Sinh ra từ vùng đất ấy, nhà văn trẻ Lê Quang Trạng đã đưa những câu chuyện quanh mình vào trang viết bằng góc nhìn hiện thực. Những câu chuyện ấy được tập hợp trong tập truyện ngắn “Vệt sáng của bụi”, vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành trong tủ sách các tác phẩm vào chung khảo Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7.

Năm 1994, Cuộc thi Văn học tuổi 20 được tổ chức lần đầu tiên. Cho đến nay, những tác phẩm được ấn hành trong tủ sách dự thi đều được đông đảo bạn đọc đón nhận, không chỉ bởi chất lượng tác phẩm và hơi thở đời sống văn chương trẻ đương đại mà còn bởi thông qua cuộc thi này, đã phát hiện được những cây bút trẻ đầy triển vọng. Sau này, họ trở thành những tên tuổi của văn đàn như các nhà văn: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Thuần, Phong Điệp, Dương Thụy, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc...

 Bìa cuốn sách.

“Vệt sáng của bụi” gồm 10 truyện ngắn. Đó là những lát cắt đời sống thường ngày của cư dân miền Tây, những con người nhỏ bé nhưng lại ánh lên ánh sáng như một sự vươn lên số phận ở chính mảnh đất heo hút, cách trở. Ánh sáng của tập truyện còn là ánh sáng màu nhiệm hút hồn những người đam mê sử học và nuôi niềm khao khát về “giấc mộng vàng” trên nền văn hóa Óc Eo, Phù Nam trầm tích lâu đời. Tập truyện còn gợi lên hình ảnh của những người phụ nữ “bèo dạt mây trôi” khao khát thoát khỏi cái nghèo và mong cầu khắc khoải niềm hạnh phúc cá nhân nhưng lại bị lẽ đời trớ trêu đẩy vào con đường của ngõ hẹp đầy gai đinh sắc nhọn “Nhìn con rắn lạ, em không sợ. Bởi em dân ruộng, đập rắn không để dập mật. Còn đập chồng không để lại dấu máu, thì chỉ mới lần đầu tiên” (truyện ngắn “Nhái vượt vũ môn”). Tập truyện cũng đã ánh lên vẻ đẹp ở sự đồng cảm, giúp đỡ của những người dưng xa lạ nhưng lại đồng điệu về lòng tốt của mảnh hồn con người: “Sao anh tốt với tôi như vậy? Lòng tốt còn cả khi mọi thứ hóa tro”. Mặc dù những điều đó ở hiện thực hay trong thế giới như sương khói.

Với nghệ thuật liên truyện, xây dựng nhân vật tên Hậu xuất hiện ở 4 truyện ngắn khác nhau, mang nội dung khác nhau nhưng vô tình vẫn có một sợi dây nối kết vô hình và cái tên Hậu ấy gợi nên những tiếp diễn về sau, những câu chuyện mà hồi kết vẫn tiếp tục chảy dài nhưng dòng nước tiếp tục trôi trên con sông cuộc đời.

Từng mảnh đời bình thường nhất của vùng đất miền Tây, Lê Quang Trạng đã xây nên hình tượng những nhân vật mang trong mình những mảnh đời ấy. Tái hiện qua ngôn ngữ Nam Bộ gần gũi thân thuộc, qua lời văn bình thản, mộc mạc, thân thương và một thế giới đan xen giữa hiện thực và thần kì, giữa chân thành và dối gạt, giữa khao khát và lòng tham, giữa sự tỉnh táo và mộng ảo. Những con người có khi đang trải qua con đường “muối mặn gừng cay” trên chính mảnh đất quê hương của họ, có khi đang phiêu dạt như cánh diều đứt dây ở phương trời tha hương và có khi còn bị buộc mình với tình hình dịch Covid-19 hiện nay.

Tất cả qua góc nhìn và cảm nhận, tác giả đã khắc họa nên những con người lam lũ, vất vả với nẻo đời hiện thực tận mấy đắng cay nhưng lại không bao giờ cam chịu số phận mà như dòng sông muốn vượt mọi trở ngại ra biển lớn, họ vượt qua để tìm ra lối thoát, tìm ra con đường mới cho chính mình. Bởi lẽ “Những hạt tro lấp lánh như đom đóm. Một chút thôi cũng đủ thắp sáng được mắt người”. Đó vừa là thông điệp của tập truyện vừa là sợi dây xuyên suốt khái quát lên được đời sống hiện thực miền Tây Nam Bộ.

ĐỖ THỊ THANH THẢO