PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, tác giả bộ tiểu thuyết và kịch bản “Nợ nước non” kể với giọng hồ hởi: “Chúng tôi được công chúng đón nhận rất nồng nhiệt. Hai buổi diễn tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh đều chật kín khán giả; các buổi diễn tại Bình Phước, Long An, Đồng Nai... khán giả cũng hào hứng đến xem và khi diễn xong còn lên chụp ảnh với tác giả, đạo diễn và diễn viên của đoàn. Khán giả xúc động bởi lâu lắm mới được xem vở diễn về Bác Hồ của một đoàn nghệ thuật phía Bắc”.

Tác giả cũng cho biết thêm: “Nghệ thuật luôn đòi hỏi cái mới. Những gì liên quan tới nhân vật lịch sử không được làm sai, tuy nhiên, không nên làm lại một cách khô cứng. Chúng ta phải hư cấu, sáng tạo hình tượng khi đưa vào văn học-nghệ thuật. Tôi đặt tên cho tác phẩm là “Nợ nước non”, xuất phát từ lời bài ca mà bà Hoàng Thị Loan-mẹ của Bác Hồ-vẫn thường hát ru các con: “Con ơi nhớ lấy câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch, rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền”. 

 Cảnh trong vở ca kịch “Nợ nước non”. 

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đã cùng tác giả và ê-kíp nghệ thuật của “Nợ nước non” lựa chọn hướng đi không chỉ khắc họa những ký ức lịch sử, xã hội mà còn đi sâu luận giải những yếu tố văn hóa, tư tưởng chính trị, xã hội đã hun đúc, rèn giũa nên Nguyễn Sinh Cung-Nguyễn Tất Thành-Văn Ba qua hành trình từ quê nhà Nghệ An tới Kinh đô Huế, qua Bình Định, Phan Thiết đến bến cảng Sài Gòn vượt trùng khơi cứu nước. Quá trình ấy không được thể hiện theo tuyến tính thời gian mà chuyển tải thông qua những sự kiện, lát cắt tiêu biểu hiện lên trong hồi ức của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi bắt đầu đến Sài Gòn.

Vở diễn tập trung khắc họa sự chuyển biến về nhận thức, tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Sinh Cung-Nguyễn Tất Thành trước những biến động thuở thiếu thời, trước những vấn đề chính trị, xã hội của đất nước, thế giới gắn với các quá trình vận động lịch sử, các phong trào yêu nước... giúp người xem hiểu rõ hơn quyết định ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911 của Người đáp ứng đòi hỏi của lịch sử, của vận mệnh dân tộc, là chuyến đi tự giác, có chủ đích và mang tính cách mạng.

Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ chủ đạo là cải lương với một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca, ví, giặm xứ Nghệ, ca Huế, bài chòi khu 5 và dân ca Nam Bộ, vở diễn không chỉ khắc họa sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung-Nguyễn Tất Thành mà còn thể hiện hình tượng cụ Hoàng Thị Loan, cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng một số nhân vật có nhiều ảnh hưởng đến Bác trong không gian văn hóa các vùng, miền từ Bắc chí Nam. Từ đó, vở kịch giúp người xem hiểu hơn về một vĩ nhân nhưng rất “đời”, rất người và luôn nặng tình non nước.

Tài năng của soạn giả Hoàng Song Việt tiếp tục được phát huy khi chuyển thể cải lương phù hợp cho từng nhân vật, từng phân đoạn của vở diễn. Đặc biệt là cảnh Nguyễn Tất Thành (nghệ sĩ Nguyễn Minh Hải vào vai) gặp lại Lê Thị Huệ (nghệ sĩ Ngân Hà vào vai) đã gây xúc động và tạo ấn tượng đẹp đối với người xem qua phần thoại, phi vân điệp khúc, vọng cổ, lý giao duyên...

“Nhắc đến cải lương, đa phần người ta sẽ nghĩ đến những vở cổ trang với ông hoàng, bà chúa, khi nghe đến cải lương về Bác Hồ thì họ nghĩ sẽ khô khan và khó thưởng thức. Nhưng sau khi xem “Nợ nước non”, khán giả cảm thấy lịch sử không quá khô khan với các sự kiện, ngày tháng mà ẩn chứa trong các sự kiện đó là những trăn trở, những câu chuyện đáng tìm hiểu và ghi nhớ”, bà Lê Kim Tiến (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) chia sẻ.

Dựng tác phẩm nghệ thuật lịch sử đã khó, dựng vở về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là thách thức đối với người làm nghệ thuật, bởi ngoài việc tôn trọng chân thực lịch sử thì tính hình tượng, hư cấu nghệ thuật là điều cần thiết để tạo dựng thành công cho tác phẩm và thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Nhưng với kịch bản của tác giả Nguyễn Thế Kỷ và cách dàn dựng của Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên, “Nợ nước non” đã thực sự chinh phục được khán giả trẻ và cả giới chuyên môn, đồng thời tìm thêm cho mình những đối tượng khán giả mới ở mọi miền đất nước.

Bài và ảnh: ÁNH NGỌC