Có nhà nghiên cứu từng cho rằng, thơ ca và triết học là bình đẳng với nhau khi cắm rễ vào những vấn đề thực tại của nhân loại, của chân lý và của giá trị con người. Điều này thật đúng khi nhắc đến tập thơ “Còn môi em sẽ cười” của Thiếu tướng, PGS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bá Dương. Cuốn sách do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2023. Qua tập thơ, tác giả đã gửi gắm vào “cuộc chơi không vần điệu” những nghĩ suy, bài học nhân sinh được dung hòa bởi tư duy logic và tư duy nghệ thuật một cách “bình đẳng” nhất.
|
|
Bìa tập thơ "Còn môi em sẽ cười".
|
“Còn môi em sẽ cười” là tập thơ khá dày dặn với gần 100 bài, được viết trong khoảng 10 năm gần đây của tác giả Nguyễn Bá Dương. Đề tài chủ đạo của tập thơ là triết lý, đạo lý nhân sinh, một trong những đề tài mang tính truyền thống của văn học dân tộc. Tên của tập thơ được lấy ý nghĩa từ câu ca dao "Chớ than phận khó ai ơi!/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây" để tạo ra một thành ngữ phái sinh “Còn môi em sẽ cười” với thông điệp mang ý nghĩa động viên, cổ vũ mọi người không gục ngã trước khó khăn, sống lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Đó là cách tiếp cận tinh tế, khéo léo của một người luôn say đắm với những triết lý truyền thống của ông cha, cũng là chìa khóa để mở ra cánh cửa chắp nối những bài học nhân sinh trong tập thơ.
Điểm nhấn trong “Còn môi em sẽ cười” là tác giả đã xây dựng hình tượng thơ từ những sự vật, hiện tượng vốn dĩ rất gần gũi, sơ khởi như bộ phận trên cơ thể (mắt, da, tóc, môi, răng...), hành động (nói, viết, nghe, cúi đầu...), hiện tượng tự nhiên (bình minh, ánh sáng, bóng tối...), đức tính tốt đẹp (khiêm nhường, tự trọng, khoan dung, giản dị)... Qua những hình tượng thơ tưởng như giản đơn ấy, tác giả đã cắt nghĩa và khái quát thành quy luật mang tính triết lý, đạo lý nhân sinh sâu sắc. Những triết lý, đạo lý ấy là cầu nối cần thiết, làm giàu thêm nhận thức, liên tưởng và suy tưởng của người đọc trước các sự vật, hiện tượng tự nhiên trong đời sống.
Trong “Còn môi em sẽ cười”, mảng nội dung chủ đạo được tác giả khắc họa là triết lý về lẽ sống của con người. Đơn cử như từ hai số tự nhiên “một” và “không”, tác giả đã đưa ra giả thiết về lẽ được-mất. Khi số “một” đứng đầu, giá trị của nó được khẳng định và tăng theo sự nối tiếp của số “không”. Nhưng chính vì vậy, phải giữ được số “một” mang tính khởi sinh ấy, như chính con người phải giữ được giá trị căn cốt của mình.
Cũng bởi: "Giữ được “một” là còn tất cả/ Nếu để rơi, đời chấm hết, là “không”! (“Số “một” và số “không”). Hay như trong cuộc sống, tác giả cho rằng, dù ở tột đỉnh vinh quang hoặc thẳm sâu của lỡ dở, con người vẫn nên có cho mình những “khoảng trống”, “khoảng lặng”. Đó là cách để mỗi người có thể dưỡng tâm, nơi tâm hồn được nương tựa bởi những điều bình yên nhất: "Bình yên nuôi hy vọng/ Giá đỡ của thành công/ Sâu thẳm tận đáy lòng/ Cũng cần một “khoảng lặng” ("Ừ, chút thôi").
Một mảng nội dung khác cũng được tác giả Nguyễn Bá Dương dày công “gieo trồng” trong tập thơ là vẻ đẹp đạo lý truyền thống và hiện đại của con người. Đó là những đạo lý được xây đắp trong các mối quan hệ căn cốt như cha mẹ-con cái, thầy-trò, bạn hữu, đồng đội, đồng nghiệp. Nhắc đến mái ấm gia đình, tác giả gửi gắm tâm niệm chân thành: "Quan tâm chăm dạy trẻ/ Phúc-đức tụ đầy nhà/ Khi “bát đĩa” xô va/ Nhịn nhường là tốt nhất" ("Nơi ấy là gia đình"). Hạnh phúc được vun đắp từ những thành viên trong gia đình. Dẫu giản đơn vậy thôi nhưng trong cuộc sống gấp gáp ngày nay, đâu phải ai cũng biết nhường nhịn, sẻ chia để chăm chút bình yên cho mái ấm ấy.
Với đồng đội, đồng nghiệp, tác giả nhấn mạnh sự đồng lòng, chung tay, chung sức vun đắp vì sự nghiệp chung: "Trẻ già cùng hành quân/ Mùa xuân về ở mãi/ Cố gắng làm tươi mới/ Nhờ chung sức, đồng lòng" ("Sắc xuân"). Từ “hành quân” diễn tả rất khéo và rất hợp màu sắc văn hóa quân sự của lớp người chung câu quân hành để góp nên “mùa xuân” thắng lợi. Rõ ràng, ngoài đạo lý truyền thống, tập thơ đã khắc họa và tôn vinh đạo lý mới tốt đẹp được hình thành, phù hợp với sự vận động mau lẹ của cuộc sống hiện tại.
Có thể nhận thấy, âm hưởng chung của tập thơ “Còn môi em sẽ cười” giàu tính đối thoại, là nỗi cảm hoài, tự sự bằng thơ. Vì vậy, khi lần mở từng trang thơ, bạn đọc sẽ cảm nhận như đang được trò chuyện, tâm sự cùng tác giả. Mỗi câu chuyện giản dị vậy thôi mà tưởng như có bóng dáng của chính người đọc trong thế giới nhân sinh. Để rồi đọng lại sau tất cả, ta càng thêm trân quý những gì đang có, trở nên bình tâm trước đổi thay, tỉnh táo trước cám dỗ và an yên đón nhận những điều trọn vẹn, tốt đẹp mang hơi thở, thanh âm của cuộc sống.
THIÊN ĐỨC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.