Môi trường văn hóa nuôi dưỡng tinh thần người chiến sĩ

Trời vừa dứt mưa, con đường dẫn vào Sư đoàn 325 vẫn còn những vệt nước chưa kịp ráo. Trong tiếng loa truyền thanh nội bộ nhẹ nhàng vang lên bản nhạc cách mạng, chúng tôi bước vào khuôn viên tích hợp Nhà văn hóa, phòng Hồ Chí Minh và phòng sinh hoạt chung-nơi cán bộ, chiến sĩ đang chuẩn bị cho buổi sinh hoạt chính trị-văn hóa ngày cuối tuần.

Không gian nơi đây không chỉ gọn gàng, sáng đẹp mà còn mang đến cảm giác thân thuộc như một điểm hẹn của tinh thần. Bên trong phòng Hồ Chí Minh được thiết kế hài hòa với những giá sách, màn hình trình chiếu và hình ảnh tư liệu quý về Bác Hồ với Quân đội. Các chiến sĩ trẻ chăm chú lắng nghe giới thiệu chuyên đề về truyền thống đơn vị; có đồng chí còn tranh thủ ghi chép, thỉnh thoảng hỏi thêm đôi điều về những bức ảnh tư liệu treo trên tường. “Những buổi sinh hoạt như thế này không chỉ giúp chúng tôi hiểu thêm về lịch sử, truyền thống mà còn là điều kiện để gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện giữa các thành viên trong đơn vị. Chúng tôi thấy tự hào và gần gũi, gắn bó hơn giữa cán bộ với chiến sĩ sau những giờ huấn luyện, học tập vất vả", Binh nhất Đặng Ngọc Khánh, chiến sĩ Tiểu đội 7, Trung đội 3, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, chia sẻ.

Một tiết mục văn nghệ do cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325, Quân đoàn 12 dàn dựng, biểu diễn. Ảnh: QUANG THỊNH

Sư đoàn 325 đã có nhiều cách làm để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở. Đơn vị tích hợp không gian chính trị-văn hóa tổng hợp từ Nhà văn hóa, phòng Hồ Chí Minh, phòng sinh hoạt chung. Ở đây không chỉ tổ chức hội nghị, học nghị quyết mà còn là nơi bộ đội thi hát, đọc sách, chiếu phim, biểu diễn văn nghệ... tạo không khí vui tươi, gắn bó, góp phần giảm áp lực huấn luyện và nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. “Sư đoàn duy trì hoạt động thư viện, phòng Hồ Chí Minh chặt chẽ, hiệu quả. Hằng năm bổ sung gần 200 đầu sách giúp bộ đội tiếp cận thông tin nhanh chóng. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam như giới thiệu, trưng bày sách; triển khai lắp đặt 122 máy tính kết nối internet phục vụ cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, học tập, tìm hiểu về các lĩnh vực của đời sống xã hội và kiến thức quân sự, nâng cao hiệu quả học tập và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, làm cho thư viện, phòng Hồ Chí Minh trở thành điểm đến quen thuộc, lành mạnh với cán bộ, chiến sĩ trong giờ nghỉ, ngày nghỉ”, Đại tá Phạm Hồng Doanh, Chính ủy Sư đoàn 325 cho biết.

Buổi chiều muộn ở Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, chúng tôi có dịp chứng kiến một hoạt động thiết thực vào ngày nghỉ, giờ nghỉ của bộ đội, đó là gọi điện qua hệ thống máy tính tại phòng Hồ Chí Minh. Các chiến sĩ trẻ, sau giờ học chính trị, lần lượt ngồi trước những chiếc máy tính được kết nối internet, gọi video về cho cha mẹ. Mô hình giản dị ấy trong thời đại số là cách làm sáng tạo của Sư đoàn 312. Đại tá Vũ Đào Long, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 312 chia sẻ: “Chúng tôi muốn mỗi thiết chế văn hóa không chỉ là nơi để trưng bày hiện vật hay đọc sách mà còn là nơi nuôi dưỡng cảm xúc, kết nối tình thân, giúp chiến sĩ gắn bó với đơn vị”.

Sư đoàn 312 còn là điểm sáng trong việc hiện đại hóa thiết chế văn hóa. Tại Nhà văn hóa của Sư đoàn và Trung đoàn 165, các màn hình LED được lắp đặt để trình chiếu hình ảnh, phim tài liệu, phục vụ hội thi, hội diễn. Hơn 500 pano, khẩu hiệu được bổ sung, tạo cảnh quan sáng-xanh-sạch-đẹp. Một điểm nhấn nữa là phòng làm phim-thu âm của đơn vị được nâng cấp, giúp các nhóm văn nghệ tự dàn dựng, sản xuất nội dung tuyên truyền.

Sự sáng tạo còn thể hiện trong các mô hình giàu tính giáo dục như: “Không gian sống phòng Hồ Chí Minh”, “Nhóm Zalo-Gia đình đồng hành cùng đơn vị”, “Lớp học lịch sử cuối tuần”, “Mỗi tháng một bộ phim lịch sử, truyền thống”, “Ngày thứ sáu học tập và làm theo Bác”, “Ngày chủ nhật rực lửa”... Mỗi mô hình là một điểm nhấn, giúp văn hóa thấm sâu vào hành vi, nếp sống của từng cán bộ, chiến sĩ, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần nuôi dưỡng đời sống tinh thần bộ đội.

 Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 12 tổ chức chương trình đồng diễn nghệ thuật năm 2025. Ảnh: QUANG THỊNH

Quan tâm đầu tư, đổi mới phương thức hoạt động

Dưới góc nhìn của người trực tiếp đi, nghe và chứng kiến từ cơ sở, chúng tôi cảm nhận rõ hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trong các đơn vị Quân đội nói chung, Quân đoàn 12 nói riêng đã và đang mang lại chuyển biến thực chất trong đời sống quân nhân. Từ lời ăn tiếng nói, cách xưng hô, lễ tiết tác phong, đến tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị... của bộ đội, tất cả đều có dấu ấn kiến tạo của môi trường văn hóa lành mạnh, nền nếp. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trong mọi hoạt động của bộ đội ở đơn vị cơ sở, vẫn cần phải có nhiều giải pháp thiết thực, sáng tạo hơn để phù hợp với tâm lý, thị hiếu của chiến sĩ trẻ trong thời đại số. 

Thiếu tướng Trần Đại Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 12 cho rằng: "Quy hoạch, xây dựng và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên mà còn là yêu cầu cấp thiết trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu", đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò thiết chế văn hóa như một điểm tựa tinh thần, nền tảng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ toàn Quân đoàn".

Tạm biệt Quân đoàn 12 sau những ngày công tác, trong tâm trí chúng tôi vẫn ngân vang giai điệu quen thuộc từ loa truyền thanh nội bộ, tiếng hát của chiến sĩ giữa sân đơn vị, sắc cờ đỏ rực rỡ nơi nhà văn hóa... Đó không chỉ là biểu hiện sinh động của đời sống tinh thần mà còn là minh chứng cho một môi trường văn hóa quân sự chính quy, lành mạnh, giàu bản sắc, nơi mỗi cán bộ, chiến sĩ được nuôi dưỡng tâm hồn và hun đúc lý tưởng người quân nhân cách mạng.

DUY THÀNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.