 |
Ông Sầm Văn Thể, một trong 4 người của làng có thể chơi được kèn.
|
“Em về răng được mà về, bức thư chưa gửi, lời thề chưa trao?”, hay: “Mấy khi anh gặp em đây/ như rồng gặp nước như mây gặp ngàn”… đó là những câu hát quen thuộc của đồng bào dân tộc Thổ khi vui hội cồng chiêng. Thế nhưng, những tiếng hát đối đáp tình tứ, những người biết chơi cồng chiêng thì càng ngày càng ít đi. Và đây cũng là nỗi lo không xa của đồng bào dân tộc Thổ huyện miền núi Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Nét đẹp trong văn hóa cồng chiêng người Thổ
Khi nhắc đến làng Đong thì không ai ở quanh vùng không biết đến văn hóa cồng chiêng nổi tiếng khắp cả vùng. “Nghe tiếng cồng làng Đong, nghe tiếng chiêng làng Bồi”. Đó là câu hát đã đi vào tâm trí của những người dân huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An xưa, nay là thị xã Thái Hòa.
“Sự tích của cồng chiêng người dân Làng Đong không ai biết và không ai nhớ rõ là nó có từ đời nào, thuở nào. Lớn lên đã thấy người lớn chơi cồng. Cồng chiêng thường hay được chơi trong những ngày như mừng nhà mới, đám cưới, mừng thọ, chơi trong những ngày lễ lớn của dân tộc… Thế rồi cồng chiêng như ăn vào máu, vào tâm can của dân làng, thiếu cồng chiêng như thiếu một phần của cuộc sống vậy”- chị Hồ Thị Luật (xóm trưởng xóm 5, làng Đong) bày tỏ lòng mình.
Tiếng cồng chiêng là lời tâm tình của lòng người với trời đất, với núi rừng, những lời tâm sự của những đôi trai gái tìm duyên, những lời của con cái với cha mẹ…
Làng Đong là làng thuần nông, người dân trong làng quanh năm chỉ lao vào công việc ngoài ruộng ngoài nương. Thế nhưng cồng chiêng làng Đong luôn nổi tiếng khắp huyện, khắp tỉnh, liên tiếp đoạt giải trong các lễ hội Làng Vạc được tổ chức tháng 2 hằng năm. Cồng chiêng của làng Đong còn được đi biểu diễn trong Tây Nguyên, giải Anh hùng Núp, trong ngày lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên...
Khi tiếng cồng chiêng cất lên, tiếng kèn và tiếng trống hòa vào nhau, nam thanh nữ tú cùng hòa theo điệu nhảy làm “ngây ngất” đất trời. Họ cầm tay nhau, đứng bên nhau múa hát quên hết mọi mệt nhọc của cuộc sống thường ngày. Cồng chiêng hòa cùng nhịp trống, tiếng kèn, con người hòa vào nhau, quyện với thiên nhiên cây cỏ tạo nên nét đặc sắc của cồng chiêng người Thổ.
Điều đặc biệt là cồng chiêng thường do phụ nữ đánh, còn đàn ông con trai thì thổi kèn, đánh trống và múa hát. “Cồng có rất nhiều kiểu đánh để phù hợp với điệu cồng. Đánh cồng 2 cái, cồng 3 cái, 4 cái, đám cưới tiếng cồng khác với đám ma hay cúng vái, khác với lễ mừng nhà mới, lễ đón xuân…”- anh Vũ Văn Phước (33 tuổi, đội trưởng đội cồng chiêng của làng) giải thích.
Nỗi lo... thiếu người kế cận
Làng Đong có hơn 95% là người dân tộc Thổ, với hơn 700 nhân khẩu, ai cũng có sẵn trong mình dòng máu cồng chiêng từ khi mới sinh ra. Nhưng thực tế đến nay, số lượng người chơi được cồng chiêng của làng có thể đếm trên đầu ngón tay.
 |
Một đêm chơi cồng ở làng luôn thiếu bóng thanh niên
|
Đáng báo động nhất là số người có thể chơi được kèn. Hiện tại, người biết chơi kèn trong làng và cả xã Nghĩa Tiến còn “sót” lại 4 người, vì đây là làng thuần nông, quanh năm lo lao vào ruộng đồng để mưu sinh. Đó cũng là một lí do làm cho tiếng cồng ngày một ít đi.
Ông Sầm Văn Thể (Đội phó đội cồng chiêng) tâm sự: “Cả làng còn “sót” lại 4 người chơi được kèn nữa thôi, cũng có nhiều trai trẻ trong thôn học nhưng chưa ai thành. Học thổi kèn rất khó, không phải ai cũng có thể chơi được thứ nhạc cụ đó, nhưng có đam mê là học được. Không biết rồi đây ai sẽ thay thế chúng tôi chơi kèn để hòa cùng nhịp trống, nhịp cồng chiêng trong những ngày lễ trọng đại của dân tộc nữa”. Ông kể: “Tui đam mê cồng chiêng từ nhỏ, nhưng lại thích thổi kèn hơn. Thuở bé tui theo các cụ đi chơi cồng cho tới sáng quên ăn quên ngủ, tranh thủ những lúc mọi người ngồi nghỉ tui lại xin vào đánh cồng thử, rồi thổi kèn… thế là biết chơi kèn lúc nào không hay”.
Cụ Sầm Thị Chọn (77 tuổi), là nghệ nhân cao tuổi nhất của làng biết chơi cồng chiêng, nói như trách: “Đám thanh niên trẻ bây giờ không còn thích cồng chiêng như tui hồi trước. Chúng thích cái nhạc gì mà cứ “xập xà xập xình”, nghe inh tai nhức hết óc. Tui già ri rồi mà vẫn thích chơi cồng lắm. Có lễ hội chơi cồng chiêng là tui phải đến nghe cho bằng được!”. Mắt cụ nhìn xa xăm...
Các cụ ngày càng già đi, nhưng vẫn mang theo nỗi lo bên mình. Lo cho cả một nền văn hóa của dân tộc sẽ thiếu vắng tiếng cồng, vì lớp trai trẻ chưa ai có thể thay thế được lớp già. Những ngày lễ hội, các cuộc thi chỉ có những gương mặt quen thuộc, nhiều tuổi, không thấy bóng chàng trai cô gái trẻ nào.
Bài và ảnh: TÂN MAI