Từ những con đường dẫn vào các khu làng, tiếng khèn đã rộn ràng. Những ngày đầu hè rực nắng, sắc váy áo truyền thống của người Mông như bung nở giữa sắc trời và cây cỏ, thắp lên một khoảng không rực rỡ của hội hè, của văn hóa, của bản sắc. Người đến hội không chỉ để xem múa, nghe hát, mà để chạm đến phần linh hồn sâu thẳm của một dân tộc sống bền bỉ với núi rừng, mang trong mình những phong tục, tín ngưỡng vừa mộc mạc, vừa kỳ diệu.
Lễ hội Gầu Tào (theo tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời” hoặc “hội chơi đồi”) từ lâu đã là một nghi lễ quan trọng của đồng bào Mông ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như: Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai. Đây là dịp để cầu phúc, cầu con, cầu an, cảm tạ thần linh, trời đất và cũng là ngày hội cộng đồng, nơi con người gặp gỡ, giao duyên, vui chơi sau những tháng ngày lao động vất vả.
Tùy từng vùng người Mông, lễ hội được tổ chức vào các ngày khác nhau nhưng thường tổ chức từ mồng 3 đến ngày Rằm tháng Giêng. Không gian tổ chức thường là một quả đồi cao, thoáng đãng, cây cỏ xanh mướt, nơi mà họ cho rằng con người như gần hơn với trời đất, tổ tiên.
 |
Chủ lễ và bà con đứng xung quanh cây nêu chuẩn bị thực hiện lễ cúng. Ảnh: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
|
Theo truyền thuyết dân gian kể lại, xưa kia, những cặp vợ chồng người Mông lấy nhau đã lâu mà chưa sinh được con, mà muốn sinh được người con như ý, người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó để khấn cầu thần núi, thần rừng phù hộ. Nếu sau đó người vợ mang thai và sinh được con như ý muốn, gia đình sẽ làm lễ tạ ơn bằng cách tổ chức lễ hội Gầu Tào như đã hứa. Lễ hội từ đó mà hình thành và lưu truyền đến hôm nay, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Mông.
Giữa không gian tái hiện tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, lễ hội được tổ chức trang trọng, đậm chất truyền thống. Một cây nêu cao vút được dựng giữa bãi cỏ, dưới chân là mâm lễ vật gồm gà luộc, bánh giầy, rượu ngô và hương trầm nghi ngút khói.
Theo nghệ nhân Giàng Thị Má (người Mông sinh sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam), cây nêu được chọn phải cao, thẳng đứng, có ngọn vươn về phía mặt trời mọc. Trước khi dựng, người ta tỉa sạch cành lá phần thân dưới, chỉ giữ lại tán lá xanh ở ngọn như một cách kết nối giữa đất và trời. Trên đỉnh cây nêu, một miếng vải đỏ được buộc cẩn thận. Đó vừa là dấu hiệu mời “ma nhà” (tổ tiên) về dự hội cùng con cháu, vừa là biểu tượng mặt trời, phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp sơ khai của người xưa gắn với mặt trời.
Từ sáng sớm, đồng bào đã tề tựu về đây. Người già dắt trẻ nhỏ, trai gái Mông rộn ràng váy áo mới, cùng bước chân đi hội. Sau phần nghi lễ, những bài khèn ngân vang, vũ điệu truyền thống uyển chuyển giữa đồi cỏ, trò chơi dân gian như đẩy gậy, đánh tu lu, ném pao, ném còn… diễn ra sôi nổi, cuốn hút cả người xem lẫn người tham dự.
 |
Lễ hội Gầu Tào được tái hiện không chỉ là ngày hội, mà còn là dịp để giáo dục con cháu về cội nguồn, bản sắc. Ảnh: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
|
Nhưng sâu hơn trong niềm vui là cả một mạch chảy văn hóa được trao truyền. Với người Mông, lễ hội không chỉ là ngày hội, mà còn là dịp để giáo dục con cháu về cội nguồn, bản sắc. Những cô gái Mông tập múa khèn, các chàng trai tự tay vót tu lu, các cụ già kể lại cho lớp trẻ về truyền thuyết của lễ hội, về cách dựng cây nêu, cách đặt lễ vật cúng thần linh. Ở đó, lễ hội Gầu Tào trở thành một lớp học mở, nơi mọi thế hệ cùng sống trong ký ức văn hóa và tái tạo niềm tin truyền thống.
“Nghe tiếng khèn và nhìn điệu múa xòe nhịp nhàng, cây nêu sừng sững giữa đất trời, tôi thấy như một phần hồn của núi rừng Tây Bắc cũng hiện diện nơi đây. Chúng tôi rất vui và tự hào khi lễ hội Gầu Tào của người Mông được tái hiện giữa ngày hội dưới xuôi như thế này. Không chỉ bà con người Mông mà cả du khách bốn phương cũng có dịp hiểu thêm về phong tục, văn hóa của chúng tôi. Đó là niềm vui lớn, vì lễ hội của đồng bào mình không bị mai một mà còn được Nhà nước quan tâm, gìn giữ”, nghệ nhân Giàng Thị Má chia sẻ đầy tự hào.
Ông Trịnh Ngọc Chung, Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: "Những năm gần đây, Lễ hội Gầu Tào được Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với bà con người Mông để tái hiện, trở thành một phần trong sinh hoạt cộng đồng tại làng. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, lễ hội còn là dịp để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Chúng tôi cũng phối hợp cùng các nghệ nhân, già làng để truyền dạy nghi lễ, trò chơi, làn điệu truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời gắn hoạt động lễ hội với phát triển du lịch cộng đồng".
PHẠM THỨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.