Khi cơn sốt bộ phim “Đào, phở và piano” vẫn chưa lắng xuống, đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ: “Tôi rất vui và xúc động khi phim ra rạp chiếu, nhiều bạn bè và đồng nghiệp đã nhắn tin, gọi điện chúc mừng. Còn phim ngoài rạp thu hút rất đông khán giả, nhất là khán giả trẻ. Chứng tỏ tiềm thức yêu nước và sự quan tâm tới lịch sử dân tộc đã luôn có sẵn trong lòng công chúng. Nhà làm phim chỉ có việc “bật đúng công tắc đó ra”, nhóm lửa để ngọn lửa ấy bùng lên”.

leftcenterrightdel
Cảnh trong phim “Đào, phở và piano”. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp 

Làm phim về đề tài lịch sử là một con đường chông gai, nhiều thử thách. “Đào, phở và piano” được đạo diễn Phi Tiến Sơn thai nghén những ý tưởng đầu tiên từ năm 2010, trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Suốt cả chục năm sau đó, ông đã thu thập, tìm kiếm tư liệu để hoàn thiện kịch bản. Cuối cùng, kịch bản phim ra đời theo hướng lấy bối cảnh lịch sử, không khí của một giai đoạn lịch sử nhằm tạo nên câu chuyện phim với những nhân vật hư cấu. Nhưng khó khăn không chỉ đến từ khâu kịch bản, bởi sau khi hoàn thành kịch bản, đạo diễn phải tính tới việc tìm kiếm, xây dựng bối cảnh.

Ở Việt Nam, làm một bộ phim lấy bối cảnh lịch sử là việc vô cùng khó khăn. Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết, ông đã đi khắp các ngõ ngách ở Hà Nội nhưng chưa thấy nơi nào có 3 ngôi nhà cổ đặt liên tiếp sát cạnh nhau. Do đó, việc dựng hiện trường bao gồm 3 công đoạn. Đầu tiên là xây mới những căn nhà, con đường, sau đó là dùng xe cẩu đập vỡ chúng đi đến trơ cả gạch đỏ ra, cuối cùng là dùng thủ thuật phun khói, phun sơn sao cho trông nó cũ kỹ, hoang tàn đổ nát giống như thời chiến tranh.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn khẳng định: Khi làm về đề tài phim lịch sử là bắt buộc phải tôn trọng lịch sử. Điều quan trọng là chúng ta thể hiện được thái độ tôn trọng không khí lịch sử và tạo dựng nên không khí đó. Lịch sử là điểm tựa để thể hiện quan điểm của tác giả, thái độ tôn vinh các bậc tiền nhân. Nếu có thái độ xúc phạm bậc tiền nhân, chắc chắn phim sẽ thất bại.

Ông cho rằng, các cấp quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển dòng phim lịch sử để dẫn tới chúng ta phải xây dựng phong cách làm phim lịch sử của Việt Nam. Lâu nay, nhiều bộ phim lịch sử Việt Nam bị đánh giá giống phim của các quốc gia khác bởi chúng ta chưa xây dựng được phong cách riêng, nổi bật lên văn hóa Việt thông qua các bộ phim điện ảnh. Đây không chỉ là câu chuyện nhà làm phim phải suy nghĩ mà tất cả người dân, cộng đồng cần chung tay.

Đã sản xuất ra phải bán được hàng. Với phim Nhà nước đặt hàng, bấy lâu nay, chúng ta sản xuất sản phẩm mà chưa nghĩ đến việc bán sản phẩm. Chúng ta chỉ có một “cửa hàng” rất nhỏ là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia-đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Và ngay cả “cửa hàng” này cũng chưa hẳn là nơi bày bán, nó giống như một phòng triển lãm thì đúng hơn. Chiếu một thời gian nào đó, ai đến xem thì xem. Nếu cứ vận hành theo cách này thì không chỉ làm tốn công sức của đoàn làm phim mà còn là sự ứng xử chưa tốt, phần nào đó coi thường khán giả và lãng phí tiền của Nhà nước. Nhà nước cần để ý khâu phát hành này hơn.

Việc các doanh nghiệp điện ảnh tư nhân tâm huyết với điện ảnh dân tộc, chiếu và hoàn 100% doanh thu về Nhà nước cũng không nên là việc kéo dài và một mặt nào đó, cũng là không sòng phẳng với họ. Bởi lẽ, để vận hành bộ máy và hoạt động cũng rất tốn kém, không hề dễ dàng ở thời buổi này.

“Từ câu chuyện “Đào, phở và piano”, mong các cơ quan quản lý nhà nước tìm hướng ra cho dòng phim Nhà nước đặt hàng”, đạo diễn Phi Tiến Sơn bày tỏ.

 THẢO NGUYÊN 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.