Những ngày này, không khí Trung thu xưa đang tràn ngập trong không gian trưng bày của di sản văn hóa thế giới, với điểm nhấn là chiếc đèn kéo quân khổng lồ cùng rất nhiều loại đèn Trung thu truyền thống như đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ. Kỳ công hơn cả, tại không gian trưng bày, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn phục dựng và giới thiệu một số loại đèn Trung thu đầu thế kỷ XX, được nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục hồi lại theo các nguồn tư liệu.

 
 

Có rất nhiều đồ chơi để các bạn nhỏ khám phá khi đến với chương trình “Đèn thu lung linh”.

“Đèn thu lung linh” được thực hiện với sự cố vấn về chuyên môn của nhà sử học Lê Văn Lan. Tất cả sản phẩm trưng bày và đồ chơi cổ truyền của dân tộc đều được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sưu tầm, đặt hàng các nghệ nhân của làng nghề truyền thống thực hiện, bảo đảm độ tinh xảo truyền thống nhưng vẫn không kém phần rực rỡ và đầy màu sắc.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết: “Mùa thu trời thắp đèn sao, cảnh quan vũ trụ được đưa xuống hạ giới, đất đai, bản đồ, không gian nước Việt hình thành nên nét phong tục rước đèn Trung thu vào ngày rằm tháng Tám âm lịch. Qua nhiều triều đại lịch sử, trong cung đình xưa, Tết Trung thu có nhiều hoạt động ý nghĩa như dưới triều Lý, Trung thu là lễ hội do nhà vua tổ chức với hoạt động cúng tổ tiên, đua thuyền, diễn rối nước, rối cạn.

Thời Trần, các nhà quý tộc uống rượu, ngâm thơ đạo xem phong cảnh. Đến thời Lê Trung Hưng, những mô tả lịch sử là ngày hội trong phủ Chúa Trịnh được trang hoàng lộng lẫy bằng hàng ngàn chiếc đèn tạo nên một đêm trung thu lung linh đầy màu sắc. Trong dân gian, ngày Tết Trung thu cũng trở nên rực rỡ với tục chơi đèn, phá cỗ trông trăng...”.

Đến với "Đèn thu lung linh", các em nhỏ được đắm mình trong các trò chơi truyền thống.
Một góc "Đèn thu lung linh". 

Ngoài không gian trưng bày, tại chương trình vui Tết Trung thu, các em nhỏ được xem biểu diễn nghệ thuật múa sư tử, rối nước. Đặc biệt, hấp dẫn với các bạn nhỏ là trải nghiệm làm bánh dẻo, làm đèn thu như đèn ông sao, đèn thỏ, đèn cù; tô, vẽ mặt nạ giấy bồi; làm diều giấy... với sự hướng dẫn trực tiếp của các nghệ nhân làng nghề.

Anh Nguyễn Văn Thịnh ở phố Thị Cấm, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: “Tuổi thơ của thế hệ 7X lớn lên cùng những cái Tết Trung thu đáng nhớ. Chúng tôi háo hức mong chờ ngày Trung thu vì trẻ con được chơi rất nhiều trò chơi thú vị như rước đèn ông sao, bịt mắt bắt dê, được bố mẹ hướng dẫn làm con chó bằng múi bưởi, được kết đèn bằng hạt bưởi... Ngày nay có điều kiện vật chất đủ đầy hơn nhưng con trẻ có thiệt thòi là ít biết đến các trò chơi và sản phẩm truyền thống của Tết Trung thu. Vì vậy, trong những ngày này, đưa con đến đây, tôi mong muốn con có trải nghiệm, hiểu biết thêm ý nghĩa của ngày Tết Trung thu, về các đồ chơi ý nghĩa gắn liền với văn hóa dân tộc.”

Nhờ các hoạt động đặc sắc, nhất là các hoạt động trải nghiệm thú vị, có ngày Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đón hàng nghìn lượt khách đến vui Tết Trung thu. Điều này cho thấy giới trẻ hiện nay vẫn yêu mến, muốn khám phá, tìm hiểu các nét đẹp văn hóa truyền thống, cho dù đã từng có thời gian, không ít trò chơi dân gian đã mai một.

Bài và ảnh: MINH VÂN