Chẳng là mấy ngày đi làm qua cổng nhà văn hóa quận thấy có hội sách xả kho nên cuối tuần chị cho con ghé thăm, coi như một hoạt động thư giãn sau cả tuần học tập. Vào đến cổng, bị thu 30.000 đồng tiền gửi xe, quá chênh lệch so với giá quy định của Nhà nước đã khiến chị không hài lòng. Đến khi vào khu vực có đề “Buffet sách” (tương tự buffet đồ ăn, khách được tự do chọn nhiều món ăn theo sở thích), chị chọn mức 199.000 đồng cho một túi sách trong hai mức (có thêm mức 99.000 đồng). Bụng chắc mẩm bạt ngàn sách mang ra bày như vậy thì số tiền đó có khi không đủ cho số sách chị muốn mua. Vậy nhưng khi đi vào bên trong, sau một hồi tìm kiếm chị chỉ chọn được duy nhất một cuốn có giá bìa đề 98.000 đồng.

leftcenterrightdel

 Khu vực sách bán cân thu hút nhiều độc giả. Ảnh minh họa

Chị nói một mạch như chất vấn tôi: “Nhà báo nói thử xem, tại sao lại có thể cho xuất bản những cuốn sách với cái tên đầy lố bịch như kiểu “Ông thối hoắc” hay “Bí mật chuyện đi ị” vậy? Tôi nhìn thấy mấy đầu sách ấy mà đã thấy ô nhiễm cả bầu không khí ở đó rồi. Đã vậy “sách rác” còn bày bán ở một địa điểm văn hóa của một quận nơi có nhiều trường học. Thật không thể chấp nhận được”.

Chờ chị "hạ hỏa", tôi mới giải thích những cuốn sách chị kể thực ra được phép xuất bản đều có lý do. Cuốn “Ông thối hoắc” của tác giả David Walliams, một trong những cây hài hước số một của nước Anh hiện nay. Đây cũng là cuốn sách viết cho thiếu nhi bán rất chạy của ông. Chuyện khiến người đọc phải suy ngẫm về gia đình và nhu cầu được lắng nghe. Hay cuốn “Bí mật chuyện đi ị” nằm trong bộ sách “Sự kỳ diệu của cơ thể” để giải đáp những thắc mắc thường ngày của con trẻ.

Nghe xong chị Trang có vẻ đỡ bức xúc nhưng vẫn chưa hài lòng: “Đành rằng là thế nhưng đó là những cuốn sách dịch từ sách nước ngoài, phù hợp với văn hóa và bạn đọc các nước khác. Khi dịch sang tiếng Việt thì phải phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt. Tại sao lại in ngay bìa sách những từ ngữ phản cảm mà người Việt thường ý nhị nói tránh. Chúng ta để trẻ hòa nhập và hiểu biết với thế giới nhưng những ứng xử tinh tế thì phải dạy trẻ giữ gìn, trân trọng chứ. Hơn nữa, không phải người đọc nào cũng biết hết về các cuốn sách. Cách đặt đầu đề cho sách theo hình thức này giống với những cách “câu view” rẻ tiền, tạo sự thu hút với người đọc bằng những thức phản cảm”.

Đến đây thì tôi đồng ý với chị Trang. Quả thật những tựa sách này có thể thay đổi phù hợp. Hơn nữa những cuốn sách như thế này được bày bán cũng cần có hướng dẫn hay lý giải cẩn thận ở bên cạnh để các bậc cha mẹ hiểu hơn về cuốn sách. Từ đó họ cũng có thể giải thích cho con trẻ hiểu. Các bậc phụ huynh mua sách cho trẻ thường mong muốn con có thói quen đọc sách, qua đó học hỏi những tri thức của nhân loại. Họ càng mong con hiểu biết và thấm nhuần những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, biết ứng xử chuẩn mực. Vì thế những người làm công việc liên quan tới loại hàng hóa đặc biệt này cần phải rất cẩn trọng khi thẩm định, xuất bản những cuốn sách. Chúng tôi cho rằng, dù là sách cho trẻ em nhưng những vấn đề liên quan đến những cuốn sách này lại không hề nhỏ.
HIỀN VINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.