Đến nay sau gần 40 năm kể từ ngày ra mắt lần đầu, đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ cùng tập thể diễn viên Nhà hát tuồng Việt Nam tiếp tục phục dựng theo hướng hiện đại. Trong buổi ra mắt mới đây, vở tuồng đã gây được ấn tượng mạnh mẽ trong dư luận. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ xung quanh vở tuồng trên.

- Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, lý do gì ông và Nhà hát Tuồng Việt Nam quyết định phục dựng vở tuồng “Không còn đường nào khác”?

- Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ: Vở tuồng phục dựng từ năm 1994 được chỉnh sửa lại để tham gia Liên hoan sân khấu về hình tượng Bác Hồ. Bây giờ phục dựng lại lần thứ hai. Nhà hát đã mời tôi biên tập chỉnh sửa, nâng cao lại vở diễn. Tôi đã viết và dựng thêm cảnh diễn để vở diễn tăng thêm tính thời sự. Tác phẩm gần như được bố cục thêm mới. Đặc biệt việc hình tượng của Bác xuất hiện trong lớp cao trào của vở diễn cho phép chúng tôi tạo ra dấu ấn về nghệ thuật, nâng cao chất lượng, tôn vinh giá trị nghệ thuật tuồng đi vào đề tài hiện đại, làm giàu cho vốn nghệ thuật truyền thống.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ. 

Buổi công diễn vừa qua còn là để báo cáo cho lãnh đạo bộ về nội dung, hình thức, chất lượng nghệ thuật, đồng thời cũng nhằm chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2022).

- PV: Để phục dựng vở tuồng hiện đại có đời sống tự nhiên, dung dị, gần gũi với con người đương đại, ông và Nhà hát tuồng Việt Nam phải vượt qua những thách thức nào?

- Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ: Sân khấu truyền thống có những trình thức, tính ước lệ. Bởi vậy, yêu cầu đạo diễn và các diễn viên phải có trách nhiệm lớn. Vì “Tuồng” đi vào hiện đại là một việc rất khó, đặc biệt đề tài nói về người thực, việc thực trong phong trào đồng khởi của nhân dân Bến Tre những năm 1959. Yêu cầu này đòi hỏi e-kíp phải sáng tạo phải nắm chắc được cấu trúc. Tính tự sự, kịch tính, trữ tình là ba yếu tố quan trọng của sân khấu “Tuồng”. Phải có khả năng nâng cao được những mảng miếng để tạo nên “trò diễn” hay.

leftcenterrightdel
Cảnh cô Ba Định đứng trước Tượng đài Đồng khởi Bến Tre. Ảnh Thúy Ten 

Trong sân khấu tuồng có câu: “Có tích mới dịch nên trò”. Vậy khi có “tích” về bà “Ba Định” thì toàn bộ “trò” phải xoay quanh câu chuyện của bà “Ba Định”; dựa vào thực tế của đời sống, để cách điệu ước lệ, đẩy “trò” lên, nhằm mỹ lệ hóa hoàn cảnh, khoe ra thẩm mỹ của nghệ thuật thông qua hát, múa, diễn. Sân khấu phải tả, nhấn vào sự vật, sự việc nhằm bộc lộ con người nhân vật.

Bác Hồ từng đánh giá: Tuồng tốt đấy, nhưng cần phải cải tiến, chớ “gieo vừng ra ngô”. “Tuồng” cũng có tính hiện đại là không bị ràng buộc trong cách “nói lối”. Sân khấu tuồng trước kia không trang trí nhiều như bây giờ. Hiện nay trên sân khấu từ trang phục, lời thoại đến các động tác hình thể, chỉ cách điệu lên chứ không xa lạ với giới trẻ ngày nay. Cảnh mới Bác Hồ hát tuồng một câu trong vở diễn, khán giả đã vỗ tay nhiệt liệt. Chứng tỏ họ chấp nhận sự sáng tạo này. Tính hiện thực đời sống diễn ra trên sân khấu tác động trực tiếp đến con người họ ngày nay.

leftcenterrightdel
 Cảnh Bác Hồ xuất hiện trong lớp giấc mơ của cô Ba Định. Ảnh Thúy Ten

- PV: Trong buổi công diễn vừa qua có phân nửa là các bạn trẻ. Ông có thông điệp gì mang ý nghĩa giáo dục muốn gửi gắm?

- Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ: Thông qua vở tuồng đã mang lại bài học lịch sử sâu sắc và chân thật cho lớp trẻ. Từ những con người có thực gắn với đời sống của xã hội hiện đại ngày hôm nay, và đặc biệt những tình cảm thời chiến tranh tác động trực diện đến người xem ngày nay mà không phải thông qua lăng kính nào khác để tiếp cận.

Giới trẻ vừa được thưởng thức giải trí, vừa tiếp thu bài học lịch sử về bà Nguyễn Thị Định, nữ tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Với tinh thần bất khuất vì nghĩa quên thân, hy sinh toàn bộ cuộc đời cho công cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. Lòng yêu nước được đặt lên trên hết!

Bên cạnh đó, hình tượng Bác Hồ cho thấy, dù Bác không thể có mặt trên mọi miền Tổ quốc, nhưng những nỗi đau thương, mất mát của nhân dân miền Nam, Bác luôn quan tâm từng giây, từng phút. Bác vui niềm vui của đồng bào và đau nỗi đau của đồng bào Nam bộ. Đó là một hình tượng vĩ đại của dân tộc để thế hệ trẻ noi theo.

Cuối cùng là làm cho thế hệ trẻ thấy được cái hay của môn nghệ thuật tuồng truyền thống. Mong rằng trong tương lai tuồng sẽ tiếp tục được bảo tồn, lưu giữ rộng rãi trong lòng công chúng.

leftcenterrightdel
Cảnh cô Ba Định đứng bên Tượng đài Đồng khởi Bến Tre. Ảnh Thúy Ten 

- PV: Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19, quá trình tổ chức và phục dựng vở tuồng “Không còn đường nào khác” có gì khó khăn thưa ông?

- Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ: Ngày nào cả đoàn cũng thấp thỏm xem có diễn viên mắc Covid không. Ai âm tính với Covid thì tập, dương tính thì nghỉ. Vì tránh dịch nên phải tập cuốn chiếu, có người nào tập người đấy, có cảnh nào tập cảnh đấy. Đạo diễn phải đứng xa chỉ đạo, không thể cầm tay chỉ việc từng diễn viên, nên không khí rất mệt mỏi và căng thẳng.

Nghệ thuật truyền thống phải có sự đồng bộ của âm nhạc và hội họa. Ví dụ cả dàn nhạc 10 người phải phục vụ cho một nghệ sĩ trên sân khấu, rồi giọng nam, giọng nữ phối hợp khác nhau. “Dàn nhạc là nước, diễn viên là thuyền”. Trong lúc tập, nếu dàn nhạc có người bị Covid mà không thể tìm được người thay thế thì diễn viên cũng phải thay vào đánh nhạc.

Một khó khăn khác là kinh phí luyện tập và biểu diễn rất ít ỏi. Một buổi tập, vai chính được 80.000 đồng, vai phụ 60.000 đồng. Khi biểu diễn, vai chính được 200.000 đồng, vai phụ được từ 160.000 đồng. Có những nhạc công rất giỏi nhưng vì lương thấp phải bỏ nghề. Nhiều người phải đi làm thêm nghề khác để sinh nhai. Ví dụ như Nghệ sĩ Ưu tú Trần Long (trong vai Bác Hồ) vừa diễn tuồng vừa đi làm MC để kiếm thêm.

leftcenterrightdel
Một cảnh trong vở diễn 

- PV: Buổi công diễn ra mắt mới đây, vở tuồng đã tạo được sự sống động trên sân khấu và gây xúc động cho người xem, thậm chí nhiều người rơi nước mắt. Vậy trong thời gian tới ông có dự tính gì mới cho các vở diễn tiếp theo?

- Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ: Với cá nhân tôi sẽ tiếp tục tìm cảm hứng, tập trung sáng tác đề tài hiện đại cho Nhà hát tuồng Việt Nam và cho những đơn vị nghệ thuật tuồng khác. Cố gắng khai thác và tìm kiếm những đề tài mới, thậm chí chuyển thể các tác phẩm văn học hay, phù hợp với sân khấu tuồng để dựng vở.

Bên cạnh đó tôi rất mong muốn trong tương lai sẽ tổ chức những cuộc hội thảo bàn về sự đổi mới cách tân cho tuồng hiện đại, để tuồng ngày càng đi vào đời sống, gần gũi với khán giả nói chung và đặc biệt là khán giả trẻ nói riêng. Tuồng không chỉ mang tính truyền thống mà còn phải hiện đại, làm giàu và phát triển lên, nếu không sẽ khó đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đa dạng của khán giả hôm nay.

- PV: Trân trọng cảm ơn ông!

THÁI PHƯƠNG