Tìm chiêng khắp chốn Hòa Bình

Ông Bùi Tiến Xô sinh năm 1952, trong một gia đình truyền thống của người Mường ở xã Định Cư, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Năm ông 15 tuổi, gia đình chuyển về sinh sống ở xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Ông Xô đam mê nghệ thuật từ nhỏ và thường xuyên theo các đoàn văn nghệ địa phương đi biểu diễn ở các thôn, xã, có thể tự làm và sử dụng được các loại nhạc cụ như tiêu, sáo…

Ông nhớ lại: “Cách đây gần 40 năm, hầu hết người Mường dần dần bỏ cồng chiêng. Nhiều gia đình không ngần ngại đem bán đồng nát, đổi kẹo kéo cho trẻ con. Chỉ có số ít người giữ lại cồng chiêng, nhưng lại để gác bếp làm vật dụng đựng đồ đạc khiến chúng han gỉ, hư hỏng".

Gia đình ông có nghề thợ mộc gia truyền. Ông kể lại rằng, chính nghề thợ mộc đã giúp ông bén duyên với việc sưu tầm những chiếc cồng chiêng của xứ Mường.

Năm 1976, ông Bùi Tiến Xô cùng vài người bạn nhận được lời mời đi làm thuê cho một gia đình ở tận mạn bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình). Công việc của nhóm thợ mộc là dựng nhà sàn, chế tác ra các vật dụng bằng gỗ cho gia chủ. Ông chủ nhà rất khó tính và yêu cầu cao nên tất cả nhóm thợ mộc phải ở lại để làm trong suốt hơn ba tháng trời, khi nào hoàn thiện ngôi nhà mới được thanh toán công. Đến lúc nhà đã làm xong, các thợ khác nhận được tiền công và ra về, nhưng riêng ông thì gia chủ khất nợ, bảo đợi một tháng sau đến lấy. Họ cũng nói nếu không đợi được một tháng thì có thể lấy tạm mấy chiếc chiêng cổ bằng đồng, coi như tiền gán nợ. Ông Xô nhìn qua 2 chiếc chiêng gán nợ rất lớn, màu đồng, tuy đã bị ô-xi hóa nhưng chắc chắn đó là đồ cổ, là "hàng chuẩn chính hiệu" của người Mường xưa. Ông quyết định nhận ngay 2 chiếc chiêng cổ thay cho tiền công làm mộc suốt ba tháng trời.

leftcenterrightdel
 Ông Xô cầm dùi chuẩn bị biểu diễn bên dàn cồng chiêng.
Khi mang 2 chiếc chiêng ấy về nhà, ông đã bị người vợ trẻ mới cưới cằn nhằn suốt mấy hôm. “Chẳng riêng vợ mà ai trong xóm cũng nói tôi dại, nhà đã nghèo, đi làm công hùng hục mấy tháng mà cuối cùng lại đem vài chiếc chiêng cũ hỏng về nhà. Thật ra lúc đó, tôi chỉ lấy 2 chiếc chiêng ấy vì sự thích thú, lòng đam mê với hồn cốt người Mường, chứ chưa nghĩ đến chuyện sưu tầm, lưu giữ lại cồng chiêng", ông Xô kể.

Ông dẫn chúng tôi đến bên chiếc chõng tre trong căn nhà sàn cũ để chiêm ngưỡng chiếc chiêng đầu tiên được đem về năm 1976. Theo quan sát của chúng tôi, chiếc chiêng có đường kính hơn 60cm, đã bị thủng một lỗ khá lớn ở sườn. Ông Xô cho biết, một số người am hiểu về đồ cổ đã xác định, chiếc chiêng này có tuổi đời khoảng 450 năm, rất có giá trị. Đã nhiều người săn cổ vật dưới Hà Nội, rồi ở Hòa Bình tới ngã giá chiếc chiêng cả chục triệu đồng nhưng ông Xô nhất quyết không bán.

Sau khi có được chiếc chiêng đầu tiên, ông Xô bắt đầu chú tâm hơn đến việc sưu tầm. Ông đã rong ruổi khắp các vùng Lạc Sơn, Mai Châu, Đà Bắc… của tỉnh Hòa Bình để tìm lại những chiếc cồng chiêng.

Ông kể, vào năm 1993, trong một chuyến đi làm nghề và kết hợp dò hỏi tin tức về cồng chiêng ở huyện Đà Bắc, ông biết có một gia đình ở đây đang sở hữu bộ chiêng 8 chiếc. Gia đình này đã cất giữ chiêng khá cẩn thận, nhưng không am hiểu và cũng chẳng đam mê. Họ cất giữ với mục đích để sau này được giá thì sẽ bán theo kiểu đồ cổ. Ông Xô đã nài nỉ mãi họ mới quyết định bán bộ chiêng đó, nhưng với cái giá quá sức của ông.

Chẳng chần chừ, toan tính, ông lập tức về quê vay mượn tiền của anh em, họ hàng và thuyết phục vợ cho sử dụng toàn bộ số tiền đã tích góp được suốt từ khi cưới nhau. Nhưng tất cả đó vẫn chưa đủ, cuối cùng, bí quá, ông đã phải bán luôn đàn bò 8 con, gộp toàn bộ tiền lại tới Đà Bắc mua chiêng. Vậy là mỗi chiếc chiêng tương đương với giá trị một con bò. Nếu đem quy đổi ra tiền mặt hiện giờ thì bộ chiêng ấy ông Xô đã phải bỏ ra 120 triệu đồng để có được.

Ông Xô từng phải bỏ ra 9 triệu đồng để mua một chiếc chiêng cỡ lớn, đường kính 65cm ở huyện Cao Phong vào năm 2002. Nhưng vào năm 2011, sau khi chiêng được mang cho Đội văn nghệ huyện Kim Bôi mượn thì đã bị mất. Ông vô cùng tiếc nuối không phải vì 9 triệu đồng, mà vì giờ đây kiếm được một chiếc chiêng lớn và cổ như thế là vô cùng khó khăn. Ông cũng không nghĩ đến chuyện bắt đền ai, vì chẳng mấy người, thậm chí ngay cả những chàng trai, cô gái trẻ đang chơi cồng chiêng trong các đội văn nghệ ở xã, huyện cũng không biết được giá trị thực của chiếc chiêng cổ.

Đến nay, trong bộ sưu tập của ông Bùi Tiến Xô đã có 38 chiếc cồng chiêng với các kích cỡ, độ cũ-mới khác nhau. Tính ra, cứ khoảng gần một năm ông lại mang về nhà được một chiếc cồng chiêng.

Người thầy truyền dạy không lương

Không chỉ dừng lại ở vai trò người đi sưu tầm, gìn giữ văn hóa cồng chiêng mà ông còn trở thành người truyền dạy, quảng bá nét đặc trưng âm nhạc của người Mường đến nhiều nơi trong tỉnh. Ông bảo, sau khi có được bộ cồng chiêng đã kha khá, nếu cứ ôm khư khư bộ cồng chiêng và ngồi ở nhà ngắm chúng thì cũng chẳng hay ho gì. Chính vì thế, từ năm 2005, ông đã mang chiêng đi gõ cửa nhiều đội văn nghệ ở các xã trong huyện Kim Bôi để chủ động xin làm thầy giáo dạy nhạc cụ "bất đắc dĩ". Ông chỉ lo những người trẻ mang trong mình dòng máu Mường bị những thứ nhạc trẻ, nhạc ngoại hút hồn, không chịu học chơi cồng chiêng. Còn chuyện tiền công dạy học, ông không bao giờ nhắc tới.

Hơn 10 năm nay, không ngại khó khăn, xa xôi, ông đã liên tục có những chuyến mang chiêng nhà đi dạy nhạc xứ người. Người đàn ông "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" ấy đã nhiều lần đến vùng đất sinh ra mình ở Lạc Sơn, rồi lên Đà Bắc, Tân Lạc, TP Hòa Bình để tìm và mở những lớp dạy đánh cồng chiêng miễn phí. Người dạy và người học đến với nhau hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Ông cũng chẳng ngại ngần mang 5-10 chiếc cồng chiêng của mình đến làm nhạc cụ cho học sinh thực hành. Ông tâm sự, nhiều chuyến mang chiêng đi dạy miễn phí mà cũng hết sức đau đầu. Không chỉ chuyện vài ba chiếc cồng chiêng bị học sinh đánh mất, thất lạc mà còn là chuyện phải làm công tác tâm lý, tư tưởng, thuyết phục người học. “Ngay đến nhiều cô cậu sinh viên ở các trường văn hóa-nghệ thuật tỉnh lúc nhìn thấy chiêng thì hào hứng lắm, nhưng chỉ học được vài ba buổi là họ chán, họ nản. Những lúc đó, tôi lại phải giảng giải, làm công tác tư tưởng,...", ông Xô chia sẻ.

Hiện nay, ông đã bước sang tuổi 64, sức khỏe không còn được dẻo dai như trước. Tuy vậy, cứ chỗ nào cần học cồng chiêng là ông tới. Nếu không tự đi xe được và không có ai đón là ông tự bắt xe ôm, xe khách để tới với các học sinh. Đến nay, ông Xô đã mở được 11 lớp học cồng chiêng với số người tham gia lên đến hơn 200, riêng ở huyện Kim Bôi đã có 4 lớp ở các xã khác nhau với số học viên là gần 70 người.

Em Trần Thị Ngọc, 21 tuổi, thành viên Đội văn nghệ xã Hạ Bì (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), tâm sự: “Biết tin xã em muốn có một đội cồng chiêng để đi biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch vào buổi tối khi họ đến tham quan, vui chơi ở suối nước nóng nên bác Xô đã tình nguyện đến đây dạy đánh cồng chiêng từ năm 2012. Bản thân em tham gia đội cồng chiêng này đã được hai năm, đã nắm được cơ bản cách đánh và hiểu được phần nào cung bậc của tiếng cồng chiêng Mường. Bác Xô dạy đội văn nghệ rất tỉ mỉ, đầy nhiệt huyết. Không chỉ dạy lý thuyết, thực hàn, mà bác còn tâm sự nhiều câu chuyện truyền thống gắn liền với chiếc chiêng Mường. Bác cũng so sánh, chơi thử để đội văn nghệ phân biệt được đâu là cồng chiêng Mường-Hòa Bình và đâu là cồng chiêng Tây Nguyên…”.

Ở huyện Kim Bôi, lớp học cồng chiêng của "thầy giáo" Bùi Tiến Xô tại xã Đú Sáng là thành công và đông đảo nhất. Đây là lớp đầu tiên ông Xô mở tại Kim Bôi vào năm 2006. Có những lúc học viên trong lớp lên tới 28 người. Chính quyền xã Đú Sáng rất ủng hộ việc gìn giữ và truyền dạy chiêng cho mọi người. Ông Xô cho biết, xã Đú Sáng có một nguồn kinh phí nhỏ để phục vụ đội văn nghệ cồng chiêng. Nơi học cũng được xã quan tâm, có khi cả thầy và trò học ở ngay chính điểm nhà văn hóa của thôn, của xã, có khi lại được sắp xếp học trong một căn nhà sàn lớn để phù hợp với không gian cồng chiêng xưa… Nhiều bé gái mới chỉ 12 tuổi đã tham gia lớp học. Rồi nhiều phụ nữ đã lên chức bà cũng tình nguyện theo các thiếu nữ đi học đánh cồng chiêng.

Cồng chiêng của dân tộc Mường là một loại hình âm nhạc truyền thống được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng để hiểu được hết âm luật, những cung bậc của loại nhạc cụ này là điều không hề đơn giản. Hòa Bình có 4 Mường là: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng và Mường Động. Trong 4 Mường ấy, văn hóa cồng chiêng mỗi nơi lại có một nét đặc biệt và rất thú vị. Với sự hiểu biết của mình, ông Xô có thể chơi được tất cả các loại cồng chiêng của 4 Mường nói trên. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Xô đã không ít lần nói đến những trăn trở, lo lắng về tương lai của cồng chiêng Mường.

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ HƯỜNG