Hành trình chạm đến chiều sâu lịch sử
Trong đời sinh viên, có những trải nghiệm không thể nào quên, không chỉ vì cảnh đẹp, ẩm thực hấp dẫn hay sự sôi nổi của tuổi trẻ, mà còn vì chạm đến nội tâm sâu lắng, để lại dấu ấn khó phai trong suy nghĩ và cảm xúc của mỗi người. Chuyến đi thực tế về miền Trung của lớp chúng tôi- tập thể sinh viên thuộc Khoa Báo chí (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)- là một hành trình như thế.
 |
Hố bom còn sót lại tại Ngã ba Đồng Lộc - nơi 10 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh trong trận bom ác liệt ngày 24-7-1968. Ảnh: NGỌC HOA |
Trong 5 ngày, 4 đêm rong ruổi qua các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Trị, chúng tôi đã được ghé thăm đến ba địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử: Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị. Đó là những điểm đến không chỉ gợi nhắc về chiến tranh và nỗi đau mất mát, mà còn khơi dậy niềm tự hào, biết ơn và trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với quá khứ hào hùng của dân tộc.
Ngã ba Đồng Lộc - tuổi xuân hóa bất tử
Khi xe vừa đến địa phận thị trấn Can Lộc (Hà Tĩnh), ai nấy trong đoàn bỗng trở nên im lặng. Dưới cái nắng rát mặt của miền Trung tháng 7, Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc hiện ra với vẻ trang nghiêm, trầm mặc. Giữa rừng thông xanh là 10 ngôi mộ nằm kề nhau. Đó là nơi yên nghỉ của 10 cô gái thanh niên xung phong, 10 bông hoa tuổi mười tám đôi mươi đã ngã xuống vào ngày 24-7-1968 khi đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom mở đường cho đoàn xe ra tiền tuyến.
Chúng tôi đứng lặng bên từng nấm mộ, tay cầm nén nhang, lòng ngổn ngang những cảm xúc khó nói thành lời. Cán bộ khu di tích kể rằng, có người trong số họ còn chưa kịp viết thư về nhà, có người chỉ vừa mới nhận được chiếc khăn len mẹ gửi từ quê. Họ ra đi khi còn mang theo biết bao mộng ước và yêu thương dang dở.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 - trầm mặc dưới màu xanh vĩnh cửu
Rời Ngã ba Đồng Lộc, xe chúng tôi tiếp tục vượt đèo, băng qua những cung đường Trường Sơn để đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 - nơi yên nghỉ của hơn mười ngàn chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam khốc liệt. Không gian nơi đây rộng lớn, thoáng đãng, bao phủ bởi sự tĩnh lặng và thiêng liêng đến lạ kỳ.
 |
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 - nơi hơn 10 nghìn chiến sĩ đang yên nghỉ sau những năm tháng chiến đấu anh dũng trên tuyến lửa Trường Sơn. Ảnh: NGỌC HOA |
 |
Hàng bia mộ dưới tán cây xanh - mỗi ngôi mộ là một câu chuyện chưa kể trọn vẹn về sự hy sinh. Ảnh: NGỌC HOA |
Chúng tôi bước giữa những hàng bia mộ trải dài theo sườn đồi, có những ngôi mộ có tên tuổi đầy đủ của các liệt sĩ, nhưng cũng có rất nhiều bia mộ chỉ ghi dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”. Mỗi tấm bia là một câu chuyện chưa được kể trọn vẹn. Những người chiến sĩ ấy đã vĩnh viễn nằm lại đất này. Có bạn trong lớp tôi khẽ thì thầm: “Chắc có người cũng là sinh viên bằng tuổi chúng mình lúc hy sinh…” - một suy nghĩ khiến ai nấy đều nghẹn ngào.
Chúng tôi thắp hương, cúi đầu mặc niệm, không ai bảo ai mà tự động bước chậm lại, nói khẽ hơn. Trong giây phút đó, mọi xô bồ của đời sống hiện đại như lùi xa, nhường chỗ cho sự tri ân và kính trọng.
Thành cổ Quảng Trị - ký ức của máu và hoa
Địa điểm cuối cùng và cũng là điểm đến khiến nhiều người trong đoàn xúc động nhất chính là Thành cổ Quảng Trị- nơi từng diễn ra cuộc chiến đấu khốc liệt kéo dài suốt 81 ngày đêm vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Hơn 20.000 chiến sĩ đã hy sinh để giữ vững từng tấc đất thành cổ này, trong mưa bom, bão đạn và cả lũ dữ sông Thạch Hãn.
 |
Sinh viên dâng hương tưởng niệm 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: GIA BẢO |
Ngày nay, Thành cổ đã được phục dựng và trở thành một công trình tưởng niệm lịch sử nhưng khi bước chân vào khuôn viên Thành, ta vẫn cảm nhận được một không khí rất khác, nặng trĩu và thiêng liêng. Những bức phù điêu bằng đá tái hiện khung cảnh chiến đấu ác liệt. Dòng chữ khắc trên tượng đài khiến ai đọc cũng phải lặng người: “Đây là nơi mỗi tấc đất là một giọt máu.”
Chúng tôi cùng nhau đi dọc bờ thành, tưởng nhớ những chiến sĩ đã nằm lại nơi đây. Có bạn cẩn thận lấy điện thoại và máy ảnh để chụp hình, lưu giữ một phần ký ức quý giá - một điều gì đó cần được nhắc lại, được kể tiếp, không để lãng quên.
Hành trình vượt không gian - trở về với lịch sử
Chuyến đi thực tế lần này không giống những chuyến đi chơi thông thường. Nó không có những khoảnh khắc “check-in” náo nhiệt, không có tiếng nhạc xập xình hay những trò đùa rộn rã suốt hành trình. Nhưng bù lại, chúng tôi đã có một hành trình của cảm xúc - nơi mà mỗi địa danh đặt chân đến đều khơi dậy lòng biết ơn, mỗi câu chuyện được kể lại đều như một thước phim lịch sử chân thực, giúp chúng tôi cảm nhận quá khứ bằng cả trái tim.
 |
Đoàn sinh viên Khoa Báo chí chụp ảnh tại Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: DƯƠNG QUỲNH |
Sau chuyến đi, có người bạn cùng lớp chia sẻ: “Trước giờ mình chỉ học lịch sử để thi. Nhưng sau hành trình này, mình thấy đó là những con người thật, những mất mát thật và cả tình yêu nước thật.” Có lẽ, đó cũng là điều mà chuyến đi mong muốn mang lại: Kết nối thế hệ trẻ hôm nay với lớp người đi trước không bằng khẩu hiệu, mà bằng cảm nhận sâu sắc và chân thành.
Chuyến đi thực tế về miền Trung khép lại, nhưng những cảm xúc và bài học được khơi dậy từ chuyến đi này sẽ còn mãi trong tâm trí chúng tôi như một phần ký ức tuổi trẻ và lý tưởng sống. Chúng tôi trở về giảng đường với hành trang không chỉ là kiến thức, mà còn là niềm tự hào và trách nhiệm: Làm sao để xứng đáng với những người đã ngã xuống, sống sao cho trọn vẹn từng ngày.
3 địa danh - 3 trang sử - một hành trình. Hành trình của ký ức, của tri ân, và trên hết, là của sự trưởng thành...
NGỌC HOA
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.