 |
Ông Đặng Văn Nhai biểu diễn múa gậy
|
Đội múa võ gậy ở thôn Chử Xá, xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội, thường xuyên cùng nhau luyện tập võ gậy để rèn luyện sức khỏe và làm gương cho con cháu noi theo. Các ông luôn nhắc nhở lớp trẻ trong làng biết giữ gìn những bài võ gậy dân tộc của ông cha để lại…
Ở thôn Chử Xá có các ông: Mỉnh 84 tuổi, Nhai 80 tuổi, Nhừng 78 tuổi và các ông Thắng, Thủy, Dũng… biết múa võ gậy bài bản, nhiều ông vẫn còn giữ và nhớ được những bài, miếng võ gậy từ xưa truyền lại. Tuy tuổi cao nhưng các ông vẫn tập luyện hàng ngày và những ngày hội làng (mùng 10 tháng 2 âm lịch), các ông tổ chức thi múa gậy và đấu võ tại đình làng.
Bài biểu diễn múa gậy mang đến nhiều ấn tượng, sự ngưỡng mộ làm cuốn hút người xem. Chỉ cần một khúc tre dài 7 thước ta, các ông từng đôi một biểu diễn các miếng công đòn và thủ đòn biến hóa linh hoạt. Đôi tay cầm gậy tre múa mềm mại, quay đoạn tre xoay tròn, tạo thành luồng gió mạnh để áp đảo đối thủ. Những khi ra miếng công đòn đánh gậy tới tấp vào đối thủ, người đánh phải thành thạo, dùng cả đầu ngọn và cuối gốc đoạn tre. Đối thủ thường che chắn đầu bên phải và bên trái chắc chắn, lừa đối phương sơ hở là lập tức đánh phản đòn rất nhanh bằng cả hai đầu gậy tre.
Ông Đặng Văn Nhai là người múa gậy đẹp và bài bản trong làng, ông kể chuyện: “Ngày trước, thanh niên làng tôi tập luyện võ gậy từ năm lên 17 tuổi, mục đích tập võ gậy trong làng là để bảo vệ làng và rèn luyện sức khỏe, phòng khi đất nước có giặc ngoại xâm, trai làng chúng tôi sẽ được bổ sung vào quân đội để đánh giặc. Các cụ ngày xưa nói lại, cách đây khoảng hơn 200 năm, quân giặc đã đến cướp phá làng Chử Xá, ngày ấy trai làng đã cùng nhau cầm đòn tre, gậy tre xông ra đánh giặc cướp để giữ làng, đánh cho quân giặc tan tác phải rút chạy. Kể từ ngày đó, làng tôi có môn võ gậy. Hàng năm vào những ngày hội làng, các cụ trong làng tổ chức thi đấu võ gậy để động viên và nhắc nhở con cháu thường xuyên luyện tập. Bắt đầu là từ ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch, các cụ và trai làng đã rục rịch tập luyện võ gậy, tiếng gậy tre va đập vào nhau kêu chan chát khắp làng. Chờ đến ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch, làng mở hội thi đấu thì tham dự, làng thường treo giải thưởng rất cao cho người thắng cuộc. Dân làng nô nức tham gia thi đấu và đi xem múa gậy, có cả trai làng bên cạnh cũng ghi tên thi đấu, người dân các nơi đổ về để xem thi đấu đánh gậy…”.
Ông Nhai cho biết, bài đánh gậy cổ gồm có múa gậy và múa roi. Bài gậy đầu tiên là bài “Suốt” nghĩa là hai bên cùng ra khởi động thi đấu để bắt đầu vào trận đánh. Tiếp đến là bài “Trung thuyền” là điệu bộ múa của người đánh gậy, tức là chống đầu gậy, nếu bên kia ra đòn trước thì bên này xoay người và đánh gậy để chống đỡ.
Đội múa gậy làng Chử Xá nay đã sắm đủ áo the, khăn xếp, quần lụa trắng, thắt lưng lụa màu xanh và màu đỏ để phân biệt khi tham dự thi đấu và đấu võ gậy theo nhịp trống đánh ngũ liên. Ông Nhai là người đứng đánh trống chầu đấu gậy có tiếng nhất trong làng. Trong khi đấu gậy với nhau, đối thủ ra đòn đánh thế nào, người đấu phải đón thủ ở mé đó. Đối thủ đánh đòn bên phải và đánh tiếp ngay đòn bên trái, nếu người đỡ không kịp sẽ tạo cho người đánh lừa miếng đánh vào củ thượng (đánh vào đầu) người đỡ. Người đỡ xong miếng đòn có quyền đánh trả và phản công lại. Có nhiều trận đấu diễn ra rất căng thẳng và bốc lửa trong hội thi võ gậy, các đối thủ đấu với nhau mạnh đến nỗi đánh dập gẫy cả gậy tre. Ông Mỉnh múa gậy có tiếng trong làng, mà cũng có lần ông bị dính đòn quét đánh trúng làm ông bị gẫy chân.
Bài biểu diễn múa gậy và cặp múa đôi ông Nhai và ông Mỉnh, đã được thành phố Hà Nội chọn là điệu múa độc đáo trong hơn 50 điệu múa cổ Thăng Long. Hai ông được mời đi trình diễn múa gậy vào những dịp lễ hội hướng tới Lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Hội nghệ sĩ múa Hà Nội đã sưu tầm và phục dựng lại bài múa võ gậy Chử Xá, góp phần giữ gìn những di sản quý tạo dựng diện mạo mảnh đất Thăng Long…
Bài và ảnh: HOÀNG NAM