Những ngày qua, tôi nhận được không ít tin nhắn hỏi về dòng tít nổi bật: “THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐÃ HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG” trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 1-5-1975 - chỉ một ngày sau đại thắng mùa Xuân. Dòng chữ ấy, đỏ rực, to, đậm, mạnh mẽ, xuất hiện trang trọng nhất bên cạnh bài xã luận “Đỉnh cao thắng lợi huy hoàng”, cùng sơ đồ chiến dịch năm cánh quân thọc sâu giải phóng trung tâm Sài Gòn - Gia Định. Nhiều người băn khoăn: “Thành phố Hồ Chí Minh mãi đến 2-7-1976 mới được Quốc hội phê chuẩn chính thức. Vậy có nhầm lẫn gì chăng khi báo chí đã dùng tên gọi ấy trước hơn một năm?”.
 |
Trang nhất số báo Quân đội nhân dân ra ngày 1-5-1975 ngay sau chiến thắng 30-4 lịch sử.
|
Không nhầm đâu. Ngược lại, đó là bản lĩnh của báo chí cách mạng, của tờ báo đã có những nhà báo chiến sĩ thầm lặng sau trận tuyến, vừa cầm súng, vừa cầm bút xông pha nơi tuyến lửa.
Sáng 1-5-1975, khi tiếng súng vừa ngừng, cả đất nước còn ngỡ như trong giấc mơ thống nhất, thì Báo Quân đội nhân dân đã đến với bạn đọc với một dòng tít có thể xem là “lời tuyên ngôn đầu tiên” cho thành phố mang tên Bác. Chỉ bảy từ – “THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐÃ HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG” – nhưng là bảy từ chạm tới trái tim hàng triệu người dân Việt. Tên gọi ấy, khi đó chưa được công nhận bằng văn bản hành chính, nhưng đã được khẳng định bằng tư tưởng, lòng tin và niềm tự hào.
Khi nhìn lại số báo ấy sau 50 năm, tôi không khỏi thán phục. Trong thời khắc giao thời, khi mọi thứ còn ngổn ngang, nhạy cảm, những người làm Báo Quân đội nhân dân đã thể hiện bản lĩnh chính trị, tinh thần dấn thân hiếm có: Dấn thân về tư tưởng. Dấn thân trong trách nhiệm. Dấn thân cả về nghiệp vụ.
Chúng ta thử hình dung, để ra được một tờ báo chỉ sau chưa đầy 24 giờ kể từ khi xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, khi hạ tầng liên lạc chưa ổn định, khi cả nước còn chưa kịp tin hòa bình đã thành hiện thực đòi hỏi không chỉ là tác nghiệp nhanh, mà là một cuộc “hành quân báo chí” thần tốc. Dòng tít ấy chắc chắn đã được cân nhắc, có thể là tranh luận, rồi đi đến quyết định. Và quyết định ấy là một tuyên ngôn bằng con chữ, thể hiện khí phách và chính kiến rõ ràng của một tờ báo hai lần Anh hùng.
50 năm đã trôi qua, nhiều tiêu đề đã đi vào lịch sử bởi lẽ không chỉ hay mà nó được đưa ra trong những thời khắc lịch sử, ẩn chứa những thông điệp, tuyên ngôn sắc bén. Trong dịp kỷ niệm 50 năm non sông liền một dải, tôi được Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân mời chắp bút cho cuốn sách ảnh đặc biệt “TP Hồ Chí Minh 50 năm rực rỡ tên Vàng” xuất bản cuối tháng 4-2025 vừa qua. Qua đó, tôi có dịp khảo cứu, đánh giá một cách hệ thống sự phát triển của thành phố qua những giai đoạn từ sau ngày 30-4-1975 đến nay, và đặc biệt về xung quanh việc TP Hồ Chí Minh chính thức được mang tên Bác khi Quốc hội phê chuẩn vào ngày 2-7-1976. Từ năm 1946, tên Bác đã từng được nhắc đến cho Sài Gòn trong lòng người dân yêu nước, là khát vọng cháy bỏng trong tâm khảm trong những bước chân hùng tráng, thần tốc của các chiến sĩ giải phóng quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhưng chỉ sau ngày giải phóng, niềm tin, khát vọng ấy lần đầu tiên được báo Quân đội nhân dân in đậm trên trang nhất - sớm hơn hơn một năm so với quyết nghị chính thức của Quốc hội ngày 2-7-1976. Đó không phải là “đi trước thời đại”, mà là đứng vững trong thời đại, bằng bản lĩnh và niềm tin. Quá trình khảo cứu ấy càng giúp tôi thấm thía hơn, tên gọi - dù đặt cho nơi đâu, vẫn trước hết nó cần nằm sâu vào tình cảm, tâm nguyện, văn hóa, lịch sử và cả sự kỳ vọng của chính những con người nơi ấy và cả những ai yêu quý vùng đất ấy. Một dòng tít, đôi khi, có thể thay ngàn lời. Nhưng để có được một dòng tít ấy – cần có trái tim nóng, cái đầu tỉnh và đôi chân không ngại dấn bước.
 |
Báo Quân đội nhân dân tổ chức gặp mặt, giao lưu Anh hùng, tướng lĩnh, Cựu chiến binh tại Dinh Độc Lập trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. |
50 năm đã trôi qua, dòng tít ấy vẫn không cũ đi. Trái lại, nó ngày càng sáng rõ trong tâm thức những người làm báo hôm nay – như một biểu tượng của sự dũng cảm, của tư duy đi trước thời cuộc và bản lĩnh chính trị không khoan nhượng. Bởi báo chí cách mạng không chỉ là người ghi chép lịch sử, mà là người góp phần kiến tạo lịch sử. Không chờ đợi sự công nhận hành chính, tờ báo đã nhận diện được chân lý từ hơi thở của thời đại, từ niềm tin của nhân dân, từ sự tất yếu không thể đảo ngược của lịch sử. Chọn “Thành phố Hồ Chí Minh” không đơn thuần là một tên gọi, mà là một tuyên ngôn. Dòng tít năm ấy, vì thế, không chỉ loan báo một chiến thắng, mà chính là sự khẳng định chủ quyền, chính danh, niềm tin và khát vọng thống nhất trong một thời khắc quyết định. Đó là chiến thắng trọn vẹn về quân sự, về chính trị, và đặc biệt là về truyền thông. Ngày hôm nay, khi báo chí bước vào kỷ nguyên công nghệ số, dòng tít ấy vẫn là một chuẩn mực; không phải để hoài niệm, mà để nhắc chúng ta rằng: Bản lĩnh làm báo không nằm ở việc đưa tin sớm hơn ai, mà là dám chọn đúng từ trong thời khắc không thể sai. Và đôi khi, chỉ một dòng tít thôi đã có thể trở thành một mốc son của lịch sử.
ĐẶNG TRUNG KIÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.