Bùi Việt Sỹ nói như là đang sáng tác truyện ngắn. Rồi nhà văn Bùi Việt Sỹ phán một câu làm tôi ngao ngán: Làm phò mã sướng thế đấy. (Ý Bùi Việt Sỹ muốn nói đến Đào Thắng lấy chị Như, con gái nhà văn Nguyễn Đình Thi). 

Tôi đã nghe nói anh Đào Thắng bị mù cả 2 mắt sau khi mổ mắt ở bệnh viện. Khi anh ấy nhớ cơ quan muốn đến chơi, chị Như đã nhiều lần đưa anh Đào Thắng đến Văn phòng Hội. Mà đến chơi với ai, khi bạn bè cùng trang lứa ở Hội nhà văn đã không còn ai ở cơ quan. Họ nhiều tuổi rồi, và ốm và đau...

leftcenterrightdel

 Đại tá, nhà văn Đào Thắng. Ảnh tư liệu

Sau những câu chuyện dài lê thê với Nhà văn Bùi Việt Sỹ qua điện thoại, tôi bảo nhà văn họ Bùi: Chiều em sẽ đến thăm anh Đào Thắng.

Chiều mát, tôi lên phố Điện Biên Phủ. Những ngày nghỉ dài, phố xá lưa thưa người. Ấn tượng tắc đường như là thời xa vắng.

Tôi điện cho chị Như, vợ anh Đào Thắng. Chị ra đón tôi ở số 28 phố Điện Biên Phủ. Khu tập thể "nhà binh" ngày nghỉ lễ lưa thưa người. Trẻ con chạy lăng xăng trong sân. Số nhà 18, tôi nhớ. Cửa sắt đã cũ han rỉ, khóa mở. Tôi hỏi chị Như: Anh Đào Thắng ở phòng nào. Chị chỉ lên gác và nói: Bác Thắng ở tầng 2. Len qua hành lang chật, tôi nhìn thấy một hình người, gầy guộc nằm còng kheo. Tóc bạc trắng, mặt da nhăn nheo. Mắt trắng dã, lờ đờ nhìn đâu đâu. Tôi không thể hình dung đấy là Đại tá, nhà văn Đào Thắng to béo phương phi ngày nào vẫn ra vào Hội Nhà văn số 9 Nguyễn Đình Chiểu.

Tôi gọi: Anh Đào Thắng ơi, em Lộc của anh đây. Anh có nhận ra em không. Anh giơ hai tay lên không trung. Những ngón tay di động như không điều khiển được. Anh nói những câu gì tôi nghe không rõ. Chị Như bảo: Để tôi dìu anh ấy dậy. Tôi bảo không nên, cứ để anh ấy nằm thế. Nhưng chị đã đỡ anh ấy, bế anh ra thành giường và vực anh ấy ngồi dậy. Ấn tượng đầu tiên của tôi là bệnh tật đã biến Đào Thắng thành một con người hoàn toàn khác. Anh nói đâu đâu. Anh giơ tay như tìm cái gì đấy nhưng không làm chủ được. Tôi buồn lắm. Nói cái gì lúc này vào những ngày cuối cùng của một nhà văn đã từng được giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật.  

*  *  *

Tang lễ Đào Thắng ở Bệnh viện Hữu Nghị. Tôi bật khóc và nói một câu như một phản xạ không chủ động được khi đứng trước linh cữu anh: Anh Đào Thắng ơi. Em Lộc đây. Anh khổ quá. Thôi! Trời đất giải thoát cho anh! Nhưng rồi rất nhanh, tôi kiềm chế lại được. Tôi vái trước di ảnh anh một vái và bước về phía chị Như, vợ anh Thắng. Trong bộ đồ tang trắng, chị Như ôm chầm lấy tôi khóc nức nở, mặc cho mọi người trong đám tang đang đổ mắt nhìn.

Thế là nhà văn Đào Thắng đã ra đi. Nghĩ về Đào Thắng, tôi nhớ một nhà văn có nhân cách thẳng thắn và trong sáng. Trong sáng như một giọt nước suối. Những nhân vật anh viết trong tiểu thuyết Dòng sông mía thời nông thôn trước đổi mới nó nhí nhố, đa đoan và rất nhà quê thì con người anh đời thực lại rất chỉn chu. Nhà thơ Hữu Việt đứng bên cạnh tôi nói: Anh ấy cả đời hiền lành!

Nghĩ về Đào Thắng, tôi nghĩ đến một nhà văn đức độ, mẫu mực. Sau mỗi kỳ giải thưởng Nông nghiệp, Giao thông vận tải, Thương binh liệt sĩ... có người được giải mang quà đến cảm ơn Ban Văn học chuyên đề. Anh Đào Thắng bắt trả lại hết. (Mà quà cho nhà văn chỉ là cân mực, túi hoa quả hay túi kẹo lạc). Thấy anh dùng điện thoại loại "cục gạch", tôi tặng anh cái điện thoại mới. Anh dứt khoát không nhận và cho đến ngày anh ra khỏi phòng làm việc của ban văn học chuyên đề, anh vẫn dùng cái điện thoại "cục gạch" ấy. Tôi giải thích được tại sao Ban Văn học chuyên đề ngày ấy được tặng bằng khen. Và anh Đào Thắng đã cho treo trang trọng cái bằng khen ấy trên tường nhiều năm.

Những nhà văn cao tuổi, một thế hệ vàng các nhà văn nổi tiếng làm nên nền văn học chống Mỹ, cứu nước đang lần lần lượt ra đi. Mỗi người ra đi, họ gói lại mang theo những cuốn tiểu thuyết của riêng mình và những bí ẩn mà ta không thể khai thác được nữa.

Hà Nội, ngày 24-4-2024

Nhà thơ LÊ TUẤN LỘC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.