Hội thảo với sự hiện diện của đông đảo các đại biểu, là cơ hội quý giá để thành phố Hà Nội tiếp thu các ý kiến quan trọng của các lãnh đạo, cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, chuyên gia, các nghệ nhân, nghệ sĩ… về hoàn thiện, xây dựng thể chế bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long Hà Nội. Xây dựng Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước nói chung và phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng.
 |
Ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo. |
Về thi hành Luật Thủ đô năm 2024, hiện nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng, ban hành hệ thống quy phạm của pháp luật, cụ thể hóa quy định của Luật Thủ đô về bảo vệ phát triển văn hóa. Theo kế hoạch, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố tới đây sẽ xem xét, ban hành 2 dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa và Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa.
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội kỳ vọng, với cơ sở pháp lý quan trọng là Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ phát huy tối đa tiềm năng văn hóa để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa Thủ đô. Hai nghị quyết này nếu được ban hành là cơ sở quan trọng của việc phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng, là nền tảng để biến văn hóa thành nguồn lực Thủ đô.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý cũng đánh giá thực trạng các mô hình tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện nay; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút đầu tư, quảng bá; cơ chế chính sách ưu đãi phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại và văn hóa; cách thức thành lập, vận hành các khu phát triển công nghiệp văn hóa, làng nghề, các khu có lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa…
 |
Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới các quận, huyện Hà Nội. |
Kiến trúc sư Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Ile-de-France (IDF) tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX - Vietnam) chia sẻ, ở Pháp, các đơn vị kinh doanh vận tải, giao thông có vai trò rất quan trọng. Họ thiết kế các tuyến giao thông dành riêng cho các điểm kết nối di sản văn hóa; phát tài liệu cho khách, hướng dẫn du khách đến điểm văn hóa hoặc lễ hội… Hà Nội đang từng bước xây dựng hệ thống giao thông khá thuận lợi, từ đường sắt, các tuyến metro… cũng cần kết hợp để phát triển công nghiệp văn hóa.
 |
TS Lê Ngọc Anh, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đưa ra các khuyến nghị khi triển khai hoạt động trung tâm công nghiệp văn hóa.
|
TS Lê Ngọc Anh, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, khuyến nghị việc phát triển các trung tâm công nghiệp văn hóa cần được quy hoạch hợp lý ở những khu vực có lợi thế về hạ tầng, điều kiện văn hóa - xã hội, đặc biệt phải có diện tích đủ lớn vì trung tâm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại, giúp thúc đẩy sáng tạo trong các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị. Ngoài ra, việc hình thành các khu vực văn hóa trong trung tâm sẽ phục vụ phát triển du lịch, nâng cao giá trị thương mại và văn hóa của Hà Nội.
Tin, ảnh: HÀ VƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.