Nội dung kịch bản “Chén thuốc độc” xoay quanh gia đình thầy Thông Thu, một viên chức khá giả tại Hà Nội đã bị tha hóa vì lối sống buông thả theo những cám dỗ đời thường. Người chủ gia đình, thầy Thông Thu, thì đắm chìm trong đam mê đào nương đàn ca hát xướng, rượu chè, mạt chược... Mẹ và vợ ông lại u mê đi theo những hoạt động mê tín dị đoan, suốt ngày đi phủ to, chùa lớn để hầu đồng, cúng bái. Cô em gái của thầy Thông Thu thiếu tình cảm gia đình, bí bức, nên bị dụ dỗ, quan hệ với người đàn ông đã có vợ, để rồi mang bầu, tai tiếng. Cả gia đình “tận lực hoang phí” như vậy nên toàn bộ tài sản bị lừa gạt hết, nợ nần chồng chất, nhà cửa bị tịch thu... Phá sản, tiền tài mất hết, danh dự cũng không còn, thầy Thông Thu chỉ còn cách tự giải thoát bằng chén thuốc độc.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai bày tỏ: “Điều khó nhất khi dựng vở diễn là làm sao giữ được hồn cốt của tác phẩm gốc, nhưng vẫn phải mang hơi thở thời đại, phù hợp với lối cảm, cách tư duy mới của người hôm nay”. Đạo diễn cũng cho biết thêm, kịch bản gốc có cách xây dựng câu chuyện kịch thiên về diễn kể, gần giống kịch hát dân tộc như tuồng hay cải lương, thiếu tính xung đột, hành động vốn rất cần thiết cho kịch. Cũng không có chứng nhân, tài liệu nào lưu giữ vở diễn của 100 năm trước có dung dáng ra sao vì không có ảnh, không có phim tư liệu. Vì vậy, đạo diễn quyết định dựng theo tư duy nghệ thuật của ngày nay, biên tập để có thể diễn gọn trong thời lượng hai giờ, đẩy nhanh tiết tấu và khắc họa xung đột một cách rõ ràng hơn.

       Cảnh trong vở kịch “Chén thuốc độc”.      

 

Những thay đổi đó được người trong nghề và khán giả chấp nhận một cách thú vị sau buổi công diễn đầu tiên. Với những màn biểu diễn nghệ thuật dân gian, đạo diễn đã tách bạch phần thông điệp của tác phẩm và phần âm nhạc bằng những thủ pháp dàn dựng sân khấu, để những nét văn hóa vẫn được gìn giữ một cách đẹp đẽ qua sự thể hiện của NSƯT Hoài Thu (Nhà hát Chèo Hà Nội), thay vì dùng những bản thu âm. Với những cây cột điện như sự gợi ý về xu hướng đô thị hóa, phần đầu như những nhánh cây mang hình hài của một bộ não, để làm nổi bật ý nghĩa vấn đề nhận thức của con người quyết định tất cả.

Tinh thần phê phán những thói hư tật xấu của con người trong xã hội cũ, cảnh tỉnh lối sống Âu hóa, ăn chơi hưởng lạc quá mức mà lãng quên trách nhiệm với gia đình và xã hội được giữ trọn vẹn. Theo đạo diễn, trải qua 100 năm, tác phẩm vẫn có sức nặng và tính thời sự. Với cái kết có tính ngẫu nhiên, “từ trên trời rơi xuống” một người em ruột thất lạc lâu ngày, nay thành đạt, gửi số tiền lớn tới đúng thời điểm thầy Thông Thu tuyệt vọng nhất. Đây là chi tiết mới, được ê kíp nghệ sĩ chỉnh sửa, với mong muốn đưa lại thông điệp tích cực hơn khi thầy Thông Thu định uống thuốc độc tự tử thì mẹ ông, vợ ông, em gái ông đều tự nhận người đáng chịu chết phải là họ. Người bạn tốt của gia đình-ông giáo Minh-đã lên tiếng để từng người hiểu rõ trách nhiệm của mình, với hy vọng cả gia đình nhận rõ sai lầm để có thể “ngã từ đâu thì đứng dậy từ đó”.

Cách dàn dựng này cùng với sự nhiệt thành, tâm huyết của các nghệ sĩ tập hợp từ Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội... cùng sự góp sức của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, như: NSND Lê Khanh, NSND Trung Hiếu, NSND Việt Thắng, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Mai Nguyên, NSƯT Hoài Thu, NSƯT Quang Thắng... đã đem tới một tác phẩm xứng đáng với dịp lễ trọng của ngành kịch Việt Nam.

Bài và ảnh: CAO NGỌC