Bệnh nhân V. Đ. H. (42 tuổi), ở Hải Phòng, vừa trở về nước sau khi đi công tác tại Cộng hòa Cameroon. Khi về nước, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, rét run từng cơn, đau đầu, mệt mỏi toàn thân, được người nhà chuyển đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.
Khai thác tiền sử cho thấy bệnh nhân từng sống và làm việc dài hạn tại Cameroon, trước đây từng nhiều lần mắc sốt rét. Thời gian gần đây, bệnh nhân sang Cameroon theo hình thức công tác ngắn ngày (theo tháng), và có trở về Việt Nam sau mỗi đợt làm việc. Đây là lần đầu tiên về Việt Nam người bệnh bị mắc sốt rét.
 |
Bệnh nhân sốt rét ngoại lai hiện đã ổn định và phục hồi sức khỏe. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
|
Kết quả xét nghiệm máu tại Bệnh viện cho thấy bệnh nhân nhiễm Plasmodium falciparum, tác nhân gây sốt rét ác tính, có nguy cơ biến chứng cao. Theo bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó giám đốc thường trực phụ trách chuyên môn bệnh viện cho biết: Bệnh nhân được chẩn đoán là mắc sốt rét ngoại lai (tức là nhiễm bệnh tại nước ngoài nhưng phát bệnh tại Việt Nam), được chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng phác đồ phù hợp, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và phục hồi sức khỏe
Hiện nay Việt Nam đang trong giai đoạn tiến tới loại trừ sốt rét, nhưng muỗi Anopheles, véc-tơ truyền bệnh, vẫn còn tồn tại ở nhiều khu vực. Các ca sốt rét nhập cảnh nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt có thể trở thành nguồn lây bệnh trong cộng đồng. Sốt rét là một căn bệnh nguy hiểm do ký sinh trùng Plasmodium gây ra và lây truyền qua vết đốt của muỗi Anopheles.
Nếu không được điều trị đúng cách, sốt rét có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng bao gồm: Gây thiếu máu nghiêm trọng do ký sinh trùng sốt rét phá hủy hồng cầu, đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ mang thai; tổn thương não gây ra hôn mê và tử vong; gây suy thận, suy gan khiến cơ thể rơi vào nguy kịch; gây phù phổi, khiến bệnh nhân khó thở và suy hô hấp; gây hạ đường huyết khiến người bệnh đối diện hôn mê, thậm chí tử vong.
Để duy trì được thành quả loại trừ sốt rét cũng như chủ động phòng, chống bệnh sốt rét, bác sĩ Trần Huy Thọ khuyến cáo: Đối với người dân khi đi làm, công tác, đi lao động và chuyên gia trở về từ vùng dịch: Cần tìm hiểu kỹ tình hình dịch tễ tại nơi đến. Uống thuốc phòng sốt rét theo chỉ định của bác sĩ. Mang theo màn, vợt, thuốc đuổi muỗi cá nhân. Trong thời gian ở vùng có dịch cần: Ngủ màn tẩm hóa chất, tránh bị muỗi đốt vào ban đêm; Chủ động sử dụng trang phục che chắn, thuốc xua muỗi... Khi người dân đi làm, công tác và lao động trở về Việt Nam cần: Theo dõi sức khỏe trong ít nhất 30 ngày. Nếu xuất hiện triệu chứng như sốt, đau đầu, rét run, vã mồ hôi cần đến ngay cơ sở y tế và thông báo lịch sử đi lại để được xét nghiệm sàng lọc sốt rét.
Trước đó, vào 2 tuần của tháng 6, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã tiếp nhận và điều trị cho 4 trường hợp mắc sốt rét ngoại lai. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, Bệnh viện đã kịp thời điều trị phục hồi khỏi cho 8 trường hợp. Tất cả các ca bệnh đều đi từ các nước có lưu hành sốt rét trở về.
YẾN NHI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.