Đây là hoạt động kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2023).

Diễn giả tại buổi giao lưu là Đại tá, nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng, tác giả của bộ sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” và “Nhật ký thời chiến Việt Nam”; bà Trần Hồng Dung, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản lý Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20”; Đại tá, nhà văn Trần Trọng Giá, Thường trực Hội đồng Quản lý Câu lạc bộ “Trái tim Người lính”.

leftcenterrightdel

 Nhà báo, nhà văn Đặng Vương Hưng cùng các đại biểu giao lưu về về những lá thư người lính viết từ chiến trường tại TP Hồ Chí Minh ngày 15-4. Ảnh: HÙNG KHOA

Tại buổi giao lưu với chủ đề “Những trang viết từ chiến trường”, bạn đọc sẽ được nghe các diễn giả chia sẻ những thông tin quý, xúc động, thú vị về nguồn gốc cùng nội dung những lá thư của những người lính (tập hợp qua cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”), qua đó bạn đọc sẽ có thêm góc nhìn mới đa dạng, nhiều chiều và sinh động về hai cuộc kháng chiến của dân tộc, trong đó có cuộc chiến đấu 55 ngày đêm kiên cường, quả cảm của quân và dân ta làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong hàng triệu lá thư của những người lính gửi đi từ chiến trường, nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng đã lựa chọn 200 lá thư tiêu biểu để đưa vào cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”. Sách vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành vào tháng 4-2023 và lễ giới thiệu sách được tổ chức tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 15-4.

Không phải từ những con số, số liệu khô khan, mà toàn cảnh các cuộc chiến được tái hiện từ chính những con người trong cuộc, đang ở giữa mưa bom bão đạn chiến đấu hết mình với niềm tin vào sự toàn thắng. Điều đặc biệt ở chỗ, những trang thư được những người lính viết cho những người thân yêu nhất và cả cho chính mình, chứ không phải viết với tâm thế dành cho công chúng đọc.

leftcenterrightdel
 Cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”. Ảnh: HÙNG KHOA

“Hơn hai tháng trời hành quân liên miên đuổi giặc, đi cả ngày cả đêm trung bình từ 34-45 cây số (có ngày tới 62 cây số), leo những đèo cao ngút ngàn hàng 20 cây và dưới trời nắng như thiêu người, khát khô cổ không có lấy một giọt nước trong. Có đêm cứ đội mưa mà đi, nước ngấm vào người lạnh thấu xương, vắt bám đầy chân cẳng. Sáng hôm sau trông anh nào cũng như thương binh và con đường đi thấm máu hồng tươi của mọi người. Đó là chưa kể những ngày ăn bữa cháo, bữa cơm hoặc là bụng rỗng không, cán bộ, chiến sĩ nhìn nhau hẹn một ngày mai no đủ. Gian khổ lần này mới thật là gian khổ. Trong đời lính có lẽ chưa lần nào thấm thía bằng lần này. Có thế mới đuổi kịp được giặc, mới diệt được hết chúng nó. Và có thế anh mới có phút ngồi đây, được phép nghĩ đến em giây lát mà lương tâm không nghẹn ngùng, hổ thẹn…”. Đó là những dòng thư của Thượng tướng Vũ Lăng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Giám đốc Học viện Lục quân, viết cho vợ trước chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 98 do Vũ Lăng chỉ huy đã giành chiến thắng trong trận đánh đồi C1 nổi tiếng, góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch. Lá thư này đã được đưa vào cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”.

Cùng với lá thư trên, hàng trăm lá thư được lựa chọn từ hàng triệu lá thư người lính trong khói lửa chiến tranh của hai cuộc kháng chiến, mà tác giả Đặng Vương Hưng giới thiệu tới bạn đọc thông qua cuốn sách, đã cho chúng ta những cứ liệu lịch sử quý báu về một thời khói lửa đạn bom nhưng cũng đầy hào hùng trong lịch sử dân tộc. Đúng như nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng đã viết: “Đôi khi, chính những trang thư, nhật ký, ghi chép... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu; chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hoá của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn...”.

leftcenterrightdel
  Nhà báo, nhà văn Đặng Vương Hưng ký tặng sách cho bạn đọc tại TP Hồ Chí Minh ngày 15-4. Ảnh: HÙNG KHOA

Hầu hết tác giả của các lá thư thời chiến đến nay đã không còn, nhưng từng cánh thư tay mong manh, nhỏ bé với những dòng chữ viết vội trên trang giấy ố vàng bởi dấu vết thời gian đã trở thành chứng nhân lịch sử vô cùng sinh động về lý tưởng sống cao đẹp, hy sinh và cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc của cả một thế hệ. Do vậy, việc tổ chức hoạt động giao lưu hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc những điều thật ý nghĩa, thông qua đó mỗi người trong chúng ta sẽ được bồi đắp, dung dưỡng lý tưởng sống cao đẹp, nhân văn, luôn biết ơn và tri ân đối với các thế hệ cha anh đã đánh đổi máu xương, đã ngã xuống vì non sông, vì nền độc lập của dân tộc.

HOÀNG HOÀNG