Sự đa dạng về đề tài, thể loại trong các tác phẩm điện ảnh chính là điểm nhấn thể hiện ở kỳ Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 22 vừa diễn ra tại TP Huế.

 “So cả lũy tre để chọn cột cờ”

Tranh giải Bông sen vàng năm nay ở hạng mục "Phim truyện điện ảnh" gồm 17 bộ phim, mà khi nhắc đến chắc hẳn khán giả yêu điện ảnh đã khá ưng ý: “Chị Mười Ba (2)-3 ngày sinh tử”, “Mắt biếc”, “Tiệc trăng máu”, "Bố già"... Đây là những phim đạt doanh thu cao trên 100 tỷ đồng; nổi bật là phim “Bố già”, có thể gọi là “hiện tượng” khi thiết lập kỷ lục doanh thu 400 tỷ đồng trong nước, 1 triệu USD tại thị trường Mỹ và còn tiếp tục gia tăng khi nhà phát hành đang mời chào tới nhiều quốc gia khác.

 Đoàn làm phim "Mắt biếc" nhận giải Bông sen vàng cho "Phim truyện điện ảnh" xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 22.

Đạo diễn, nhà sản xuất phim Lý Minh Thắng, thành viên Ban giám khảo LHP Việt Nam lần thứ 22 nhận xét: “Dù vướng phải đại dịch Covid-19 nhưng hai năm qua, các tác phẩm tranh giải ở LHP đã “bùng nổ” về mặt doanh thu phòng vé một cách bất ngờ, đó là tín hiệu rõ ràng cho thấy chất lượng đầu tư của các sản phẩm điện ảnh hiện nay rất cao, kể cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Bên cạnh những phim đã được công chiếu, thì ở LHP còn có sự góp mặt của nhiều tác phẩm chất lượng cao chưa công chiếu trước khán giả, tạo thành một bức tranh vô cùng đa dạng và đầy màu sắc của điện ảnh Việt thời gian qua”. 

Chia sẻ thêm về giải thưởng quan trọng nhất của LHP Việt Nam lần thứ 22-giải Bông sen vàng dành cho phim “Mắt biếc”-đạo diễn Lý Minh Thắng cho biết, bộ phim hoàn toàn xứng đáng giành giải cao nhất. Câu chuyện phim tuy đơn giản nhưng cách kể không đơn điệu, khiến cho người xem kết nối được với bộ phim, dìu dắt tốt cảm xúc người xem. Đặc biệt là bộ phim đã khơi dậy tình yêu tồn tại bên trong nhưng không thường được kể ra của mỗi chúng ta.

Đánh giá chung về chất lượng phim dự thi năm nay, Trưởng ban giám khảo hạng mục "Phim truyện điện ảnh", đạo diễn, NSƯT Nguyễn Vinh Sơn cho biết: “Có những kỳ LHP mà chúng tôi thường nói với nhau rằng phải “so bó đũa chọn cột cờ” nhưng năm nay, chúng tôi đã so cả lũy tre để chọn cột cờ. Đó vừa là khó khăn vừa là niềm phấn khởi cho điện ảnh Việt. Với tôi, một tác phẩm có cảm xúc thì phải có gì mới, độc đáo và sáng tạo. Một tác phẩm xuất sắc là sau khi xem xong, bật đèn lên khán giả cảm thấy bản thân hạnh phúc và có những nhân vật, chi tiết, hay điều gì đó còn đọng lại trong tâm trí”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó trưởng ban tổ chức LHP Việt Nam lần thứ 22 thì cho hay: “Những bộ phim được xướng tên lên bục nhận giải là những phim tạo ra sự khác biệt, chạm đến cảm xúc và trái tim người xem. Đó chính là những tác phẩm nghệ thuật thành công”.

Khai thác văn hóa bản địa để phim Việt vươn xa

Tại LHP Việt Nam lần thứ 22, lần đầu tiên có giải thưởng đặc biệt của tỉnh đăng cai-tỉnh Thừa Thiên Huế-trao cho bộ phim lấy bối cảnh chính của Huế, phim “Mắt biếc” cũng đã giành vinh dự nhận giải thưởng này. Theo nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, giải thưởng này sẽ tạo động lực và khuyến khích các nhà sản xuất trong việc tìm kiếm kịch bản cũng như bối cảnh của nhiều địa phương đang sở hữu những di sản văn hóa, lịch sử, du lịch vô cùng quý báu của dân tộc. Khai thác yếu tố văn hóa bản địa, cảnh quay, câu chuyện, con người... của vùng đất đó đưa lên màn ảnh rộng có ý nghĩa tôn vinh văn hóa dân tộc, đồng thời mở ra mối liên kết giữa sản xuất các tác phẩm nghệ thuật với phát triển du lịch. “Nếu các địa phương mở rộng vòng tay chào đón các nhà sản xuất, đoàn làm phim, tạo điều kiện để chúng tôi có thể thực hiện cảnh quay tại các khu di sản, du lịch sẽ là hình thức kết hợp quảng bá du lịch rất hiệu quả. Đây cũng là bài học mà nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản... đã thành công”, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh chia sẻ.

Việc bổ sung hai giải thưởng “Kỹ xảo phim truyện điện ảnh xuất sắc” và “Đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc” là nét mới tại LHP năm nay, cho thấy sự hợp lý trong bối cảnh điện ảnh Việt phát triển đa dạng và đang ở giai đoạn bứt phá, để bước vào hành trình đi đến một nền công nghiệp điện ảnh.

Trong các tọa đàm và hội thảo về điện ảnh gần đây, công nghiệp điện ảnh là điều được đề cập rất nhiều, với hy vọng rằng tương lai không xa Việt Nam sẽ chạm tới được. Đây không phải là một dự định viển vông, bởi nếu nhìn ở khía cạnh thị trường điện ảnh, mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước suốt 15 năm qua-trước khi đại dịch Covid-19 ập đến-đã là một trong những cơ sở cho sự định hướng phát triển này.

Chính vì vậy, quyết định những tác phẩm điện ảnh, thành phần sáng tạo được chọn mặt để trao giải tại LHP lần này đang dần cụ thể hóa những tiêu chí của nền giải trí lành mạnh là phải hài hòa được nghệ thuật và thị trường, phải bán được vé để tái đầu tư. Đó cũng chính là hình dáng của các nền công nghiệp điện ảnh ở các nước.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Trưởng ban chỉ đạo LHP Việt Nam lần thứ 22 bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực và sự ứng phó kịp thời, điều chỉnh các phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim để thích ứng với hoàn cảnh mới, an toàn trước đại dịch Covid-19 của toàn ngành điện ảnh. Nhờ đó, không chỉ riêng hạng mục "Phim truyện điện ảnh" mà cả phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình đều có những tác phẩm ấn tượng, bám sát hơi thở thời đại và các sự kiện xảy ra thường ngày. Đặc biệt mảng phim tài liệu tại kỳ LHP năm nay phong phú về chủ đề, có những phim lên sóng được dư luận khán giả đánh giá cao.

Bài và ảnh: THU THỦY - MINH KHÁNH