Cuối cùng, vị khách bị đánh giá thấp nhất giải là Ô-lim-píc Phần Lan đã ẵm cúp trước sự bất ngờ của các đối thủ. Còn ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu vô địch, đội tuyển In-đô-nê-xi-a lại thảm bại sau ba trận thua tan tác.
Việc Ô-lim-píc Phần Lan hay Ô-lim-píc Ca-mơ-run giành cúp đều xứng đáng. Đây là những đội bóng đến từ hai nền bóng đá khác nhau nhưng tựu chung đều có điểm mạnh về thể lực, kỹ thuật và tư duy chiến thuật nhạy bén.
Đội bóng Bắc Âu Ô-lim-píc Phần Lan luôn giữ được cự ly thích hợp giữa các cầu thủ, các tuyến để có thể tấn công lẫn phòng ngự đạt hiệu quả cao nhất. Trong khi đó, “tiểu sư tử” Ca-mơ-run thi đấu có phần phóng khoáng, ngẫu hững nhưng không vì thế mà tính hiệu quả bị giảm sút.
Trong trận đấu trước Ô-lim-píc Ca-mơ-run, mặc dù đội Ô-lim-píc Việt Nam đã chơi hết sức mình nhưng rõ ràng, bóng đá Việt Nam ở một đẳng cấp khá xa với bóng đá Ca-mơ-run (từng lọt vào vòng tứ kết World Cup I-ta-li-a 1990, HCV Ô-lim-píc 2000). Thế nên việc để thủng lưới tới 4 bàn trước các chân sút lục địa đen không có gì phải xấu hổ.
Điều đáng bàn là sau khi đội nhà bị dẫn 2-1, 3-1, ban huấn luyện đội tuyển Ô-lim-píc quốc gia gần như không đưa ra được phương án chống đỡ hiệu quả trước sức tấn công như vũ bão của Ô-lim-píc Ca-mơ-run. Có cảm giác sau khi tỉ số được nâng lên 4-1, thủ môn Vĩnh Lợi vẫn có thể phải vào lưới nhặt bóng trong những phút đá bù giờ. Trong thế trận bị ép sân, những Công Vinh, Hồng Minh, Huy Hoàng… đã có lúc tỏ ra buông xuôi, thi đấu thiếu dũng khí. Vào những thời điểm như vậy, đội rất cần một sự chỉ đạo mang tính “đột phá” từ băng ghế huấn luyện.
Cái hay là qua giải đấu này, rất nhiều cầu thủ dự bị lâu nay như Đức Dương, Quý Sửu, Xuân Thành, Đình Luật… được ban huấn luyện tung vào sân thử sức. Trận thua đậm 1-4 trước Ca-mơ-run xem ra giúp cho các cầu thủ Việt Nam được nhiều bài học thấm thía. Thua trận trước một đối thủ đẳng cấp như vậy thì không có gì phải xấu hổ. Nhất là trong bối cảnh Ô-lim-píc Ca-mơ-run hướng đến mục tiêu giành HCV ở Ô-lim-píc Bắc Kinh 2008 thì Ô-lim-píc Việt Nam coi việc dự vòng đấu loại Ô-lim-píc Bắc Kinh 2008 chỉ dừng lại ở việccó thêm cơ hội cọ xát và tích luỹ kinh nghiệm.
Trong khi đó, đội tuyển In-đô-nê-xi-a lại thể hiện một gương mặt khiến giới chuyên môn và người hâm mộ bất ngờ. Những tưởng dưới sự dẫn dắt của HLV Pi-tơ Uýt, đội bóng của xứ sở vạn đảo sẽ thi đấu tưng bừng nhưng những gì các cầu thủ In-đô-nê-xi-a thể hiện đã khiến người hâm mộ quá thất vọng. Thi đấu bạc nhược, thiếu tốc độ, thiếu sự kết dính giữa 3 tuyến. Nhưng phải chăng, đây là đòn tung hoả mù của “cáo già” Pi-tơ Uýt trước thềm giải vô địch bóng đá Đông Nam Á 2007?
Bóng đá In-đô-nê-xi-a lâu nay vẫn là một thế lực đáng kể trong khu vực Đông Nam Á. Việc đội tuyển In-đô-nê-xi-a bỗng nhiên thi đấu dưới sức mình tại Cúp Bách Việt 2006 quả là điều đáng ngờ. Đừng vội đánh giá thấp các học trò của Pi-tơ Uýt sau ba trận thua trắng tại giải. HLV người Anh từng nói: “Cúp Bách Việt chính là cơ hội để tôi chọn ra những gương mặt sáng giá vào đội tuyển quốc gia và thử nghiệm đội hình mới cho hàng loạt giải đấu quan trọng sắp tới”. Phải chăng giải bóng đá vô địch Đông Nam Á 2006 và ASIAN Cup 2007 (In-đô-nê-xi-a đồng chủ nhà cùng Việt Nam, Thái Lan và Ma-lai-xi-a) chính là nơi đoàn quân của HLV Pi-tơ Uýt mới tung ra hết sức mạnh? Có thể lắm chứ, bởi không phải ngẫu nhiên mà giới chuyên môn gọi Pi-tơ Uýt là “cáo già” trong làng bóng đá Đông Nam Á.
Bài và ảnh: Đình Hùng