Ấn tượng đó bắt đầu từ đâu tôi cũng không nhớ nữa. Là khi đứng cùng bạn trên cầu sông Kiên ngắm những mảng lục bình trôi, xa xa là vườn dừa thuộc resort Hòa Bình trong êm ả của một thành phố nhìn về phía Tây là biển cả? Là lúc ngồi sau chiếc xe phân khối lớn của bạn chạy dọc con đường ven biển mênh mang, trùng trùng những con sóng bạc? Nhưng có lẽ đúng hơn là khoảnh khắc đứng bên đền thờ Nguyễn Trung Trực, nơi hội tụ linh khí của mảnh đất này, bên bờ sông Kiên bé nhỏ, bạn thả bâng quơ vào gió: Xưa đây là cửa biển... Câu nói ấy đã mở ra trong tôi cả một trời miên viễn về những năm tháng trước. Xưa biển ở mãi... trong đất liền, giờ cửa sông Kiên đã tiến ra biển vài trăm mét.

 Bến tàu Rạch Giá. Ảnh: DŨNG TRƯƠNG

Bạn bảo, miệt đồng bằng rất ít con sông mang tên tỉnh mà nó chảy qua, là sông Tiền, sông Hậu, sông Kiên..., dù dòng chính đoạn trước của nó là sông Nước Trong. Những thông tin ấy không có trong các trang dư địa chí, chỉ có trong cuộc đối ẩm giữa tôi và bạn. Dù cho địa giới hành chính có đổi thay thì nó vẫn còn trong tâm khảm người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Đời bạn gắn với miệt này, một kỹ sư xây dựng với việc làm ăn khi thành lúc bại, khi trồi lúc sụt như con nước triều lên, chạy ngược chạy xuôi như gió. Tay nâng chén, mắt nhìn ra xa nơi những khu lấn biển, bạn kể về vùng đất sinh thành. Bạn bảo, vịnh Rạch Giá là khu vực lấn biển sôi động nhất, vì cấu tạo địa chất nơi này. Cát lấn biển lấy từ chính biển, nơi đáy vịnh vợt lên. Trong kỳ tích lấn biển ấy, hai dòng sông vốn tạo nên vùng cù lao Giá khi xưa cũng đã góp mặt, sông Kiên và sông Cái Lớn, ở phía Bắc và phía Nam Rạch Giá. Sông Kiên đã nối dòng ra biển tới mấy trăm mét, chảy ra phía khu đô thị Tây Bắc do lấn biển mà thành.

Chỉ là đoạn cuối của các kênh rạch trước khi ra biển nhưng sông Kiên đã gắn bó thân thuộc với người dân Rạch Giá, chứng kiến những vươn mình mạnh mẽ của vùng đất bên bờ biển. Theo những kết quả phân tích địa chất, đới nâng Hòn Khoai theo hướng Bắc-Nam dọc theo bờ biển đã làm nên độ nông của vịnh Rạch Giá. Địa hình tương đối cao với số liệu đo đạc chính thức đã mở đường cho việc lấn biển. Tổng diện tích lấn biển của tỉnh Kiên Giang (cũ) đến nay đã lên hơn một nghìn héc-ta. Đất bên bờ biển ở nơi đây đã sinh sôi như thế. Tỉnh Kiên Giang (cũ) đã đi đầu cả nước trong việc “dời non lấp bể” phát triển kinh tế, ổn định dân sinh thời hiện đại. Tiếp theo các khu đô thị Phú Gia, Phú Cường đều là những khu lấn biển, cùng với khu đô thị Tây Bắc nằm ở cửa sông Kiên đã làm thay đổi diện mạo của Rạch Giá và của bản đồ đất nước.

Với thời gian hạn hẹp ở Rạch Giá, bạn bảo tôi nhất định phải đến nơi này-mộ và đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, con đường chạy dọc sông Kiên. Tại đây, tôi đã nghĩ về những biến động trong lịch sử chưa xa nơi quê bạn. Năm 1867, khi chiếm được tỉnh Hà Tiên, giặc Pháp đã lập một đồn binh ngay vàm sông Rạch Giá, gọi là đồn Kiên Giang. Ngày 16-6-1868, từ căn cứ bên sông Cái Lớn, Nguyễn Trung Trực dẫn quân đánh đồn. Ông chỉ huy nghĩa quân chiếm đồn, tiêu diệt 5 viên sĩ quan Pháp, 67 lính, thu hơn 100 khẩu súng cùng nhiều đạn dược và trụ lại đồn được 5 ngày trước khi quân Pháp phản công chiếm lại. Đây là lần đầu tiên, lực lượng nghĩa quân đánh đối phương ngay tại trung tâm đầu não của tỉnh. Với trận phục kích đốt cháy chiến hạm L'Espérance ngày 10-12-1861 trên vàm sông Nhật Tảo, Nguyễn Trung Trực cũng là người châm ngòi cho phong trào chống Pháp tại Nam Bộ. Hành động phóng hỏa tàu chiến Pháp của ông cũng là thắp lên ngọn lửa của lòng yêu nước, ý chí độc lập dân tộc cho người dân Việt Nam.

"Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần".

Hai câu thơ của danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt tôn vinh công trạng Nguyễn Trung Trực, người con gốc gác Bình Định, sinh ra ở Long An nhưng có nhiều duyên nợ với vùng đất Kiên Giang, vong thân vì nước khi mới ba mươi tuổi vẫn còn âm vọng mãi đến hôm nay và mai sau. Cũng như câu tuyên ngôn bất hủ của ông trước lúc bị thực dân Pháp hành hình ngày 27-10-1868 tại khu chợ Rạch Giá “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây” đã trở thành lời tuyên thệ của những người kháng chiến. Giờ đây, tên tuổi của Nguyễn Trung Trực được thờ tại ngôi đền bên bờ sông Kiên mà bạn dắt tôi qua. Trải qua những biến động, xưa ngôi đền nằm bên cửa biển, nay biển đã ra xa, ngôi đền thiêng đã “lùi” vào đất liền khoảng 500m. Bạn kể với tôi về Lễ hội Nguyễn Trung Trực hằng năm tại Rạch Giá, nhân dân khắp miệt sông nước Đồng bằng sông Cửu Long về dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc như một nét đẹp văn hóa miệt vườn sông nước. 

Dưới mái đền Nguyễn Trung Trực, nơi cánh hoa sứ trắng vừa rơi bên thềm gạch, bạn lại kể tôi nghe về tình huynh đệ của hai nhà thơ thuở trước được chắp nối tại chính khuôn viên này. Năm 1946, nhà thơ Nguyễn Bính du hành đến Kiên Giang đã có thời gian lưu trú tại đây. Thực ra Nguyễn Bính được Quản thủ địa bộ Rạch Giá tên là N.Đ.L mời về nhà ở, nhưng có một sự cố tế nhị xảy ra nên ông đã cáo biệt. Số là ông Quản thủ địa bộ có một cô vợ rất xinh, chẳng may cô này lại mê thơ Nguyễn Bính, ngày ngày nằm võng xõa mái tóc dài ngâm thơ của vị khách đang tá túc, hết “Lỡ bước sang ngang”, “Hương cố nhân” đến “Tâm hồn tôi”... khiến ông N.Đ.L nổi máu ghen tỏ thái độ không vui. Vậy là Nguyễn Bính “tẩu vi thượng sách” ôm chiếu ra đền Nguyễn Trung Trực để khỏi khó xử với ân nhân.

Bạn bảo, câu chuyện này được kể lại bởi nhà thơ, soạn giả Kiên Giang, một người con của vùng đất Tịnh Biên, An Giang. Thời gian ấy, nhà thơ, soạn giả Kiên Giang còn mang tên Trương Khương Trinh, cũng lưu lạc về sống tại Kiên Giang, bởi thế sau này ông đã lấy bút danh Kiên Giang như một sự tri ân vùng đất. Vừa hay trong những đổi thay giờ đây hai tỉnh An Giang, Kiên Giang đã về chung một nhà. Cũng là người yêu thơ văn nên khi nghe tin Nguyễn Bính về Rạch Giá, Trương Khương Trinh đi tìm. Trong cuộc gặp gỡ dưới mái đền năm ấy, Trương Khương Trinh rút bao thuốc Cotab còn hai điếu mời Nguyễn Bính, hút xong, nhà thơ “Chân quê” đã xé vỏ bao thuốc lá đề 4 câu thơ tặng người bạn mới gặp.

Cuộc trùng phùng tưởng nước chảy mây trôi đó đã ươm mầm thi ca trong chàng trai Trương Khương Trinh để sau này đất nước có thêm một nhà thơ, một soạn giả cải lương rặt Nam Bộ. Và đất nước cũng có thêm một cán bộ văn nghệ kháng chiến, bởi sau khi Nguyễn Bính bị bắt ở Rạch Giá vì viết thơ dán đầy trước căn nhà tạm mà Trương Khương Trinh thuê cho ở, khiến nhà cầm quyền quy đó là truyền đơn, được thả ra, ông đã vào chiến khu, một năm sau trở thành Hội trưởng Hội Văn hóa cứu quốc.

Rạch Giá tiếp giáp với vùng miệt thứ, trước đây là vùng xa lắc của đồng bằng, “tận cùng của miền Tây” trong ý niệm, nhưng giờ đây miệt thứ đã được đánh thức, những xa khó lắc lơ đã thành hoài cổ, thành việc để ôn lại chuyện xưa. Tuyến đê biển Rạch Giá đã mở ra những kết nối làm thay đổi căn bản vùng đất này. Xưa từ Rạch Giá về Cà Mau và ngược lại phải qua phà Tắc Cậu-Xẻo Rô, giờ đây những cây cầu đã vươn mình thay thế. Về miệt thứ bây giờ có thể ngồi xe băng băng qua cầu Cái Bé, Cái Lớn. Dặm đường ngắn lại nhưng ký ức dài ra. Từ TP Hồ Chí Minh đi Rạch Giá bây giờ chỉ 235km với già 4 giờ chạy xe trên cao tốc CT02 qua Lộ Tẻ-Rạch Sỏi là tới. Tại đây, bến tàu cao tốc Rạch Giá nằm ngay cửa sông Kiên luôn sẵn những chuyến tàu đưa khách đi Phú Quốc, Nam Du, Thổ Châu, Hòn Sơn, Hòn Tre... rất nhanh chóng và tiện lợi. Chỉ hai ngày nghỉ cuối tuần là du khách có thể ngao du hết “sơn kỳ thủy tú” của vùng biển Tây.

Đêm ấy là một đêm trăng. Ánh trăng bắt trên những con sóng bạc khiến sông Kiên như một dòng cổ tích. Bạn bảo tôi, lần sau về sông Kiên bạn sẽ đưa ra biển, thăm thú những cảnh sắc nên thơ ngoài khơi xa. Giữa mặn mòi gió biển, tôi nghe đâu đây lời bài hát “Kiên Giang mình đẹp lắm” của Hoàng Châu với hình ảnh thơ thới: “Trăng lấp lánh lung linh bến nước/ Đoàn tàu về loang loáng trên sông”. Để rồi tôi nhận thấy, sông Kiên nhỏ bé khiêm nhường nhưng với Rạch Giá, với Kiên Giang (nay thuộc tỉnh An Giang), nó đã như một đường bay ra biển lớn, như bệ phóng vút lên những ý tưởng mở cõi gây dựng cơ đồ...     

Bút ký của NGUYỄN XUÂN THỦY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.