Cách Hà Nội 40km, chúng tôi tìm về thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nói là thôn nhưng đây là một bản làng yên bình của người Mường được dãy núi Viên Nam ôm trọn vào lòng.
Tiếng chiêng Mường của Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn thật khác lạ, nó không mãnh liệt hào hùng như những chàng Đam San nơi đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ mà toát lên vẻ đằm thắm, thướt tha của người con gái xứ Mường đất Thủ đô:
“Tiếng cồng bản Mường, âm vang rừng núi
Mãi còn đây nền văn hóa quê mình
Tiếng cồng bản Mường, trao nhau lời thương
Ta tìm nhau trong đêm hội cồng chiêng
Hội đông mắt cũng no nhìn bạn ơi
Lại xem cô gái quê mình đánh chiêng
Lưng xanh váy lĩnh áo choàng
Trái đào dây bạc vòng trằm roong reng
Roong reng là roong reng”.
 |
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn (sinh năm 1952), bà từng là cán bộ Sở Văn hóa tỉnh Hà Sơn Bình (hiện nay là tỉnh Hòa Bình và Hà Tây cũ), Phòng văn hóa huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), sau đó tham gia Ban Văn hóa xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất.
|
Góp lửa níu “hồn” chiêng xứ Mường
Với dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt mộc mạc in hằn sự vất vả của núi rừng, hiếm ai biết nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn là người duy nhất ngày ngày góp lửa để níu “hồn” cồng chiêng Mường, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc Mường ở Hà Nội.
“Trước khi bắt tay vào việc truyền dạy và bảo tồn, thật khó để tìm thấy một người Mường biết đánh cồng chiêng. Cũng bởi lẽ từ lúc hợp nhất từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về với Hà Nội, nhiều bà con dân tộc Mường ở các xã: Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) đã quên đi cách đánh cồng chiêng”, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn xúc động nói.
Theo nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, cồng chiêng chính là một loại nhạc khí dân tộc, chúng được coi như bảo vật, là biểu tượng văn hóa của người Mường. Không những vậy, cồng chiêng còn góp một phần nhỏ bé vào sự đa dạng nền văn hóa đa sắc tộc Việt Nam.
Bảo vật sống này tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống, gắn liền với vòng đời của mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi mất đi. Do đó, dù là già hay trẻ, dù là trai hay gái, hễ là người Mường thì đều coi cồng chiêng là vật thiêng liêng của mình, họ lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
 |
Trong khi người Tây Nguyên dùng tay đánh cồng thì người Mường dùng những chiếc dùi được làm từ gỗ cây ổi, cây hồng bì và bọc da trâu, da nai để tạo nên những âm đẹp, thanh sáng khi đánh cồng.
|
Nốt thăng, nốt trầm của tiếng cồng chiêng cũng giống như cuộc đời của người nghệ nhân đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn kể: “Tiếng cồng chiêng như ngấm vào máu của tôi, càng gắn bó tôi lại càng say mê với tiếng nhạc của dân tộc mình. Ngày còn bé, nhà nghèo nên khi lên 8 tuổi, tôi đã phải đi làm thuê kiếm sống. Cả làng Đồng Dâu khi ấy chỉ có duy nhất một gia đình giàu có sở hữu dàn chiêng cổ. Để được nhìn thấy dàn chiêng quý, được nghe tiếng chiêng vang lên mỗi ngày, tôi xin vào nhà ấy trông trẻ rồi từng nốt nhạc cứ thế thấm vào tâm hồn tôi từ lúc nào không hay”.
Cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng lớn lên, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn quyết tâm đi tìm cái chữ, mở rộng cánh cửa tương lai. Năm 1974, bà trúng tuyển lớp đạo diễn sân khấu - là khóa sinh viên đầu tiên của Trường Lý luận nghiệp vụ trực thuộc Bộ Văn hóa (tiền thân của Trường Đại học Văn hóa ngày nay).
Sau khi ra trường, bà đã trải qua nhiều môi trường công tác, từ Sở Văn hóa tỉnh Hà Sơn Bình, Phòng văn hóa huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), sau đó tham gia Ban Văn hóa xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất.
Để tiếng chiêng trường tồn cùng năm tháng
Trong quan niệm văn hóa dân gian - tín ngưỡng của người Mường - tiếng chiêng cũng chính là tiếng của lòng người. Vào các dịp Tết, lễ hội, lễ đi săn, lễ mừng nhà mới, lễ xuống đồng, tiệc hỷ… không thể thiếu tiếng chiêng trầm bổng, ngân nga suốt cuộc vui.
Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn cho hay: “Cồng chiêng của người Mường ở Thạch Thất đầy đủ bao gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng đủ đầy ấm no trong năm. 12 chiếc chiêng lại giữ một vai trò khác nhau trong bộ âm: Bùng, bính, boong và đòi hỏi mỗi người khi chơi phải ăn khớp một cách nhuần nhuyễn. Yêu cầu người chơi phải biết kỹ thuật, lúc gõ phải gõ chính giữa, cầm dùi phải thả lỏng tay, đưa tay nhẹ nhàng nhưng không phải là múa chiêng, nếu không âm thanh sẽ không vang”.
Nhằm phát huy giá trị của cồng chiêng, năm 2009, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn đã được chọn để truyền dạy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng. Ngay sau đó, UBND huyện Thạch Thất đã đầu tư 6 bộ cồng chiêng cho ba xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân để phục vụ công tác bảo tồn, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
 |
Người Mường coi chiêng là gần như một thứ “báu vật”, không chỉ là một thứ linh khí thiêng liêng mà còn trở thành một công cụ kết nối giữa con người với thân linh, với núi rừng xanh thẳm. |
Nhạc cụ được đầu tư, nghệ nhân đã có nhưng cồng chiêng xứ Mường Thạch Thất vẫn chẳng thể khởi sắc, nó vẫn chỉ là một nốt nhạc… trầm. Trầm vì người Mường nơi đây ít ai biết đến, biết đánh nhạc cụ của dân tộc mình. Người nghệ nhân già lại tụ họp một số chị em trong xã bàn cách làm sao để nhiều người biết đến và học đánh cồng chiêng hơn nữa.
Với sự chung tay của tất cả mọi người, tháng 10-2014 Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng và hát dân ca xã Tiến Xuân chính thức ra mắt trong niềm vui của người dân toàn xã và một số xã bạn. Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn được đề bạt làm chủ nhiệm. CLB chia làm ba đội ở ba thôn Miễu 1-2, thôn Cố Ðụng 1-2, thôn Ðồng Dâu.
Năm 2015, ngay khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cùng phần thưởng 10 triệu là đồng, Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn đã bỏ thêm tiền để mua 1 bộ chiêng về phục vụ cho việc truyền dạy cho người dân.
“Điều tôi mong ước lớn nhất chính là dốc hết vốn liếng cồng chiêng để truyền lại cho các thế hệ sau, để khỏi tiếc xót khi vốn văn hóa dân gian ngày càng rơi rụng. Tôi chẳng mong điều gì cao sang, chỉ mong rằng Nhà nước cũng như Thành phố Hà Nội có thêm thật nhiều chính sách khuyến khích lớp trẻ giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Hỗ trợ việc dạy và thực hành di sản để có thể tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về di sản cồng chiêng của người Mường nói riêng và các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô Hà Nội nói chung”, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó chủ tịch UBND xã Tiến Xuân, xã Tiến Xuân là một trong 3 địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống của huyện Thạch Thất. Nhiều nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Mường như: Ném còn, hát ca, hát ví và đặc biệt là cồng chiêng vẫn được lưu giữ đến ngày nay. "Một trong những người có công gìn giữ loại hình nghệ thuật này suốt hàng chục năm qua phải kể tới là Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn. Từ niềm yêu thích với cồng chiêng, hát múa dân gian, bà Thìn đã sưu tầm, gìn giữ các bài chiêng, lời ca, điệu hát ví cổ. Đồng thời, truyền lại cho các chị em trong đội văn nghệ, giới thiệu và biểu diễn cồng chiêng phục vụ bà con nhân dân các thôn, xã trên địa bàn huyện", ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết.
Khi trời đất hòa quyện vào với đại ngàn, tiếng chiêng vang lên giữa núi rừng Viên Nam lộng gió, trong mùa lúa mới của khắp bản làng người Mường đất Thủ đô, nếu có dịp bạn nên một lần về với miền đất cồng chiêng của Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn để nghe và cảm nhận…
    |
|
Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn truyền dạy nghệ thuật biểu diễn chiêng, cồng tới người dân trong các bản Mường. Video: Nhân vật cung cấp |
Bài và ảnh: HỒNG PHÚC