với công nhân.

Đời sống văn hóa giải trí của công nhân hiện rất thiếu thốn. Độc giả của tôi cũng có rất nhiều công nhân. Tôi đã từng đến giao lưu ở một công ty với 300 công nhân, họ say sưa nghe nói về cuộc sống, về văn chương giúp gì cho tâm hồn và vẫn có những người công nhân viết văn, làm thơ lên đọc cho tôi nghe. Thậm chí có những công nhân họ mơ ước có một cuốn sách mang tên mình trên đó. Mỗi vùng, miền đều có những đặc tính riêng, công nhân vì thế cũng sẽ có đời sống khác nhau. Chỉ khi sống đời sống công nhân, người sáng tác mới có những tác phẩm chuẩn xác, gần gũi và thấm đẫm nỗi niềm của họ. Viết cho công nhân, mà khi công nhân đọc lên “gật gù” thấu cảm, đó mới là thành công.

Nhà văn TỐNG PHƯỚC BẢO

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.