Trong chương trình báo cáo “Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ”, nhà hát đã giới thiệu 4 trích đoạn được coi là mẫu mực, đặc sắc nhất của nghệ thuật tuồng, gồm: “Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội”, “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, “Ôn Đình chém Tá”, “Trần Quốc Toản ra quân”, các nghệ sĩ đã mang đến sức hấp dẫn riêng với trang phục, hóa trang, không gian sân khấu thiết kế bắt mắt dựa trên kỹ thuật ánh sáng và phông nền trình chiếu 3D hiện đại. NSƯT Lộc Huyền, Trưởng đoàn Thể nghiệm của Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: “Đối tượng của chương trình hướng tới giới trẻ nên đoàn đã lựa chọn các gương mặt nghệ sĩ trẻ tham gia biểu diễn. Đây là những gương mặt tài năng hứa hẹn nhiều triển vọng của nghệ thuật tuồng, sau khi tham gia khóa đào tạo trực tiếp, kết hợp giữa nhà hát và Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Người trẻ diễn phục vụ người trẻ sẽ mang tới sự tương tác và đồng cảm cao hơn”.

leftcenterrightdel
Trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” do hai diễn viên trẻ Quỳnh Liên và Mạnh Linh thể hiện. 

Mỗi tiết mục trình diễn được kết cấu chặt chẽ, phô diễn được những đặc trưng, tinh hoa, trình thức diễn của tuồng cổ với những quy tắc, lề lối của hát, múa, biểu diễn, hóa trang... phù hợp với cảm thụ của từng đối tượng người xem. Không đơn thuần chỉ biểu diễn mà các nghệ sĩ còn trực tiếp giao lưu với khán giả bằng việc trao đổi, giải đáp những câu hỏi để giúp khán giả tìm hiểu về nghệ thuật tuồng ở nhiều góc cạnh.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: “Sự phát triển của xã hội kéo theo các loại hình giải trí phát triển mạnh mẽ, trong khi tuồng vẫn phải giữ vững các yếu tố truyền thống và rất khó để làm mới. Việc tìm hướng đi cho tuồng luôn là trăn trở của chúng tôi. Cần phải có một mô hình phù hợp để giới thiệu nghệ thuật tuồng trong các trường học cũng như mong muốn được phục hồi trở lại dự án “Sân khấu học đường” nhắm tiếp cận và kéo khán giả đến với tuồng truyền thống nhiều hơn”.

Cùng với triển khai chương trình mới, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã xây dựng trang YouTube riêng để đăng tải các trích đoạn, các vở tuồng đặc sắc nhất do các nghệ sĩ của nhà hát thực hiện. Những video này thu hút hàng trăm nghìn lượt xem của khán giả khắp nơi theo dõi và nhận được những phản hồi rất tích cực từ phía khán giả trên khắp cả nước và quốc tế. Bên cạnh đó, nhà hát liên hệ với các đài truyền hình để phối hợp ghi hình, phát sóng chương trình thuộc đề tài lịch sử, hiện đại, dân gian để chuyển tải nghệ thuật tuồng đến công chúng. “Định hướng sử dụng “số hóa” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với nghệ thuật biểu diễn vừa có thể duy trì, bảo tồn các giá trị nghệ thuật của dân tộc, đồng thời cũng tạo nên món ăn tinh thần cho người dân và cũng là tiếng nói của những người nghệ sĩ để thể hiện một phần nhỏ đóng góp của mình trong công cuộc phòng, chống dịch cũng như thích ứng với đời sống hiện đại”, ông Phạm Ngọc Tuấn cho hay.

Theo đánh giá của NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ đưa ra cách thức tiếp cận mới hiệu quả, làm cho người trẻ từ biết, rồi hiểu và gần gũi hơn với tuồng. Đây cũng chính là phương thức biểu diễn và đào tạo lớp khán giả mới mang tính khoa học, phù hợp và cũng là cách bảo tồn nghệ thuật truyền thống hiệu quả, bền vững, cần thiết của nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật tuồng nói riêng. 

Bài và ảnh: MINH ANH