Làm mới để thu hút khán giả
Liên hoan năm nay có sự tham gia của 250 diễn viên đến từ 11 đơn vị với 16 vở diễn, trong đó có 9 vở tuồng và 7 vở dân ca kịch. Suốt những ngày diễn ra liên hoan, sân khấu của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An luôn đầy ắp khán giả. Đây là thành công không phải liên hoan nghệ thuật truyền thống nào cũng có được.
“Cô thần” là vở diễn dân ca kịch được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định dàn dựng công phu, với sự tham gia của gần 40 nghệ sĩ, diễn viên. Vở diễn kể về Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, một mưu sĩ tài ba dưới thời Tây Sơn. Vở diễn ca ngợi tinh thần trung quân ái quốc thời xưa, nhưng đến nay, tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị khi một đất nước muốn hưng thịnh phải cần những người lãnh đạo có trí tuệ và những bậc hiền tài yêu nước, thương dân.
 |
Một cảnh trong vở diễn “Chiếc áo thiên nga” của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh. |
Nghệ sĩ Ưu tú Kim Châu cho biết: “Chúng tôi sử dụng nhiều màn ứng biến linh hoạt; tạo cao trào của kịch bằng cách làm rõ sự đối lập giữa một bên là nhân vật trung thần Trần Văn Kỷ và một bên là gian thần Hồ Đắc Tuyên. Vở diễn sử dụng nhiều lớp múa phụ họa, cộng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng lúc mềm mại, lúc hào hùng, vừa giữ được nét đặc trưng của dân ca, vừa mang sức sống, hơi thở hiện đại”.
Đến với liên hoan năm nay, các vở tuồng đều có sự đổi mới từ nội dung đến hình thức. Trang phục, tiết tấu âm nhạc có hơi thở hiện đại hơn, góc nhìn mới, lời thoại dung dị, dễ đi vào lòng khán giả. Nghệ thuật tuồng mang tính ước lệ cao, dù làm cho vở diễn gần gũi với khán giả nhưng các tác phẩm vẫn giữ được nét đặc trưng cơ bản của tuồng. Với vở “Chiếc áo thiên nga”, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh mang đến liên hoan một màu sắc nhẹ nhàng về chủ đề tình yêu đôi lứa. Chuyện tình của nàng Mỵ Châu và chàng Trọng Thủy được kể lại ở góc nhìn của người trong cuộc với những nét đặc trưng của nghệ thuật tuồng và mang một chút hơi thở hiện đại.
Đạo diễn Đông Hồ bộc bạch: “Thông thường, đến với hội diễn tuồng và dân ca kịch, các đoàn nghệ thuật sẽ đầu tư những vở diễn lịch sử mang đề tài chính trị, sử thi hoành tráng, nhưng để làm mới mình, đoàn chúng tôi mang đến một chủ đề nhẹ nhàng về tình yêu. Thay vì trước đây sử dụng những hiệu ứng âm nhạc truyền thống, giờ đây, chúng tôi nhấn nhá một chút đàn tranh và âm nhạc hiện đại; trang phục được thiết kế tỉ mỉ, đẹp mắt, phù hợp với từng vai diễn”.
Nghệ sĩ Ngọc Giàu (Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh) đã diễn tuồng từ khi 15 tuổi. Đến nay, chị có hơn 15 năm gắn bó với loại hình nghệ thuật này. Ngọc Giàu tâm sự: “Vai diễn Mỵ Châu trong “Chiếc áo thiên nga” là một nhân vật có nội tâm phức tạp.
Để làm tốt vai diễn, tôi đã dày công tìm hiểu về tâm lý nhân vật, tôi đọc truyện, xem các tư liệu, học hỏi kinh nghiệm diễn xuất từ những nghệ sĩ đi trước. Không chỉ vai diễn lần này mà bất kỳ vai diễn nào, tôi cũng cố gắng đầu tư nhiều công sức, "cháy" hết mình trên sân khấu để mang đến những vai diễn trọn vẹn, lột tả được tâm lý nhân vật cũng như tư tưởng của vở diễn”.
“Tiếp lửa” cho nghệ thuật truyền thống
Hơn hai năm qua, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến quá trình luyện tập chuẩn bị cho liên hoan của các đoàn nghệ thuật. Việc tập trung đủ lực lượng diễn viên, nghệ sĩ và các thành viên sáng tạo trong quá trình dàn dựng luôn bị gián đoạn khiến kế hoạch luyện tập kéo dài so với dự định ban đầu. Dù vậy, các đoàn đều chủ động khắc phục, tập luyện ngày đêm với mong muốn mang đến liên hoan những vở diễn chỉn chu, chất lượng nhất.
 |
Một cảnh trong vở diễn “Cô thần” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định. |
Để dàn dựng được hai vở tuồng: “Hồn thiêng sông núi” và “Hóa Nhật muôn dân” với các chủ đề “nóng” về công cuộc chống tham nhũng và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, ê kíp của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế phải mất ròng rã nhiều tháng liền.
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế chia sẻ: “Điều đáng trân trọng tại liên hoan lần này là sân khấu luôn đông đảo khán giả, chứng tỏ tuồng và dân ca kịch vẫn có một vị trí nhất định trong lòng công chúng. Khán giả xem rất chăm chú, sau mỗi phân đoạn đều dành những tràng pháo tay rộn ràng khiến các nghệ sĩ, diễn viên cảm thấy rất ấm lòng và thăng hoa trên sân khấu”.
Một điều đáng mừng trong liên hoan lần này là có sự tham gia của dàn diễn viên, nghệ sĩ trong độ tuổi “chín nghề”. Mặc dù đời sống, thu nhập của các nghệ sĩ dòng nghệ thuật truyền thống còn thấp nhưng lòng đam mê, yêu nghề, yêu từng lời ca, tiếng hát của tuồng và dân ca kịch đã níu giữ họ ở lại trong thời gian dài.
Tuy vậy, phải nói rằng khó khăn nhất của nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là tuồng, là đang thiếu diễn viên trẻ, vắng bóng nguồn kế cận. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là chế độ, chính sách cho nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống còn quá thấp so với những ngành, nghề khác.
Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Hạc trải lòng: “Nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống chịu nhiều thiệt thòi, dù là những người giữ nét tinh hoa văn hóa của dân tộc nhưng khán giả không mấy quan tâm. Hai năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các nhà hát không có lịch diễn, lương thấp, nghệ thuật truyền thống “kén” người xem nên không bán được vé, nay lại phải tự chủ tài chính khiến càng khó khăn”.
Điều đáng tiếc là khi về tham gia liên hoan, các đoàn đều tâm sự không thể ở lại lâu để xem các đội bạn biểu diễn, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm... bởi không đủ kinh phí.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam nói: “Trước khi đến với liên hoan, nhà hát gặp khó khăn về vấn đề tự chủ tài chính. Để bảo đảm cho cuộc sống của các diễn viên tuồng, nhà hát buộc phải lấy nguồn thu xã hội hóa từ các loại hình nghệ thuật khác để bù đắp, trang trải cho nghệ thuật tuồng. Tôi mong rằng sau liên hoan lần này, các cơ quan chức năng, ban, ngành sẽ nhìn nhận rõ thực trạng phát triển của nghệ thuật truyền thống để có những chính sách đãi ngộ cho đội ngũ diễn viên nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng.
Thiết nghĩ, Nhà nước cần có chế độ đặc thù đối với nghệ thuật truyền thống để giữ chân nghệ sĩ cũng như thu hút diễn viên trẻ, nuôi dưỡng những tài năng mới”.
Nhiều nghệ sĩ cũng rất băn khoăn trước chủ trương sáp nhập các loại hình nghệ thuật truyền thống. Các nghệ sĩ đều cho rằng, việc sáp nhập các loại hình nghệ thuật truyền thống thành một là chưa hợp lý, bởi nghệ thuật mang tính chuyên sâu, khác với các cơ quan hành chính. Các loại hình nghệ thuật truyền thống tụ lại một nơi sẽ lẫn lộn, mất đi nét đặc trưng, “nghiệp dư hóa”, lâu dần, chất lượng đi xuống, phai mờ và mất hẳn.
Dù cuộc sống và nghệ thuật truyền thống có khó khăn, nhọc nhằn nhưng khi lên sân khấu, các nghệ sĩ, diễn viên đã tạm quên đi những vất vả để say sưa với vai diễn, cống hiến hết mình cho khán giả. Mong rằng liên hoan lần này không chỉ để đánh giá chất lượng nghệ thuật truyền thống mà còn là dịp để nhìn nhận thực trạng phát triển, từ đó có những quyết sách “tiếp lửa” cho nghệ thuật truyền thống được nuôi dưỡng đủ đầy và chảy mãi trong mạch nguồn văn hóa dân tộc.
Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ