Tiểu thuyết dã sử “Nữ sĩ thời gió bụi” (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2021) lấy cảm hứng từ cuộc đời đặc biệt của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Với độ dày gần 300 trang, khổ 13,5x20,5cm, được gói gọn trong 5 chương (Con nuôi quan thượng thư; tùng tàn, trúc gẫy, chỉ còn mai xanh; duyên phận kỳ nữ; phu nhân Nguyễn Kiều; thi nhân trong mưa biển), nhà văn Lê Phương Liên đã giúp bạn đọc được “gặp gỡ” một Đoàn Thị Điểm phóng khoáng, chân thật, duyên dáng và thông tuệ, vừa trí thức lại vừa dân dã. Bạn đọc cũng như được bước vào một thế giới ảo để suy ngẫm, chiêm nghiệm về một thế giới thật của lịch sử đã trải qua từ hơn 300 năm trước.
 |
Bìa tiểu thuyết dã sử “Nữ sĩ thời gió bụi”. |
Trong “Nữ sĩ thời gió bụi”, các nhân vật xoay quanh Đoàn Thị Điểm được xuất hiện tự nhiên và thú vị. Ví như, khi Đoàn Thị Điểm làm con nuôi Thượng thư Lê Anh Tuấn, bà có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Kiều-người sau này trở thành chồng bà; tên cướp mà Đoàn Thị Điểm gặp trên đường sau trở thành học trò của bà; cậu Chiêu Bảy Lê Hữu Trác từng ở với gia đình Đoàn Thị Điểm trước khi tòng quân và bà đã gặp lại cậu em thân thiết này khi tiễn chồng đi sứ...
Đan cài vào diễn biến cuộc đời của Đoàn Thị Điểm, nhà văn Lê Phương Liên cũng khéo léo bàn về tài năng văn chương thiên phú, khả năng đồng cảm và chiêm nghiệm sâu sắc của nữ sĩ. Tác giả đã xây dựng những tình huống để Đoàn Thị Điểm ứng tác thơ văn, sáng tác truyện kỳ ảo và dịch Nôm tác phẩm "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn một cách tài tình.
Sinh năm 1951 tại Hà Nội, nhà văn Lê Phương Liên bén duyên với văn chương từ khi còn là sinh viên khoa Toán-Lý của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Vốn là con của một cô giáo dạy tiểu học, được sống trong bầu không khí nhà trường từ thuở còn thơ, Lê Phương Liên đã sớm định hình phong cách sáng tác phục vụ bạn đọc nhỏ tuổi. Cũng bởi vậy, Lê Phương Liên từng tâm niệm sẽ viết cho thiếu nhi suốt đời.
Tuy nhiên, dường như định mệnh khiến tác giả trở thành người chắp bút viết tiểu thuyết về cuộc đời của bà Đoàn Thị Điểm. Nhà văn Lê Phương Liên cho biết: “Năm 2018, tôi tình cờ nhận được lời mời đến viếng mộ Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và mộ Tiến sĩ Nguyễn Kiều. Ý định viết cuốn sách về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm từ đó nảy nở trong tâm trí tôi. Sau đó, tôi hăng hái ngồi vào bàn, viết đêm viết ngày như có ai nhập vai mình, như có một nguồn lực siêu nhiên nào đó thôi thúc tôi vượt qua khó khăn lớn nhất là không biết chữ Hán, chữ Nôm để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này".
Cũng bởi quá quen mặt với các đề tài dành cho thiếu nhi, nên khi “Nữ sĩ thời gió bụi” ra mắt công chúng, nhiều người tin rằng, nhà văn Lê Phương Liên đã tìm ra ngã rẽ trong sự nghiệp của mình.
Tuy nhiên, đọc “Nữ sĩ thời gió bụi” mới thấy tác phẩm này hoàn toàn phù hợp với đối tượng thiếu nhi và dường như nhà văn Lê Phương Liên đã tìm ra được lối đi riêng cho mình trong thể loại tiểu thuyết dã sử.
“Tôi không nghĩ là việc viết tiểu thuyết dã sử là một bước rẽ đột ngột, tôi vẫn đang đi thẳng. Khi viết xong tôi cảm thấy tiểu thuyết dã sử “Nữ sĩ thời gió bụi” vẫn có thể làm bạn với thiếu nhi”, nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ.
Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG