Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, các nhà văn, nhà báo tên tuổi.

 Các đại biểu tham dự hội thảo.

Cuốn sách "Con đường tương lai" là một tác phẩm đặc biệt, kết tinh từ những tri thức tinh túy trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Với tầm nhìn sâu sắc, tác giả đưa ra những dự báo chiến lược, định hướng và những giải pháp phát triển bền vững, dài hạn. Những nội dung trong sách không chỉ dành riêng cho từng cá nhân hay doanh nghiệp, mà còn mang tầm vóc quốc gia, hướng đến sự phát triển vững mạnh và trường tồn của đất nước và dân tộc. Đặc biệt, cuốn sách còn là tiếng nói tôn vinh giá trị tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần bảo tồn và phát huy những nét đẹp của văn hóa dân tộc, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Tập sách "Thuật bút Xuân Cầu" là một công trình đặc sắc, tái hiện trọn vẹn bức tranh văn hóa, lịch sử và đời sống phong phú của vùng đất Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Qua từng trang sách, độc giả sẽ được khám phá những giá trị văn hóa lâu đời, các phong tục tập quán độc đáo, cùng các tác phẩm văn thơ, tranh ảnh, điêu khắc mang đậm dấu ấn địa phương.

 Nhà sử học Lê Văn Lan đóng góp ý kiến.

Là lần thứ ba tham gia hội thảo, nhà sử học Lê Văn Lan nhấn mạnh: “Bản thảo cuốn sách chưa đạt đến tầm cỡ thật sâu sắc, thật thấu đáo, thật kỹ lưỡng, thật uyên bác. Tôi tha thiết đề nghị phải có một hội đồng để thẩm định sách “Con đường tương lai” để đánh giá, nhận xét, đề nghị và yêu cầu sửa chữa toàn bộ cuốn sách”. Bên cạnh đó ông cũng chia sẻ thêm: Dự án sách "Thuật bút Xuân Cầu" còn thiếu một phần hết sức quan trọng chưa nhắc tới đó là lịch sử thú vị của ngôi làng.

Các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận sâu về dự án sách "Thuật bút Xuân Cầu", tập trung vào các khía cạnh như tên gọi, cách thức trình bày và nội dung truyền tải. Mọi vấn đề được phân tích kỹ lưỡng, mổ xẻ thẳng thắn từ nhiều góc độ khác nhau, nhằm đảm bảo cuốn sách không chỉ truyền tải trọn vẹn giá trị văn hóa, lịch sử mà còn đạt được chất lượng trình bày và thông điệp hoàn hảo nhất. Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch, ông Đinh Xuân Phong, đã đề xuất bố cục của cuốn sách nên được tổ chức theo từng chương hoặc từng tập, với trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Theo ông, cách sắp xếp này sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về sự phát triển của văn hóa làng xã, đồng thời làm nổi bật những nét đặc sắc riêng của làng Xuân Cầu qua từng giai đoạn lịch sử.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Kim Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Đọc và Học Việt Nam gửi lời cảm ơn chân thành tới các vị chuyên gia đã dành thời gian tham gia buổi hội thảo ngày hôm nay, ông cho biết: “Cả hai cuốn sách đều là minh chứng rõ ràng cho sự tận tâm của đội ngũ biên soạn và tinh thần trách nhiệm cao cả trong việc lan tỏa tri thức và giá trị văn hóa. Những ý kiến của các chuyên gia sẽ là kim chỉ nam để chúng tôi hoàn thiện hơn nữa nội dung và hình thức của các tác phẩm, để chúng không chỉ chính xác, sâu sắc mà còn gần gũi và dễ tiếp cận với độc giả”.

Với những ý kiến đóng góp thẳng thắn và tâm huyết từ các đại biểu, Hội đồng biên soạn khẳng định đã tìm được hướng đi tích cực cho cả hai cuốn sách. Với tinh thần cầu thị, Hội đồng đã tiếp thu toàn bộ ý kiến để hoàn thiện các tác phẩm, đảm bảo tính chính xác về lịch sử, giàu hàm lượng tri thức và đồng thời mang đến những giá trị tinh thần sâu sắc cho độc giả.

 Nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn thông báo về hai dự án sách.

Tại hội nghị, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn, chủ biên cuốn sách đã thông báo tình hình triển khai dự án. Hiện nay, Hội đồng biên soạn đang tiến hành chỉnh sửa, biên tập, dự kiến sẽ in vào năm 2025.

Tin, ảnh: LINH VÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.