Chương trình gồm 3 nội dung chính: “Từ chiến hào vọng mãi”, “Dấu chân người lính” và “Viết tiếp bản hùng ca”.
 |
Các cựu chiến binh tại tỉnh Ninh Bình, Nam Định và các cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 377 (Quân chủng Phòng không - Không quân) tham dự chương trình. |
“Từ chiến hào vọng mãi” giới thiệu những hình ảnh chân thực và xúc động về cuộc sống, chiến đấu của người lính Bộ đội Cụ Hồ, những gian khổ, hy sinh, mất mát trong chiến tranh và cuộc sống sau chiến tranh của các thương bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và lắng nghe những chia sẻ của các bác cựu chiến binh.
 |
“Mỗi dịp 27-7 về, trong lòng tôi lại dâng lên một nỗi xúc động khó tả. Là người lính từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, tôi hiểu rõ hơn ai hết cái giá của hòa bình, của độc lập hôm nay. Anh em chúng tôi - những người may mắn còn sống trở về - không bao giờ quên được những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường khốc liệt. Có người chỉ mới mười tám, đôi mươi, tuổi đời còn quá trẻ, nhưng đã hiến dâng trọn tuổi xuân cho Tổ quốc. Ngày này không chỉ là dịp tri ân mà còn là ngày để chúng tôi tưởng nhớ, để sống chậm lại, để thắp một nén nhang lòng cho những người đã khuất. Dẫu thời gian có trôi, chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những tháng năm ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tim. Chúng tôi luôn mang trong mình niềm tự hào, nhưng cũng là nỗi đau đáu, khi nhớ về những người đồng đội năm xưa...”, một cựu chiến binh chia sẻ tại chương trình.
|
Tại hoạt động “Dấu chân người lính”, khách tham quan được giới thiệu các ấn phẩm gồm tờ thông tin A5, cùng nhiều tài liệu, sách giới thiệu về những năm tháng kháng chiến của dân tộc, các Anh hùng liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Từ đó, góp phần lan tỏa những câu chuyện xúc động, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và khẳng định giá trị của những cống hiến của các Anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tại “Viết tiếp bản hùng ca”, khách tham quan được tự tay viết lời tri ân, lời cảm ơn, cảm nghĩ của mình nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7 và dán lên cây tri ân được trưng bày tại phòng Thông tin của bảo tàng.
 |
Cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên nghe giới thiệu về tờ thông tin A5 qua mã QR. |
Phát biểu tại chương trình, Thượng tá Nguyễn Thành Lê chia sẻ, hoạt động là dịp thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với những hy sinh, mất mát to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
 |
Một số ấn phẩm tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. |
Đồng chí Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhấn mạnh thêm, việc tổ chức chương trình tạo không gian trải nghiệm thực tế cho người dân và đặc biệt là thế hệ trẻ được tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc thông qua các câu chuyện hiện vật, hình ảnh, tư liệu quý giá và những câu chuyện chân thật. Qua đó, hun đúc tinh thần yêu nước, bồi đắp lòng tự hào dân tộc và nhắc nhở mỗi người hôm nay phải sống xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước; đồng thời phát huy vai trò giáo dục đặc biệt của bảo tàng như một “trang sử sống”, nơi lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng biết ơn và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong mỗi người dân Việt Nam.
 |
Các cựu chiến binh và khách tham quan trải nghiệm hoạt động tại không gian “Viết tiếp bản hùng ca”. |
Để phục vụ tra cứu thuận tiện, các câu chuyện về Anh hùng liệt sĩ đã được tích hợp mã QR ngay tại khu trưng bày, giúp công chúng dễ dàng đọc, chia sẻ trên mạng xã hội.
 |
Thượng tá Nguyễn Thành Lê chia sẻ về chương trình. |
Thông tin về các hoạt động của bảo tàng sẽ được cập nhật thường xuyên trên Trang tin điện tử Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (địa chỉ: http://baotanglichsuquansu.vn/) để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân không có điều kiện tham quan tìm hiểu.
ĐỨC ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.