Lần gần nhất võ gậy có trong chương trình thi đấu SEA Games đã cách đây 4 năm. Đại hội năm đó trên đất Philippines, đội tuyển võ gậy Việt Nam với phần lớn là các võ sĩ từ môn pencak silat chuyển sang đã thi đấu xuất sắc để giành 4 huy chương vàng (HCV). Tại SEA Games 32, võ gậy được chủ nhà Campuchia đưa vào nội dung thi đấu chính thức nên đội tuyển võ gậy Việt Nam được thành lập với 2 huấn luyện viên, 23 vận động viên (VĐV).

Trong thành phần đội tuyển võ gậy Việt Nam hiện tại có 3 võ sĩ từng tham dự SEA Games 30 năm 2019, song vì đã lâu không tập luyện môn này nên nhiều VĐV thừa nhận phải làm lại từ đầu. Thậm chí, việc chuẩn bị tập luyện thi đấu cho môn võ gậy vướng không ít khó khăn về cơ chế. Trong quãng thời gian tập trung ban đầu của đội tuyển, các VĐV còn phải sử dụng tạm ống nhựa, bao cát... để tập luyện. Sở dĩ có thực trạng này bởi võ gậy không nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia, không có địa phương nào phát triển môn này nên đội tuyển võ gậy Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị, mua sắm trang thiết bị và phải trông chờ vào nguồn tài trợ.

leftcenterrightdel
      Một buổi tập luyện của đội tuyển võ gậy Việt Nam.Ảnh: NHƯ ĐẠT 

Mới đây, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic đã tài trợ trang thiết bị tập luyện cho đội tuyển võ gậy Việt Nam, đồng thời công bố những suất học bổng cho thành viên của đội tuyển nếu giành huy chương tại SEA Games 32. Trong đó, đội tuyển võ gậy đã nhận được 50 bộ gậy cứng để phục vụ tập luyện. Cùng với đó, chuyên gia võ gậy người Philippines đã sang đào tạo, huấn luyện cho các VĐV những bài tập nâng cao. Chia sẻ với chúng tôi, huấn luyện viên trưởng đội tuyển võ gậy Việt Nam Nguyễn Thái Linh bày tỏ: “Nhờ nguồn tài trợ, các VĐV võ gậy đã có gậy để tập. Dù vậy, do đội tuyển đang trong giai đoạn tập luyện căn bản, sắp tới sẽ tập kỹ-chiến thuật nên chúng tôi vẫn cần đến giáp bảo hộ. Mong rằng đội sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cấp, ngành và cá nhân, tập thể”.

Tại SEA Games 32, đội tuyển võ gậy Việt Nam sẽ tham gia 12 nội dung thi đấu (8 nội dung đối kháng và 4 nội dung biểu diễn), đặt mục tiêu giành từ 2 đến 3 HCV. Theo dự kiến, đội tuyển võ gậy Việt Nam sẽ có chuyến tập huấn ở Philippines vào đầu tháng 4. Bên cạnh đó, ban huấn luyện sẽ tính toán kỹ lưỡng trên thực tế để xác định hạng cân hoặc nội dung phù hợp cho VĐV. Ví dụ Đào Thị Hồng Nhung từng giành HCV môn võ gậy hạng 60kg tại SEA Games 30, nhưng được đăng ký thi đấu hạng 55kg tại SEA Games 32. Mặc dù phải trải qua quá trình ép cân gian khổ, nhưng Hồng Nhung vẫn bày tỏ quyết tâm: “Tôi sẽ nỗ lực hết mình để giành HCV”.

Những ngày qua, đội tuyển võ gậy Việt Nam đang đẩy cao cường độ tập luyện với 4 buổi/ngày vào các khung giờ: 5 giờ, 8 giờ, 14 giờ 30 phút và 19 giờ 30 phút. Do võ gậy là môn thể thao mới được du nhập vào Việt Nam, mọi thứ còn khá mới mẻ nên ban huấn luyện đội tuyển cũng đề nghị các VĐV tranh thủ thời gian rảnh để nghiên cứu, nắm bắt kỹ thuật; các VĐV cũng có nhóm riêng trên mạng xã hội để cập nhật về các đoạn video kỹ thuật từ huấn luyện viên, trao đổi về chuyên môn... Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục Thể thao) khẳng định: “Chúng tôi đang nỗ lực tìm thêm nguồn tài trợ cho đội tuyển võ gậy Việt Nam”.

HOA LƯ