Hằng ngày, khi mở ti-vi, khán giả sẽ gặp nhiều chương trình hài kịch thực tế ít giá trị nghệ thuật và giáo dục bởi tiếng cười dễ dãi, biến tướng, dung tục, vô duyên. Trên YouTube, những chương trình như thế còn nhiều hơn. Theo thống kê, đến hết năm 2020, cả nước có hơn 50 chương trình hài được phát sóng vào các khung giờ, trong đó có nhiều chương trình mà tỉ lệ người xem tăng vọt: “Ơn giời, cậu đây rồi”, “Thách thức danh hài”, “Người bí ẩn”, “Hội ngộ danh hài”, “Chết cười”...
Khi xem những chương trình này, ngoài những lời thoại lấp lửng, thô tục là các hành động của nghệ sĩ rất gợi, như: “Cong quá gãy thì sao?”; “Xóc đi, xóc mà không ra là có chuyện”; “Cái gì càng chơi càng ra nước?”... Trong một tập của “Ơn giời, cậu đây rồi” có màn tẩm quất của Việt Hương-bà Ba và Anh Đức-Chí Phèo quá tỉ mẩn, khiến người ta đỏ mặt. Đặc biệt, các nam đóng giả gái dày đặc, phản cảm ở hầu hết các chương trình khiến khán giả lo sợ ảnh hưởng đến giới tính của con em mình.
Không ít chương trình kiểu như vậy vẫn được phát sóng vào khung giờ “vàng”, nhiều người theo dõi. Ngoài yếu tố gây cười dễ dãi, các chương trình này còn có những lời thoại lấp lửng “nửa nạc nửa mỡ”, cùng các hành động mua vui nhạt nhẽo của các nghệ sĩ. Trong một tập của “Ơn giời, cậu đây rồi” có màn tẩm quất của Việt Hương-bà Ba, Anh Đức-Chí Phèo quá nhạy cảm, khiến người xem đỏ mặt... Trên mạng xã hội, tỷ lệ những thể loại kiểu này còn nhiều hơn.
 |
Một hình ảnh trong MV "Như cái lò" gây nhiều ý kiến trái chiều về chuyện đặt tên ca khúc.
|
Bên cạnh hài nhảm, hài dung tục là sự xuống cấp thảm bại của nhạc Vpop, dòng nhạc nhẹ được giới trẻ các thế hệ rất yêu thích. Hiện nay, ngoài những tác phẩm âm nhạc tốt, mang giá trị nghệ thuật, giải trí cao thì còn tồn tại không ít tác phẩm nhảm nhí, ca từ vô nghĩa, chỉ kém “rác phẩm” vài mi-li-mét. Điển hình là MV "Cắm sừng ai đừng cắm sừng em" của Phí Phương Anh. Hay như bài “Đây là một bài hát vui” của nhạc sĩ Huỳnh Hiền Năng với những ca từ cực kì đơn giản lặp đi lặp lại "đây là một bài hát vui, đây là một bài hát không buồn".
Tác phẩm âm nhạc “72 phép thần thông” của Ngô Kiến Huy hay "Như cái lò" của Khắc Hưng cũng có nhiều ca từ không thể rẻ tiền hơn: “Hôm nay trời sao nóng bức quá/Em đang cần một ly nước đá/ Đừng bắt em phải ra ngoài đường/ Em chỉ cần có bốn bức tường/ Một điều hòa và một cái giường/ Nếu ra đường chỉ có xác định là/Nóng như cái lò/ Nóng nóng nóng như cái lò”. Hay bài hát “Oh my chuối” của Sĩ Thanh có những câu khơi gợi khiến người nghe liên tưởng đến cảnh ân ái giường chiếu hết sức phản cảm. Điều lạ là các tác phẩm ấy cứ tồn tại, không bị cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này "túy còi".
Bất kể một tác phẩm nghệ thuật nào cũng cần sự lao động miệt mài, nghiêm túc, tốn nhiều công sức, kinh phí và thời gian của tác giả cùng ê-kíp thực hiện. Càng tác phẩm thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, có sự hợp tác của nhiều người, nhiều loại hình nghệ thuật cùng lúc thì càng phải tốn thời gian hợp luyện và kinh phí xây dựng. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng các sản phẩm văn hóa nghệ thuật biểu diễn “dưa muối xổi” tồn tại trong xã hội chúng ta?
Thông thường, một chương trình nghệ thuật biểu diễn trực tiếp hoặc gián tiếp đến với công chúng phải được cơ quan chức năng quản lý nhà nước thẩm định, xét duyệt và cấp phép. Quy trình này được áp dụng rất nghiêm cẩn, nhưng những sản phẩm văn hóa vẫn lọt lưới mà không tìm ra nguyên nhân. Dưới góc độ quản lý, các chuyên gia cho rằng, vấn đề gốc rễ chỉ có thể là do cán bộ cơ quan chức năng đã thỏa hiệp với thực tế yếu kém của nhà sản xuất, hạ thấp tiêu chí sản phẩm để đưa ra thị trường.
Còn nhà sản xuất thì thỏa hiệp với chính họ. Do đặt lợi nhuận lên trên hết, do chạy theo giá trị công nghiệp văn hóa phương Tây và nhu cầu thưởng thức cái mới của xã hội nên họ thường thỏa hiệp, đặt hàng tác giả viết kịch bản, nhạc phẩm ăn xổi; có giá trị nghệ thuật, giáo dục thấp. Sự thỏa hiệp của nhà sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa đã vô tình hoặc cố ý để cho các sản phẩm văn hóa thấp kém, thiếu tính nghệ thuật và giáo dục được lưu hành trong xã hội.
Qua thời gian, vì không bị công luận phản đối, vì không chịu đổi mới nên tạo tiền lệ quản lý yếu kém. Hơn nữa, chính việc cấp phép cho ra những sản phẩm văn hóa hiện đại nhưng thiếu tính nghệ thuật và giáo dục đã vô tình “bóp chết” các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống vốn được xem là tài sản quý giá của dân tộc. Trước khi chương trình chính thức lên sóng hoặc đến với công chúng thì các nhà sản xuất cho quảng cáo, quảng bá sâu rộng, kích thích nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật trong xã hội. Người được hưởng thụ các sản phẩm văn hóa ở các trình độ nhận thức khác nhau cũng thỏa hiệp với chính mình. Họ tự cho mình ăn những món ăn tưởng là nghệ thuật nhưng không mang giá trị nghệ thuật. Xem nhiều thành quen rồi nghiện. Hành vi đó bị tâm lý đám đông xuất phát từ các fan ruột của nghệ sĩ lôi kéo, đã dẫn đến sùng bái thần tượng giả tạo tràn lan trong xã hội mà hệ lụy của nó là hiện tượng “sao kê” đang nổi cộm hiện nay.
Chuyện là, sau khi một cá nhân dám lên tiếng tố cáo các sao truyền hình thực tế, các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên ăn bớt tiền từ thiện thì dư luận đòi những người này phải công khai bản kê trong nhận, chuyển và rút tiền từ tài khoản ngân hàng. Có những nghệ sĩ nổi tiếng đã đưa lên mạng xã hội 1.000 bản "sao kê" dài nhưng vẫn bị cộng đồng mạng phản ứng vì mã số chuyển tiền không chính xác. Phong trào “sao kê” mạnh đến nỗi sau buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào ngày 6-9, khi được hỏi, trả lời báo chí về nghi vấn ăn bớt tiền làm từ thiện, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng-người phát ngôn Bộ Công an đã khẳng định, bộ này sẽ vào cuộc nếu có tố giác vụ lợi, chiếm đoạt tiền từ thiện.
Thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh, đầu tư vào con người, vào giáo dục và văn hóa là đầu tư có hiệu quả bền vững nhất. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có tính cấp thiết, trong đó không thể bỏ qua vai trò của văn hóa. Bởi thước đo của phát triển văn hóa chính là sự phát triển con người.
Thế nên, những sản phẩm văn hóa thuộc nhóm nghệ thuật biểu diễn cũng cần phải được chú trọng đầu tư nghiêm túc, tránh thỏa hiệp trong cấp phép, sản xuất, lưu hành và hưởng thụ. Bởi nếu dễ dàng trong các khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hưởng thụ giá trị văn hóa đích thực trong xã hội. Sản phẩm văn hóa xấu độc xâm nhập vào xã hội khiến cho lối sống phá cách trong giới trẻ được kích hoạt, lan rộng, là một trong những nguyên nhân dễ dẫn tới hiện tượng trẻ em vị thành niên phạm tội hình sự nguy hiểm ngày càng nhiều hơn.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định chủ trương: “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần...”. Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của Quốc hội cũng xác định, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Những cơ sở này đã cho Đảng ta nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của văn hóa với phát triển xã hội bền vững.
Thế nên, muốn để cho văn hóa thực sự là nền tảng của xã hội, việc cấp thiết hiện nay là phải chấn chỉnh các cơ quan quản lý nhà nước về cấp phép, lưu hành các sản phẩm văn hóa nghệ thuật biểu diễn triệt để. Cần xây dựng các tiêu chí và luật hóa kỹ hơn, khắt khe hơn để các sản phẩm văn hóa nghệ thuật biểu diễn được lưu hành, đóng góp xứng đáng vào nâng cao đời sống văn hóa nhân dân, xây dựng nguồn nhân lực xã hội. Các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng bộ tiêu chí, ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời hiện tượng ca sĩ, nghệ sĩ tự phong đang tồn tại nhan nhản trong xã hội. Quản lý các chương trình nghệ thuật quần chúng, nhất là các chương trình, ca khúc tự biên, tự diễn ở các trường phổ thông, trường đại học một cách chặt chẽ, tránh để những sản phẩm kém giá trị văn hóa và nghệ thuật thẩm lậu trong giới trẻ.
Thỏa hiệp dưới bất kể hình thức và ở lĩnh vực nào đều có thể gây hệ lụy xấu cho xã hội. Trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật biểu diễn, sự thỏa hiệp sẽ phải trả giá đắt nếu tiếp tục cho ra những tác phẩm “dưa muối xổi”. Con đẻ của nó sẽ là gì nếu không phải là những nhân cách méo mó, giả tạo.
TS BÀN TUẤN NĂNG