Phát huy “viên ngọc xanh” giữa lòng Hà Nội
Biến khu vực bãi sông, bãi nổi sông Hồng trở thành không gian đậm chất văn hóa, cuốn hút cộng đồng trong các hoạt động nghỉ ngơi giải trí, góp phần khai thác dịch vụ, du lịch ngày càng hấp dẫn cho Hà Nội; cung cấp sản phẩm nông nghiệp sinh thái bền vững cho người dân... trong thời gian vừa qua đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và đông đảo người dân với những ý tưởng sáng tạo, độc đáo.
Theo kiến trúc sư (KTS) Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, việc nghiên cứu, cải tạo bãi sông, bãi nổi sông Hồng thành trung tâm CNVH của Thủ đô được nêu rõ trong dự thảo Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của trung tâm CNVH (khoản 7, Điều 21 Luật Thủ đô), là giải pháp mang tính đột phá nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của khu vực sông Hồng. Điều này không chỉ phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, mà còn đáp ứng nguyện vọng của người dân về một không gian văn hóa sông Hồng đã được mong đợi từ lâu. Đây sẽ là điểm tựa để đưa dòng sông Hồng chảy giữa lòng Hà Nội, trở thành trục không gian xanh, có sức hấp dẫn không chỉ nằm trong phạm vi hai bên sông mà còn có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển cho cả vùng Thủ đô và TP Hà Nội. Đặc biệt, việc xây dựng không gian này sẽ cải thiện vệ sinh môi trường, tăng tỷ lệ không gian xanh cho khu vực nội đô lịch sử.
TS Lê Thị Việt Hà, Viện Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc phát triển không gian sáng tạo dựa trên tiềm năng sông Hồng sẽ mang lại giá trị đáng kể cho Thủ đô. Bà Hà dẫn chứng một ví dụ điển hình về dòng suối Cheonggyecheon, vốn là một dòng suối dài gần 6km chảy qua trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc, từng bị chôn lấp dưới lớp bê tông suốt gần 50 năm để xây dựng đường cao tốc Cheonggye phía trên, xung quanh là những khu nhà tồi tàn... Nhưng người Hàn Quốc đã “hồi sinh” nó một cách thần kỳ. Hiện nay, nơi đây đã trở thành điểm du lịch xanh lý tưởng và là biểu tượng của Seoul.
 |
Khu vực bãi sông, bãi nổi sông Hồng được xác định là không gian sáng tạo trọng điểm xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa của Thủ đô. |
“Khu vực bãi giữa sông Hồng có nhiều tiềm năng tương tự. Tuy nhiên, để phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng thành trung tâm CNVH, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại khu vực này còn tồn tại nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, những đề xuất về việc xây dựng các công trình dịch vụ tiện ích, các công trình văn hóa-nghệ thuật còn gặp nhiều vướng mắc về quy định sử dụng bãi sông trong Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình”, TS Lê Thị Việt Hà cho hay.
Tầm nhìn đồng bộ để tạo tính đột phá
Là một người yêu Hà Nội, chọn Hà Nội để cùng gia đình gắn bó hơn 10 năm nay, KTS Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Ile de France (vùng thủ đô Pháp) tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) đã tham gia nhiều dự án quy hoạch, chỉnh trang đô thị tại Hà Nội, gần đây là dự án trùng tu, cải tạo biệt thự cổ số 49 Trần Hưng Đạo. KTS Emmanuel Cerise cho biết, Hà Nội mang nhiều nét tương đồng với Ile de France về các địa bàn vùng nông thôn có nhiều điểm có sức hút về văn hóa, di tích văn hóa. Tại Ile de France, mạng lưới các điểm này dày đặc, nhưng từng ngày từng giờ, chính quyền địa phương vẫn tạo thêm nhiều điểm mới. Ngoài mô hình theo nhà nước quản lý, tại các khu vực này có nhiều mô hình do tư nhân quản lý, như Trung tâm Chứng khoán Paris tập trung các nghệ sĩ sáng tạo; nhiều mô hình tư nhân hợp tác rất hiệu quả với các thương hiệu lớn của thế giới để tổ chức thường xuyên các hoạt động trình diễn, quảng bá và bán hàng thu hút người dân và du khách.
KTS Emmanuel kiến giải, phát triển CNVH không chỉ là nhiệm vụ của riêng người làm văn hóa mà cả cộng đồng để tạo sự đồng bộ và mang tính đột phá, bền vững. Chẳng hạn, ở Pháp, các đơn vị kinh doanh vận tải, giao thông đóng vai trò rất quan trọng. Họ thiết kế các tuyến giao thông dành riêng cho các điểm kết nối di sản văn hóa; phát tài liệu cho khách, hướng dẫn khách khi đi tuyến này đến điểm văn hóa nào, có lễ hội nào đáng chú ý... Hà Nội đang từng bước xây dựng hệ thống giao thông khá thuận lợi, từ đường sắt, các tuyến metro cũng cần kết hợp để phát triển CNVH. “Ở Pháp, quản lý văn hóa gắn với phát triển kinh tế. Hiện nay, ngành CNVH mang lại cho kinh tế Pháp khoảng 110 tỷ euro/năm. Trên toàn châu Âu, CNVH đứng thứ ba sau xây dựng và kinh doanh nhà hàng-khách sạn. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành với Hà Nội trong bảo tồn, phát huy di sản và xây dựng trung tâm CNVH hoạt động hiệu quả”, KTS Emmanuel Cerise nói.
Hiện thực hóa giấc mơ không gian văn hóa sáng tạo Thủ đô
TS Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội cho rằng, Luật Thủ đô cho phép Hà Nội phát triển trung tâm CNVH tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng; chú trọng 5 loại hình không gian, trong đó có: Không gian văn hóa-sáng tạo (mở rộng không gian di tích lịch sử, không gian sáng tạo theo định hướng thành phố sáng tạo của UNESCO); không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh, bảo vệ không gian sông hồ, cảnh quan mặt nước). Hà Nội cần hoàn thiện cơ chế, chính sách (ưu đãi đất đai, quy hoạch đô thị, thuế), tạo hành lang pháp lý phát triển các không gian sáng tạo và ngành CNVH có thế mạnh; chọn trọng tâm, hỗ trợ doanh nghiệp văn hóa-sáng tạo; đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ các trung tâm; đa dạng hóa mô hình tổ chức công-tư; cập nhật quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển CNVH.
Mới đây, tại Hội thảo “Giải pháp tổ chức và hoạt động của trung tâm CNVH và khu phát triển thương mại và văn hóa”, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, phát triển mạnh các ngành CNVH đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đặt ra nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành CNVH của Chính phủ. Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển văn hóa nói chung, phát triển CNVH nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của công chúng, người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Trong điều kiện hiện nay, thành phố sẽ ưu tiên việc sử dụng lại các khu nhà máy, trụ sở, khu công nghiệp cũ để cải tạo, chuyển đổi công năng phục vụ phát triển văn hóa; đẩy mạnh hình thức hợp tác công-tư (đầu tư công, quản trị tư), phát huy sự sáng tạo, đổi mới của khu vực tư nhân. Kỳ vọng sẽ tạo ra một làn sóng mới trong phát triển CNVH, đưa văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô.
VƯƠNG HÀ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.