Những ngày tháng Tám, chúng tôi có dịp trở lại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã từng ở và làm việc để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày nay, nơi đây trở thành một điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn trong cả nước. Ông Ngô Quốc Lập, Giám đốc Bảo tàng Tân Trào – ATK (An toàn khu) hồ hởi: Tháng Tám, khách về Tân Trào đông quá. Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, Tân Trào đã đón gần 18 vạn khách du lịch về tham quan, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
 |
Cây đa Tân Trào (ảnh internet) |
Từng là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, giờ đây Tân Trào đang bừng lên khí thế mới, mang dáng dấp của một thị tứ sôi động. Kế thừa và phát huy truyền thống của xã anh hùng, đảng bộ và nhân dân Tân Trào đoàn kết thống nhất phát huy nội lực, tiềm năng và lợi thế của điểm du lịch quốc gia. Với chủ trương, giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng thôn bản, các vùng chuyên canh hàng hóa đang từng bước hình thành như vùng chè ở thôn Vĩnh Tân, cây ngô ở thôn Cả và đặc biệt Tân Trào có làng du lịch ở thôn Tân Lập. Ông Viên Tiến Thăng, Chủ tịch UBND xã Tân Trào phấn khởi nói: Nông dân Tân Trào giờ làm kinh tế giỏi lắm, số hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm từ cây chè, từ làm du lịch xuất hiện ngày một nhiều. Tân Trào đang đổi thay từng ngày. Năm 2005, Tân Trào đã đề nghị Ủy ban Dân tộc Miền núi công nhận xã hoàn thành chương trình 135 của Chính phủ. Điểm du lịch lịch sử cách mạng Tân Trào được công nhận là điểm du lịch quốc gia đã tạo bước đột phá mới, nhân dân phấn khởi có cơ hội được chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng thế mạnh vốn có.
Toàn xã có hơn 200 hộ kinh doanh thương mại dịch vụ, tăng hơn 100 hộ so với trước, hệ thống thương mại phát triển mạnh tại thôn Cả. Đây cũng là trung tâm giao lưu hàng hóa của vùng ATK với 50% số hộ kinh doanh đầy đủ các loại sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Một số hộ gia đình kinh doanh có quy mô lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm bình quân mỗi hộ 3 lao động. Đặc biệt, năm 2006 nhà nước đầu tư xây dựng và khai trương “làng văn hóa du lịch Tân Lập” đã thu hút 50 hộ gia đình, chiếm 30% số hộ của thôn Tân Lập tham gia kinh doanh thương mại, dịch vụ phục vụ du lịch. Anh Hoàng Văn Ly, thôn Tân Lập cho biết: Trước đây quanh năm làm, với 4 sào lúa cộng cả chăn nuôi gia cầm mà chẳng đủ ăn. Nhưng 2 năm gần đây, cùng sản xuất nông nghiệp, gia đình đã bán thêm hàng lưu niệm, thổ cẩm và giới thiệu sản phẩm truyền thống địa phương cho khách tham quan du lịch nên thu nhập mỗi người trong gia đình cũng khoảng 400.000 đồng/tháng.
Để tạo bộ mặt đẹp cho làng văn hóa của một khu du lịch, Tuyên Quang đầu tư xây dựng bê tông hóa đường làng ngõ xóm ở Tân Lập. Tỉnh cũng hỗ trợ xi măng bó nền nhà cho các hộ dân xung quanh khu di tích Cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái và đổ bê tông đường vào 13 hộ gia đình là điểm đón du khách ăn nghỉ, sinh hoạt. Huy động nhân dân sưu tầm, phục hồi và trang trí tại hộ gia đình các loại nông cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, tìm lại những giá trị văn hóa tinh thần xa xưa của đồng bào các dân tộc nơi đây để phục vụ nhu cầu du lịch. Ông Viên Tiến Thăng, cho biết: Xã đã cử 17 đại diện hộ gia đình ở thôn Tân Lập tham gia tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, lễ tân do Sở Du lịch và Thương mại tổ chức. Tân Trào đã thành lập đội văn nghệ với 20 thành viên, duy trì nhiều tiết mục đặc sắc của các dân tộc Tày, Dao như giã cốm đêm trăng, múa sinh tiền, múa quạt ngày xuân, múa cầu mùa... Bà con các dân tộc trước đây chỉ biết làm nông nghiệp, nay đã nhanh chóng nắm bắt được thị hiếu du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống dân tộc. Từ trẻ em đến người lớn đều biết làm dịch vụ du lịch, giới thiệu và bán sản phầm quần áo thổ cẩm, hàng lưu niệm, đặc sản địa phương của chính bà con dân tộc làm ra như cơm lam, mật áo, ngô luộc, rau rừng và sản phẩm thủ công truyền thống cho khách tham quan đem lại nguồn thu cho gia đình. Chị Ma Thị Phượng, thôn Tân Lập cho biết: Ngày thường bán được từ 20 đến 30 ống cơm lam nhưng vào cuối tuần có thể bán được gấp đôi, gấp ba. Bình quân mỗi ngày chị lãi từ 50.000 đến 100.000 đồng, bằng cả tháng đi nương. Một tin vui đến với làng văn hóa du lịch là Nhà nước đã có kế hoạch đầu tư hỗ trợ làng nghề mây giang đan, dệt thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch. 50 phụ nữ nhanh nhẹn, khéo tay đã đăng ký học nghề và làm nghề. Kế hoạch xây dựng làng nghề này sẽ được triển khai ngay trong năm 2007.
Hiện nay, nhà nước, các bộ ngành trung ương và tỉnh Tuyên Quang đang tiến hành đầu tư tôn tạo 160 điểm di tích lịch sử Tân Trào, nâng cấp cơ sở hạ tầng đường giao thông dẫn đến điểm tham quan, mở thêm nhiều tuyến du lịch với các tỉnh lân cận để thu hút ngày một nhiều du khách về với thủ đô xanh, thủ đô kháng chiến của cả nước một thời.
VŨ VĂN ĐỨC