Đó là những câu chuyện nho nhỏ nhưng sâu lắng, sinh động, đa sắc, với âm điệu rất riêng như rung qua từng câu chữ tạo nên chân dung những con người của một vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ văn hiến.
Nếu như "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán là những tháng ngày chiến đấu chống Pháp sôi nổi của ông hồi nhỏ tuổi, "Tuổi thơ im lặng" của Duy Khán với những nỗi buồn man mác bởi nghèo khó, thì "Tiếng vọng ấu thơ" là những tháng ngày tuyệt đẹp của tác giả lúc niên thiếu, thời kỳ miền Bắc chuẩn bị chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
 |
Bìa cuốn sách "Tiếng vọng ấu thơ" của nhà văn Ngô Vĩnh Bình. |
Người ta nói người nào văn vậy. Văn của Ngô Vĩnh Bình giản dị nhưng sâu sắc, hóm hỉnh và tinh tế. Tuy viết về quê anh-Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, nhưng những phong tục, tập quán trong sách đặc trưng cho cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Anh viết về quê hương, về ngày Tết, về bố, mẹ, anh chị em, về cụ đồ, ông lang, bác chưởng bạ, phó cối, chú Bốn, cụ Ba... trong làng với tình yêu thương gần gũi.
Tôi thích đoạn nói về các món ăn vùng quê được anh vận dụng bằng các câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ rất tài tình. Cơm gạo tám xoan, tương cà, rau, mắm muối, cá, gà, chó... đều vậy, đọc dễ nhớ, dễ thuộc và đúc rút kinh nghiệm: "Chó tháng Ba, gà tháng Bảy", "Rau cần ăn cuống, rau muống ăn lá", và xa hơn là nói về con người: "Gà luộc lại, gái ngủ trưa", "Tiếc thay hạt gạo tám xoan/ Nấu nồi đồng điếu lại chan nước cà...".
Mùa hè sau những tháng ngày đèn sách vất vả, các cô cậu học sinh tuổi mới lớn được đọc những câu chuyện nho nhỏ nhưng sinh động, đa sắc của Ngô Vĩnh Bình chắc sẽ rất thích thú, còn thế hệ chúng ta ắt hẳn lại nhớ những chuyện ngày xưa của mình.
HỒNG SƠN