QĐND Online – Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: ""Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to tiếng mới lớn"", nhiều đại biểu dự hội thảo khoa học ""Công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội"" đã làm rõ nhiều nội dung, biện pháp để ""tiếng chiêng"" vang xa hơn nữa. Hội thảo do Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội sáng 26-10.
 |
Hội thảo khoa học ""Công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội sáng 26-10
|
Hội thảo nằm trong chương trình nghiên cứu của đề tài khoa học cấp bộ ""Cơ sở lý luận và thực tiễn nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội trong giai đoạn mới"" do Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội chủ trì. TS Ngô Đức Mạnh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Chủ nhiệm đề tài khoa học trình bày báo cáo đề dẫn khẳng định: ""Quốc hội là bộ phận hợp thành quan trọng trong tổng thể các ""binh chủng"" đối ngoại của Nhà nước ta, bao gồm ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân. Với vị trí, vai trò quan trọng như vậy, hội thảo cần làm rõ khái niệm, nội dung, yêu cầu, thực trạng, phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội. Theo nhiều đại biểu, đây là một đề tài mang tính thực tiễn cao, đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết trong hoạt động của Quốc hội hiện nay.
Nhìn nhận ở góc độ nghiên cứu, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Trưởng khoa Quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) khẳng định, hoạt động thông tin đối ngoại của Quốc hội cần bám sát các chủ trương, quan điểm của Đảng. Thông tin đối ngoại là thông tin hai chiều, vừa có ""xây"" vừa có ""chống"", vừa xây dựng vừa chống lại những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Trong tham luận của mình, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại nhận định: ""Công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội hiện nay còn rất nhiều công việc để làm"". Để góp phần nâng cao hiệu quả trực tiếp của lĩnh vực này, PGS.TS Phạm Văn Linh kiến nghị cần xây dựng một hệ thống thông tin, dữ liệu mở về đối ngoại cập nhật, dễ truy cập và có chiều sâu. Trang thông tin điện tử của Quốc hội (bằng tiếng Việt, Anh, Trung, Pháp, Nga) phải cập nhật thường xuyên và hữu ích; các ấn phẩm thông tin của Quốc hội phải phong phú và có trọng tâm, trọng điểm hướng tới việc phục vụ các đối tượng ở các vùng lãnh thổ khác nhau.
Đánh giá cao sự minh bạch trong công tác thông tin của Quốc hội gần đây, việc truyền thanh truyền hình trực tiếp các phiên họp của Quốc hội ngày càng nhiều, thái độ của đại biểu Quốc hội ngày càng thẳng thắn, TS Đào Xuân Tuyến, Tổng biên tập Tạp chí Thông tin Đối ngoại của Ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu thêm kinh nghiệm ở nhiều quốc gia khác. Như ở Trung Quốc, trang điện tử các địa phương cũng mười mấy thứ tiếng và kiến nghị các trang thông tin điện tử trong nước và trang của Quốc hội cần mở rộng các thứ tiếng.
Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Hà Minh Huệ băn khoăn vì hoạt động báo chí hiện nay vẫn còn ranh giới hạn chế cung cấp thông tin, nên báo chí có lúc có nơi, chưa thực hiện được đầy đủ chức năng thông tin của mình. Ông Huệ đề xuất Quốc hội nên có một uỷ ban theo dõi hoạt động của báo chí nói chung, hoạt động thông tin đối ngoại nói riêng.
Còn theo ông Đoàn Công Huynh, Phó cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin Truyền thông) thì công tác thông tin đối ngoại cũng là một nhiệm vụ của công tác tư tưởng, không chỉ đưa thông tin tốt ra với bạn bè thế giới mà ngay cả khi có thông tin tiêu cực, có sự cố cũng cần có tiếng nói chính thức. Ông Huynh cũng nêu mô hình từ một số nước và kiến nghị Quốc hội nên có một cơ quan quản lý hoạt động báo chí đối ngoại, nâng cao hơn nữa năng lực cán bộ chuyên trách.
Làm rõ hơn vấn đề này, TS Ngô Đức Mạnh cho biết hiện Văn phòng Quốc hội có Trung tâm báo chí, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát ngôn và chỉ đạo hoạt động này, việc thành lập thêm một bộ phận thông tin đối ngoại hoặc có phát triển trang web của Quốc hội thành Cổng thông tin Quốc hội như Cổng thông tin điện tử của Chính phủ hay không cần được nghiên cứu thêm.
Tin, ảnh: NGUYÊN MINH