Khả năng cao tiểu thuyết sẽ có nhiều tác phẩm được vinh danh. Bởi lẽ vị trí của tiểu thuyết luôn là “máy cái”, phản ánh diện mạo của nền văn học. Nửa thế kỷ qua, tiểu thuyết Việt Nam có bước phát triển, thay đổi, trở nên phong phú, đa dạng hơn.

leftcenterrightdel

Cảnh trong bộ phim "Thời xa vắng" chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp 

Đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết để phân biệt với các thể loại văn xuôi khác là khả năng phản ánh hiện thực theo chiều rộng và bề sâu, có khả năng linh hoạt trong nghệ thuật: Đa dạng giọng điệu và ngôn ngữ, biến ảo kết cấu - cấu trúc... Các nhà nghiên cứu văn học Nga chú trọng xây dựng lý thuyết về thể loại văn học đã đánh giá: Tiểu thuyết là thể loại “trẻ tuổi” nhất, là động lực phát triển của văn học, điều mà các thể loại khác không làm được vì đã đến giới hạn để có thể thay đổi.

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, đời sống xã hội ở Việt Nam thay đổi nhanh chóng, khi có môi trường thuận lợi “tiếp sức”, việc tiểu thuyết có nhiều thay đổi, đạt nhiều thành tựu là tất yếu.

Điểm chung các tiểu thuyết là từ tính sử thi chuyển sang đời tư thế sự. Thập niên 1980, nhân vật trung tâm vẫn là người lính, là cán bộ nhưng trọng tâm không còn là chuyện công tác, chiến đấu mà là những câu chuyện riêng tư của họ. Nổi bật là tiểu thuyết “Thời xa vắng” (1986) của nhà văn Lê Lựu với nhân vật bất hủ Giang Minh Sài. Đây là tác phẩm bước ngoặt vì nó giúp cho độc giả và người viết nhận ra, trong mỗi con người luôn có nhiều chiều kích tâm lý, không thể đơn giản một chiều nhìn bằng mắt thường. Cùng với đó là những vấn đề của con người thời hậu chiến với những tiểu thuyết nổi tiếng như “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh), “Ăn mày dĩ vãng” (Chu Lai), “Bến không chồng” (Dương Hướng)...

Không chỉ là một cá nhân cụ thể, tiểu thuyết về phản ánh xã hội cũng rất nhạy bén trước những thay đổi của mô hình kinh tế đang rất nóng bỏng thời đó (tiểu thuyết “Đứng trước biển” của Nguyễn Mạnh Tuấn). Một thành tựu lớn của tiểu thuyết những năm đầu đổi mới là đã sớm phát hiện mặt trái của kinh tế thị trường tác động lên gia đình, đạo đức xã hội, những quan niệm sống... (“Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường,...).

Tuy nhiên, đọc tiểu thuyết thập niên 1980, người đọc không thấy sự thay đổi của nghệ thuật viết tiểu thuyết. Phương thức diễn đạt vẫn rất cổ điển như tiểu thuyết hiện thực. Cắt nghĩa điều này có lẽ đến từ việc “kể nội dung” được ưu tiên hơn do biến đổi của xã hội quá lớn, so với vấn đề kỹ thuật viết.  

Đến thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 và hơn hai mươi năm đầu tiên của thế kỷ 21, tiểu thuyết bứt phá ở phương diện nghệ thuật rõ rệt. Đó là khi độc giả mong mỏi không chỉ đọc một câu chuyện mà còn phải là câu chuyện được kể có hấp dẫn hay không? Đồng thời, khi những vấn đề kinh tế-xã hội đã ổn định và phát triển, không còn là đề tài giàu sức hút thì câu chuyện muôn thủa giữa con người với con người hết sức tinh vi vẫn luôn đó. Đòi hỏi các nhà văn cần dùng ngòi bút của mình “giải phẫu” tâm lý con người phức tạp. Đó là lý do vì sao tiểu thuyết thêm nhiều chất kỳ ảo, phi hiện thực; cách kể phi tuyến tính được ưa chuộng; cấu trúc tác phẩm đa dạng như truyện lồng trong truyện... Có thể kể đến các tiểu thuyết: “Cơ hội của Chúa” (Nguyễn Việt Hà), “Và khi tro bụi” (Đoàn Minh Phượng), “Mưa đỏ” (Chu Lai)...

Bên cạnh dòng tiểu thuyết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, tiểu thuyết phản tỉnh về mặt trái đời sống đương đại, còn có khuynh hướng tiểu thuyết “tầm căn” (trở về cội nguồn văn hóa, lịch sử) cũng rất được chú ý với một loạt tiểu thuyết “ăn khách” của Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Lưu Sơn Minh... Ngoài ra là một số dòng tiểu thuyết “cận văn học” với các thể loại trinh thám, hình sự, kiếm hiệp, viễn tưởng... cũng “trăm hoa đua nở”.

Có thể khẳng định, tiểu thuyết từ chỗ ngập tràn tính sử thi, có nhiệm vụ phục vụ xã hội, nổi bật là hình tượng người lính, cán bộ, đảng viên... đã phát triển phong phú, đa dạng từ nội dung đến cách thể hiện. Trong nửa thế kỷ qua, chúng ta chưa có kiệt tác tiểu thuyết nào vươn ra thế giới, nhưng với nền tảng là “sự trưởng thành” của tiểu thuyết chính là cơ sở để hy vọng tiểu thuyết nói riêng và văn học Việt Nam tiếp tục có những thành tựu còn lớn hơn trong tương lai.

LIÊN HOA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.